Chiến lược 89.000 người mất việc, 6.375 cửa hàng đóng cửa – ngành bán...

89.000 người mất việc, 6.375 cửa hàng đóng cửa – ngành bán lẻ vì đâu nên nỗi?

14
Hơn bao giờ hết, ngành bán lẻ của Mỹ đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.


Ảnh minh họa

Ước tính đã có khoảng 89.000 người làm việc tại các cửa hàng bán lẻ bị mất việc chỉ trong khoảng 8 tháng từ 10/2016 – 5/2017. Gần đây nhất, hơn 6.375 cửa hàng bán lẻ đã tuyên bố đóng cửa trong năm nay.

Đợt cắt giảm này đang tạo nên thứ mà chuyên gia Doug Stephen gọi là “khủng hoảng tị nạn bán lẻ”. Tự động hóa đang lan tỏa vào từng ngóc ngách của nền kinh tế. Trong các cửa hàng bán lẻ, robot có khả năng thay thế từ nhân viên thu ngân đến nhân viên kho hàng. Thậm chí, tự động hóa còn có thể làm được một số công việc chăm sóc khách hàng đơn giản.

Thương mại điện tử cũng không vô can. Sự trỗi dậy của Amazon và hoạt động thương mại điện tử vẫn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng đóng cửa và phá sản hàng loạt trong ngành bán lẻ truyền thống của Mỹ. Doanh số thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh với tốc độ 15% trong quý gần đây nhất, so với mức 4% của tổng doanh số bán lẻ. Tuy nhiên, tổng doanh số thương mại điện tử chỉ chiếm 8,5% tổng doanh thu bán lẻ ở Mỹ. Theo số liệu của Cục Khảo sát dân số Mỹ, 91,5% hoạt động bán lẻ vẫn được thực hiện tại các cửa hàng truyền thống.

Yếu tố cuối cùng chính là sự dư thừa số lượng cửa hàng bán lẻ và sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Trong những năm 1990, hoạt động bán lẻ đã nổi lên quá mạnh mẽ. Nước Mỹ ngập trong hàng trăm trung tâm mua sắm. Giáo sư John Clapp thuộc ĐH Connecticut cho biết chưa có lúc nào nhu cầu mua sắm bắt kịp tốc độ mở cửa hàng. Khủng hoảng tài chính 2008 lại càng kéo cầu tiêu dùng sụt giảm thê thảm. “Bây giờ số lượng cửa hàng bán lẻ tại Mỹ nhiều gấp 2, 3 lần nhu cầu thực tế của người dân”.

Việc mở quá nhiều cửa hàng bán lẻ đã dẫn đến tình trạng doanh số bán hàng/m2 giảm mạnh. Theo Green Street Advisors, chuỗi bán lẻ Sears sẽ phải đóng 1/2 số cửa hàng để đưa chỉ tiêu này trở về mức của năm 2006.

Thay đổi thói quen tiêu dùng không chỉ là sự chuyển dịch cách thức tiêu dùng mà còn là sự thay đổi đối tượng tiêu dùng. Thay vì mua hàng hóa, người tiêu dùng hiện nay muốn mua các trải nghiệm nhiều hơn. Họ muốn chia sẻ về những chuyến đi, bữa ăn ngon lên mạng xã hội nhiều hơn là khoe khoang những món đồ đắt tiền. Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng muốn chi tiêu nhiều hơn vào các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo trí thức trẻ