Chiến lược Giám đốc Công ty TNHH Hùng Gia: Chất lượng nuôi sống thương...

Giám đốc Công ty TNHH Hùng Gia: Chất lượng nuôi sống thương hiệu

15
Sau 15 năm làm “người nhà nước”, ông Trần Việt Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Hùng Gia (HUGICO) – quyết định bỏ ngang để tự kinh doanh khi tuổi đã xấp xỉ tứ tuần, nhưng lại không coi đó là muộn.


Ảnh minh họa

Công ty có mạng lưới phân phối ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM. Dãy sản phẩm của HUGICO khá rộng. Ông Hùng nói: “Gia đình tôi có truyền thống kinh doanh, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học tôi lại làm việc cho Petrolimex trong 15 năm. Công việc khá tốt, tôi cũng có chức vụ. Tưởng như mọi thứ cứ bình lặng như vậy thì tôi quyết định nghỉ việc và tự kinh doanh.

Thời điểm đó rất hiếm người bỏ “biên chế”, nhất là với một người đã có thâm niên và vị trí trong công ty như tôi. Nhiều người tiếc nhưng tôi thấy thoải mái vì mình có thể làm được cho chính mình.

Năm 2006, chân ướt chân ráo ra kinh doanh, tôi mở nhà máy làm ván sàn gỗ, nhưng sau 2 năm thì thất bại. Thời điểm đó có quá nhiều đơn vị làm ván nên tôi khó chen chân. Năm 2008, tôi quyết định chuyển sang làm đồ nội ngoại thất.

* Xuất phát từ kinh doanh xăng dầu lại chuyển sang lĩnh vực khác hẳn là nội thất, ông làm cách nào để bù đắp khoảng trống kinh nghiệm?

– Phải nỗ lực thôi. Ban đầu tôi tìm hiểu về sản phẩm trong ngành. Khi đã đam mê thì hiểu rất nhanh. Đầu tiên tôi nhận làm nhà phân phối đồ nội ngoại thất cho một hãng nước ngoài, sản phẩm vừa tốt vừa đẹp nhưng giá thành cao nên thâm nhập thị trường rất vất vả. Tôi lại phải đi song song 2 bước, vừa lấy thương hiệu ngoại để tìm hiểu thị trường, vừa xây dựng thương hiệu riêng bằng cách đặt hàng OEM (Original Equipment Manufacturer: sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm) từ nước ngoài.

Sau thời gian “nhập môn”, tôi tạm hài lòng vì đó là cách để hiểu nhu cầu thị trường. Tôi thích đồ nội thất của Ý vì thiết kế sáng tạo, độc đáo, chất lượng cao. Trong tiếng Ý, “carini” nghĩa là đẹp, tôi cố ý sửa chữ “i” cuối thành “y” để xây dựng thương hiệu Cariny của riêng mình. Tôi quan niệm chất lượng là sự sống còn của thương hiệu. Mọi thứ phải tốt đẹp đúng với nghĩa của nó. Từng bước một, cho đến khi Cariny được người tiêu dùng chấp nhận.

* Đồ nội thất rất đa dạng, Cariny chọn chuyên sâu về nhà bếp hẳn phải có lý do?

– Với người Việt Nam, bếp là cái hồn của mỗi gia đình. Thời gian gia đình gặp nhau nhiều nhất trong ngày chính là không gian nhà bếp. Ở các đô thị, khi xây nhà, bếp là nơi đặt nhiều tâm huyết nhất của nhiều chủ nhân. Khi khánh thành nhà, họ vui vẻ mời bạn bè, người thân tới chơi và không giấu niềm tự hào về căn bếp nhà mình.

Hơn nữa, bếp bây giờ cũng không còn là không gian độc quyền của phụ nữ nữa. Cánh đàn ông cũng cảm thấy thích thú khi vào bếp. Có nhiều người đã hỏi tôi vì sao lại tài trợ cho những chương trình vào bếp, nấu ăn trên truyền hình. Thật tâm tôi không có mục đích quảng cáo cho thương hiệu mà chỉ muốn góp phần để khán giả nhìn nhận kỹ hơn về không gian bếp, biến nó thành một nơi thật ấm cúng của gia đình.

