Chiến lược Trung Quốc và những quy tắc đầu tư mới trong nền kinh...

Trung Quốc và những quy tắc đầu tư mới trong nền kinh tế

17
Trung Quốc đã tuyên bố rằng quốc gia này sẽ hạn chế các công ty trong nước đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, giải trí và các câu lạc bộ thể thao.


Ảnh minh họa

Thông cáo của chính phủ Trung Quốc vào ngày 18/8 đã chỉ trích các xu hướng đầu tư “bất hợp lý” của các công ty Trung Quốc đồng thời biểu lộ sự ủng hộ đối với các đầu tư vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và dọc hành lang dự án “Một vành đai, một con đường”. Nỗ lực này nhằm mục đích quản lý vốn ròng đầu tư ra nước ngoài từ Trung Quốc, cũng như thành phần của dòng vốn này theo các lĩnh vực và các quốc gia.

Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm rất cao và cơ hội đầu tư trong nước đang giảm đi vì các ngành như công nghiệp nặng, bất động sản và cơ sở hạ tầng đang thừa vốn. Do đó, hệ quả tự nhiên là một số công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài khi lợi nhuận tại quê nhà giảm sút. Nhưng số vốn đầu tư ra ngước ngoài của họ chỉ được giới hạn ở mức trần khoảng 200 tỷ USD/năm do các nhà chức trách Trung Quốc muốn số tiền này cân bằng với thặng dư trong tài khoản vãng lai.

Với sự cân bằng như vậy, cả mức dự trữ và giá trị của tiền tệ sẽ tương đối ổn định. Trong suốt năm 2015 và 2016, dòng vốn chảy ra nước ngoài nhiều quá mức, đẩy giá trị của đồng nhân dân tệ xuống dẫn đến mất mát 1000 tỷ USD trong quỹ dự trữ. Nhưng Trung Quốc đã tìm được mức đầu tư hợp lý trong 12 tháng qua khi vốn đầu tư ra nước ngoài đã giảm xuống mức bền vững.

Yếu tố mới trong thông báo của các nhà chức trách Trung Quốc là nỗ lực để quản lý chặt chẽ hơn thành phần của dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, nhất là thị trường Mỹ.

Các công ty Trung Quốc đã mua một số khách sạn, bất động sản và rạp chiếu phim trên đất Mỹ, nhưng theo như thông báo đã đưa ra, thì những vụ đầu tư tương tự như vậy trong tương lai có khả năng cao sẽ không được tán thành từ chính quyền Bắc Kinh hoặc từ phía Mỹ.

Trái ngược với lĩnh vực bất động sản, nhiều vụ mua lại của Trung Quốc là trong các lĩnh vực công nghệ cao và tài nguyên thiên nhiên đã được thông qua. Một số vụ tiếp quản các công ty công nghệ cao đã bị chính phủ liên bang Mỹ ngăn lại do an ninh quốc gia, nhưng hầu hết các thỏa thuận đã được chấp thuận.

Do 2 lĩnh vực này không bị hạn chế bởi chính phủ trong thông cáo mới, nên nhiều khả năng các loại đầu tư từ Trung Quốc sẽ tiếp tục trong các lĩnh vực này.

Trung Quốc và những quy tắc đầu tư mới trong nền kinh tế – Ảnh 1.
Một yếu tố quan trọng khác trong vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc là cho các nước đang phát triển vay vốn để phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu là vận tải và điện. Các khoản vay này đều đến từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EXIM). Tổng số ngoại tệ cho vay của cả 2 ngân hàng là 675 tỷ USD. Trung Quốc không minh bạch về khoản vay cho các quốc gia khác nhau cũng như các điều khoản khi cho vay.

Có vẻ như trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho vay 70 – 80 tỷ USD/năm cho những dự án này. Thông báo mới đây cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn tiếp tục duy trì dòng vốn cho vay này.

Thêm vào đó, sáng kiến Một vành đai, một con đường thúc đẩy hội nhập sâu hơn, chủ yếu thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, dọc theo con đường tơ lụa cổ đại từ Trung Quốc đến châu Âu cũng như dọc theo “con đường biển” – các tuyến đường biển từ Trung Quốc qua biển Đông và Ấn Độ Dương để tới châu Âu.

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có một lượng nhỏ đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đi đến được các quốc gia dọc theo những con đường này. Khoảng 1/3 số tiền cho vay nước ngoài của CDB và EXIM đến được các nước dọc theo dự án Một vành đai, một con đường, ít hơn đáng kể so với số tiền Trung Quốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở châu Phi và Mỹ Latinh.

Các quốc gia dọc theo Một vành đai, một con đường như Iran và Pakistan đang vay khoản tiền lớn từ Trung Quốc, nhưng các nước khác trong khu vực lại tỏ ra ít quan tâm. Số tiền Trung Quốc cho vay để phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển là rất đáng kể, nhưng nó không theo bất kỳ quy luật địa lý nào. Cho đến nay, việc cho vay dường như phụ thuộc vào nhu cầu của các quốc gia nhiều hơn là cung cấp theo một kế hoạch tổng thể của chính phủ Trung Quốc.

Tóm lại, những hạn chế mới của Trung Quốc áp đặt lên các công ty đầu tư ra nước ngoài phản ánh cả chính sách kinh tế vĩ mô của quốc gia này cũng như chính sách công nghiệp của nó. Trung Quốc muốn có một lượng vốn cho nước ngoài vay đủ để khiến nguồn tiền dự trữ và tỷ giá hối đoái ổn định. Nước này cũng muốn quản lý vi mô để dòng vốn chảy ra nước ngoài ưu tiên các lĩnh vực như công nghệ cao, tài nguyên thiên nhiên và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo Thời Đại