Chiến lược Câu chuyện đầu tư của thương nhân giàu nhất Hàng Châu thế...

Câu chuyện đầu tư của thương nhân giàu nhất Hàng Châu thế kỉ 19 và đạo lý kinh doanh ai cũng nên biết: Ai cũng có ngày mưa không mang dù

41
Vàng bạc châu báu đều không phải là kho báu thực sự, chỉ có nhân cách mới là bảo vật lớn nhất của đời người… Đó chính phần triết lý thể hiện cái đạo kinh doanh của thương nhân nổi tiếng Hồ Tuyết Nham


Ảnh minh họa
Hồ Tuyết Nham (1823-1885) là thương gia giàu nhất Hàng Châu cuối thế kỉ 19. Trong lịch sử nhà Thanh, Hồ Tuyết Nham là một cái tên rất nổi trong giới thương nhân. Người ta biết tới ông là do sự nghiệp làm ăn của ông đã trở thành huyền thoại. Ông xuất thân là một người nghèo ở tỉnh An Huy, đến Hàng Châu giúp việc cho một ngân hiệu. Sau này ông sở hữu riêng một ngân hiệu và mở rộng kinh doanh tới nhiều lĩnh vực khác nhau.

Một hôm, Hồ Tuyết Nham đang ở trong phòng khách trao đổi với các trưởng chi nhánh về vấn đề đầu tư. Tất cả các thương vụ đều thành công, duy chỉ có một chi nhánh lợi nhuận thu về quá thấp khiến cho sắc mặt của hồ Tuyết Nham trở nên nghiêm nghị.

Hồ Tuyết Nham lên tiếng giáo huấn người phụ trách chi nhánh lợi nhuận thấp đó, lần tới có đầu tư vào đâu thì phải phân tích thật kĩ thị trường, không được tùy tiện đầu tư. Ông còn chưa nói xong thì bên ngoài có người tới báo rằng có một thương nhận có chuyện cần gặp ông ngay.

Quyết định đầu tư vào một thương vụ không có lãi

Vị thương nhân này vừa bị thua trong một thương vụ làm ăn gần đây nên cần gấp một số tiền lớn để quay vòng. Do thời gian quá gấp rút nên ông muốn bán toàn bộ tài sản của gia đình cho Hồ Tuyết Nham với giá thấp. Sau khi nghe xong, các trưởng chi nhánh đều xôn xao và cho rằng đây là một cơ hội hiếm có, khuyên Hồ Tuyết Nham đừng bỏ lỡ mất.

Tuy nhiên, Hồ Tuyết Nham có cách giải quyết riêng của mình và ai cũng lấy làm ngạc nhiên tại sao ông ấy lại có thể làm như vậy.

Hồ Tuyết Nham hẹn vị thương nhân khốn khổ này ngày mai gặp lại và bàn chuyện, sau đó ông nhanh chóng giao cho cấp dưới đi thám thính tình hình, xem câu chuyện cụ thể ra sao và có gấp thật không. Sau khi nghe cấp dưới xác nhận là chuyện của vị thương nhân đó đúng như những gì ông ấy nói, Hồ Tuyết Nham liền lệnh cho người chuẩn bị tiền, sẵn sàng cho giao dịch ngày hôm sau.

Khi vị thương nhân đến, Hồ Tuyết Nham cho biết ông đồng ý mua lại hết gia sản và còn mua thêm cả những cửa hàng, nhà đất của vị này theo giá thị trường, tức là giá cao hơn so với giá ban đầu đưa ra. Vị thương nhân rất kinh ngạc vì sao Hồ Tuyết Nham lại không mua với giá rẻ mà lại nhất quyết mua theo giá thị trường.

Hồ Tuyết Nham vỗ vai vị thương nhân, nói ông cứ yên tâm và mình chỉ tạm thời giúp ông bảo quản số tài sản thế chấp này thôi, đến khi nào ông vượt qua giai đoạn khó khăn này thì sẽ bán lại tất cả cho ông với một chút ít tiền lãi. Vị thương nhân nghe xong, vô cùng cảm kích và không ngừng nói cám ơn Hồ Tuyết Nham.

Cấp dưới của Hồ Tuyết Nham chứng kiến hết cuộc trao đổi giữa ông và vị thương nhân, tất thảy cũng đều không hiểu được nguyên do. Ai nấy đều thắc mắc rằng vì sao một chi nhánh thu lợi nhuận thấp thì bị giáo huấn cả ngày, còn vụ đầu tư này, ông chỉ lãi có chút ít mà vẫn quyết định đầu tư, vả lại mỡ treo tận miệng còn không ăn, không thừa dịp đối phương đang cần tiền để hạ giá, mà còn chủ động trả giá cao hơn.

Ai cũng đều có lúc gặp phải ngày mưa không mang dù

Ông chậm rãi kể lại nguyên do: “Khi tôi còn bé, có một hôm tôi đang đi trên đường bỗng gặp mưa, có một người đi cùng đường bị mưa xối quần áo ướt nhẹp. Cũng may là hôm ấy tôi mang dù nên tôi cho người kia đi nhờ cùng.

Những lần sau đó, khi đi mưa, nếu thấy ai không mang theo dù thì tôi đều cho họ đi cùng. Dần dà, có nhiều người trên đường biết tới tôi nhiều hơn. Vì thế, nếu không nào tôi quên không dù trời mưa thì cũng không sao, bởi vì có rất nhiều người mà tôi từng giúp sẽ cho tôi đi cùng. Mình cho người khác đi nhờ thì người khác mới có ý nguyện cho mình đi nhờ.

Vị thương nhân này cũng vậy thôi, sản nghiệp gia đình mấy đời mới tích được, nếu tôi mua theo cái giá mà ban đầu ông ấy đưa ra, tôi sẽ kiếm được món hời lớn, nhưng người ta thì cả đời không ngóc đầu lên được.

Tôi cho đây không phải là đầu tư đơn thuần, mà là giúp đỡ người khác khi khó khăn, nếu không làm tôi sẽ thấy hổ thẹn với chính mình. Ai cũng có lúc khó khăn, ai cũng có lúc gặp ngày mưa không mang dù, nếu khả năng nằm trong tầm tay mình thì hãy chìa dù ra che cho họ”.

Mọi người nghe xong, đều im lặng. Còn vị thương nhân kia, sau khi vượt qua được giai đoạn khó khăn trước mắt đã lấy lại được sản nghiệp của mình và trở thành bạn hợp tác trung thành với Hồ Tuyết Nham.

Nghĩa cử cao đẹp của Hồ Tuyết Nham đều khiến mọi người kính phục, không chỉ riêng trong giới kinh doanh. Công việc làm ăn của ông cũng trở nên thuận lợi vô cùng, bất luận là kinh doanh trong lĩnh vực nào, thì cũng đều có người giúp đỡ, càng ngày càng có nhiều khách hàng đến ủng hộ.

Vàng bạc châu báu, đồ cổ tranh chữ đều không phải là kho báu thực sự, nhân cách mới là kho báu lớn nhất của đời người. Thành công của một người không chỉ dựa vào mỗi nỗ lực của bản thân. Đó cũng chính là bí quyết thành công của Hồ Tuyết Nham.

Đường hướng kinh doanh của ông đến ngày nay vẫn còn hợp thời. Một loạt tư tưởng “chân thực”, “đúng giá”, “chọn mua hàng tốt”, “bào chế hàng thật”, “vì chữ tín”, “cội nguồn đời sống” mà ông từng áp dụng, đều là cách thức lấy chữ tín để lập nghiệp mà người kinh doanh ngày nay rất cần phải học hỏi.

Theo trí thức trẻ