Có một chuyện thú vị là ban đầu khi làm việc với chúng tôi, đại diện thương hiệu Italiana không mấy mặn mà với thị trường Việt Nam. Sản phẩm của họ cung cấp cho toàn châu Âu, sang trọng nhưng giá thành cao, không phù hợp với phần đông người dân Việt Nam. Tuy nhiên, cuối cùng họ nhận ra rằng căn bếp có ý nghĩa rất lớn với người Việt, người dân chăm chút cho căn bếp nhiều hơn các không gian khác, luôn sẵn sang chi tiền để đầu tư dù chỉ một chi tiết nhỏ. Điều đó khiến họ thay đổi suy nghĩ và hợp tác với Cariny.

* Có chuyên gia về thương mại cho rằng tương lai của thị trường đồ nội thất Việt Nam là ở đại siêu thị vì có như vậy mới tiếp cận rộng rãi với khách hàng. Ông nghĩ sao về điều này?

– Khi nói đến tương lai xa, mọi thứ có thể đúng, nhưng tương lai gần thì chưa chắc. Ở các nước tiên tiến, hầu hết hàng hóa được cung cấp qua hệ thống siêu thị hoặc đại siêu thị. Đồ nội thất thì khách hàng tự chọn và đưa về tự lắp đặt qua hướng dẫn kèm sản phẩm. Ở Việt Nam lại khác, khâu lắp đặt là một thách thức với khách hàng, ít người tự làm được và coi đó là nghĩa vụ của nhà cung cấp. Sự khác nhau này một phần do chi phí công nhân ở nước ngoài cao hơn nhiều, khách hàng lại muốn tiết kiệm nên khả năng “do it yourself” (tự mình làm) rất phổ biến.

Đồ nội thất được đại siêu thị cung cấp có thể là lý tưởng nhưng để nó trở thành phổ biến ở thị trường Việt Nam thì còn lâu. Theo tôi, vấn đề nằm ở khâu tiếp cận khách hàng. Còn ít doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trực tiếp đồ nội thất, chủ yếu làm thương mại hoặc gia công cho nước ngoài. Bất kỳ sản phẩm nào cũng vậy, người tiêu dùng Việt Nam có thói quen “sờ tận tay thấy tận mắt” mới mua. Với đồ nội thất, khách hàng không những “sờ” mà còn “soi” kỹ.

* Theo ông vì sao lĩnh vực thiết kế, sản xuất đồ nội thất ở Việt Nam lại chưa được như kỳ vọng?

– Nhìn tổng thế, khả năng của doanh nghiệp nước ta có thể sản xuất được khá nhiều loại nội thất nhưng nếu làm ra nhiều sản phẩm thì tiêu thụ không được nhiều, giá thành lại cao do phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Điều quan trọng là việc nghiên cứu, thiết kế đồ nội thất của doanh nghiệp nước ta không theo kịp theo xu hướng của thế giới. Do đó làm thương mại sẽ ít rủi ro hơn sản xuất, và khi đã sản xuất sẽ rất khó khăn để thay đổi hoặc rút lui.

* Là nhà phân phối, Cariny làm cách nào để thuyết phục các thương hiệu lớn trên thế giới “chọn mặt gửi vàng”?

– Đồ nội thất rất đa dạng, không một thương hiệu nào sản xuất được tất cả. Tôi hợp tác với nhiều thương hiệu để tránh bị trùng lặp. Cũng giống như Cariny đi tìm đại lý phân phối ở trong nước, có nơi mình chủ động chọn, có nơi đại lý chủ động tìm đến mình. Khi 2 bên thấy được lợi ích và trách nhiệm của nhau thì sẽ hợp tác. Hơn nữa khi một bên có sẵn uy tín, được thị trường chấp nhận thì bên kia sẽ tìm đến.

Ban đầu chúng tôi khá vất vả để thuyết phục các đại lý hợp tác, vì lúc ấy mình chưa có tên tuổi gì, họ cũng chẳng biết sản phẩm của mình ra sao. Dần dần khi chất lượng được khẳng định, sức thuyết phục sẽ tăng và tất nhiên được chấp nhận.

