Đào tạo Làm cách nào để giữ chân sales giỏi, những người đem về...

Làm cách nào để giữ chân sales giỏi, những người đem về nhiều tiền nhất cho công ty?

16
Có kỷ luật chặt chẽ, lộ trình thăng tiến rõ ràng cũng như cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ, là những yếu tố cần thiết để giữ chân sales giỏi, nếu không muốn bị các đối thủ trên thị trường cướp mất người tài.


Ảnh minh họa

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Để giữ chân Sales giỏi” của chuyên gia tư vấn và đào tạo bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.

Có nhiều thuyết liên quan tới mảng này, nhưng tôi sẽ chỉ nói về những gì mình nhìn thấy trong thực tế đã giúp các công ty thực sự giữ được chân sales ở lại với công ty mình. Đối tượng được đề cập tới ở đây là sales giỏi chứ không phải dân sales “làng nhàng”, vì với đội làng nhàng, chỉ cần tiền lương tăng một cách vô điều kiện, có tý danh và còn cảm thấy vui (vì bất kỳ điều gì) thì họ sẽ ở lại.

Kỷ luật

Đầu tiên thì hơi ngược với tư duy của người thường một chút, thứ giữ được chân sales hiệu quả nhất lại chính là kỷ luật. Khi sales đã quen và phát triển tốt trong môi trường có kỷ luật rồi, thì nó lại như vị muối làm đàn ngựa hoang không sao bỏ được chỗ cỏ mà nó vốn quen ăn trong các máng để sẵn ở chuồng trại do con người chuẩn bị sẵn. Kỷ luật làm một sales phát triển tốt và khẳng định bản thân cá nhân của anh ta.

Tôi hỏi nhiều bạn sales làm liên doanh ra ngoài đi làm ở công ty tư nhân và điều đầu tiên họ than phiền lại chính là môi trường bừa phứa, thoải mái quá đáng ở bên ngoài. Nó khiến họ thấy như mình bị coi thường và không thể hiện được những kỹ năng trước đó họ xây dựng được trong môi trường khắc nghiệt.

Lộ trình thăng tiến

Lý do tiếp theo khiến sales giỏi ở lại công ty là lộ trình thăng tiến rõ ràng theo đóng góp và kỹ năng của họ. Nhiều công ty thiếu hẳn phần này. Do không có mô tả về công việc cũng như các mức đánh giá sales, giám sát, quản lý, giám đốc, các chiến binh sales không rõ mình đã đạt chuẩn chưa và nếu đạt chuẩn rồi thì mình nên làm gì để tiếp tục tiến lên chức vị cao hơn. Do không rõ ràng, sales sẽ luôn có cảm giác mình không được đối xử xứng đáng và do vậy, lên đường!

Thử thách và phần thưởng

Thứ tới là mức thử thách tăng dần cùng với phần thưởng tương xứng ở từng công ty. Sales chiến là dạng luôn đi tìm những đỉnh cao mới so với đẳng cấp hiện tại của họ. Không có cái đó họ thấy như mình không được thể hiện năng lực của mình.

Nếu đúng ở môi trường phù hợp, sales chiến tự tạo ra mức lương tăng dần của mình bằng cách vượt qua lần lượt hết thử thách này tới thách thức khác. Ngay cả khi được thăng chức làm quản lý, dù biết ở vị trí mới sẽ được lương cao hơn, ưu đãi nhiều hơn, họ vẫn coi đó là một thử thách họ phải vượt qua vì đơn giản thôi, sếp cho họ chức nhưng sếp không thể đưa cho họ sự tôn trọng của anh em nhân viên. Lên làm quản lý nghĩa là họ phải chứng tỏ năng lực của mình cao hơn hẳn so với sales, và chứng tỏ nó đều đặn liên tục. Thử thách, dù ở vị trí sales hay quản lý, chấm dứt sẽ làm họ hụt hẫng và dần chán với chính môi trường bình ổn mà mình đang sống.

Cơ hội học hỏi

Có thể nói, có khá nhiều lý do để sales giỏi ở lại công ty, nhưng cơ hội học thêm kiến thức và kỹ năng cũng là một yếu tố quan trọng nếu không nói là thiết yếu với việc giữ chân sales giỏi. Kiến thức và kỹ năng ấy cần phải là những thứ thực tế, áp dụng được trong cuộc sống và được truyền thụ bởi chính những người quản lý ở cấp cao hơn. Hay hơn cả là chính từ sếp trực tiếp của đương sự.

Một chuyện có thật, cách đây 8 năm, có lần tôi hỏi một Giám đốc phụ trách miền Bắc của một công ty liên doanh lớn là tại sao anh còn ở lại công ty tới giờ dù anh đã tới tuổi 45 rồi. Câu trả lời của anh rất thú vị “Vì tao còn học được từ sếp của mình!”. Sếp của anh ấy hồi đó đã 52 tuổi, nhưng trông như một ông già 60 vì luôn ép mình phấn đấu dù từ hồi học sinh ông ấy đã nổi danh là vô địch toán quốc tế! Sau đó chúng tôi không gặp nhau thường xuyên nữa, nhưng tầm 5 năm sau, tôi mới thấy anh Q rời khỏi công ty đó.

Vậy là khác với hình dung của nhiều bạn trẻ bây giờ, rằng chỉ cần học tới tầm dưới 30 tuổi là “tam thập nhi lập” được rồi, thực tế là không có giới hạn nào cho việc sales học hỏi cả.

Theo Nhịp sống kinh tế