Chiến lược Lý do các doanh nghiệp vốn tỷ đô ồ ạt lên sàn

Lý do các doanh nghiệp vốn tỷ đô ồ ạt lên sàn

7
Câu chuyện về những doanh nghiệp vốn tỷ đô dồn dập lên sàn chứng khoán trong thời gian qua là chủ đề chính của chương trình Sự kiện và bình luận hôm nay (2/9).


Ảnh minh họa

Sau thời gian tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng, hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đã bước lên sàn chứng khoán với tổng số vốn dự kiến xấp xỉ 100 tỷ USD. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là doanh nghiệp mở màn cho làn sóng tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt Nam năm nay.

Tiếp theo sau là cổ phiếu của hàng loạt cái tên đáng chú ý được lên sàn như Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan với mức vốn hóa xấp xỉ 2,3 tỷ USD, ngân hàng VIB, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Máy độc lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí và Tập đoàn Lộc Trời.

Nhận được sự quan tâm lớn của thị trường là trường hợp của Habeco. Chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE, ngay khi chính thức giao dịch trên sàn HOSE, giá trị vốn hóa của Habeco đã đạt hơn 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, ngay ngày đầu chào sàn, đại gia ngành xăng dầu là Petrolimex đã đạt mức vốn hóa là 2,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, chỉ lên sàn cách đây nửa tháng, VPbank với mức vốn hóa 2 tỷ USD đã làm thay đổi vị trí của nhiều người trong BXH những cái tên giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tính đến nay, đã có hơn 20 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt, tăng gần gấp đôi hồi cuối năm 2016.

Ông Nguyễn Việt Đức – Chuyên gia kinh tế, Công ty CP Chứng khoán MB cho biết – điểm nhấn mạnh mẽ nhất trong sự tăng trưởng rầm rộ của các doanh nghiệp vốn tỷ đô trên sàn chứng khoán chính là sự quyết tâm của Chính phủ. “Những doanh nghiệp tỷ đô đã có từ nhiều năm nhưng tại sao phải đến năm 2015, 2016, họ mới dồn dập lên sàn? Đó là bởi Chính phủ đã đưa ra một lộ trình thoái vốn rõ ràng đối với những tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước. Thậm chí mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã công bố lộ trình thoái vốn từ giờ cho đến năm 2020 của phần lớn những tập đoàn Chính phủ đang nắm vốn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra biện pháp trừng phạt mang tính chất răn đe mạnh mẽ. Đối với những doanh nghiệp đại chúng, Chính phủ yêu cầu phải niêm yết trên sàn chứng khoán UPCoM”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Việt Đức khẳng định quyết tâm mạnh mẽ và hành động rõ ràng, cụ thể của Chính phủ là động lực để khiến những doanh nghiệp tư nhân, những doanh nghiệp Nhà nước vượt qua những trở ngại về sự bất ổn để lên sàn.

Theo VTV1