* Doanh nhân luôn đặt kỳ vọng vào thương hiệu của mình. Với Cariny, ông định hướng điều đó như thế nào?

– Cơ hội cho sản phẩm của Cariny ở thị trường nước ngoài là rất lớn nhưng chưa làm được. Tôi đã đi khảo sát thị trường nhiều nước và nhận thấy chất lượng của Cariny không thua kém, thậm chí còn cao hơn. Tại Singapore, sản phẩm của Caniry vượt trội về giá thành so với nhiều sản phẩm đang bán trên thị trường này. Ngoài văn phòng ở Hong Kong, từ vài năm trước, chúng tôi đã có định hướng mở văn phòng tại Singapore để mở rộng thị trường tại đây.

Cariny giống như đứa con của tôi vậy. Và vì nó tôi từng phải đấu tranh vất vả để bảo vệ nó. Hồi mới thành lập, tôi chỉ đăng ký thương hiệu ở Việt Nam và đã phải trả giá. Sau đó, chúng tôi bất ngờ phát hiện có một Cariny khác xuất hiện tại Trung Quốc. Đi tìm hiểu mới biết có một công ty của Trung Quốc đã đăng ký thương hiệu của chúng tôi tại đây. Phải tốn nhiều công sức chúng tôi mới giành lại được tên thương hiệu. Đó là một bài học đắt giá khi làm ăn với nước ngoài.

* Sức cạnh tranh trong lĩnh vực nội thất ngày càng gay gắt, điều đó có tạo ra áp lực với ông?

– Chúng tôi xác định không cạnh tranh về giá, vì giá không phải là tiêu chí để so sánh sức mạnh. Cariny chọn tiêu chí chất lượng, thiết kế và dịch vụ.

Tôi quan niệm cạnh tranh không phải là các bên giành giật nhau cái gì đó và phần thắng thuộc về kẻ mạnh. Cạnh tranh là nhìn lên, học hỏi từ các đối thủ trên tầm của mình, tức là thấy được cái hay vượt trội của họ để làm mục tiêu phấn đấu.

Ví dụ như nhìn vào thương hiệu đồ nội thất, nhất là bếp và đồ nhà bếp Hafele, tôi nghĩ trong lĩnh vực này ai cũng mong muốn vươn đến chất lượng và mẫu mã của họ. Nghĩ như vậy nên tôi chưa bao giờ thấy mình bị áp lực.

* Đó có phải là những bài học ông rút ra được sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, hay nó là triết lý kinh doanh của ông?

– Nói là kinh nghiệm hay triết lý thì to tát quá. Tôi nhận thấy ảnh hưởng từ gia đình hay tố chất kinh doanh của mỗi người lớn hơn môi trường đào tạo. Có thể học kinh doanh từ trường lớp nhưng nếu thiếu truyền thống kinh doanh của gia đình, thiếu tố chất kinh doanh sẽ thấy thiếu rất nhiều thứ.

Kiến thức kinh doanh được đào tạo chỉ là nền tảng. Ở công ty của tôi, đôi khi tôi nhìn nhận tố chất kinh doanh của một nhân viên chỉ qua cách họ đếm tiền. Kinh doanh đi liền với quản lý tiền bạc, người kinh doanh không thể lần mò đếm từng tờ tiền một vì tạo cảm giác thiếu vững chãi, thiếu an toàn, quyết đoán.

* Từ chuyện khởi nghiệp muộn của mình, ông nghĩ gì về khởi nghiệp của các bạn trẻ hiện nay?

– Nên hiểu có thể khởi nghiệp ở bất kỳ tuổi tác nào chứ không nhất thiết phải bắt đầu từ lúc ra trường. Việc đào tạo đại học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu chỉ mang nặng lý thuyết mà khởi nghiệp ở vị trí chủ doanh nghiệp khi chưa tích lũy được chút ít kinh nghiệm nào là mạo hiểm. Có thể học xuất sắc ở lĩnh vực chuyên môn nào đó nhưng kinh doanh là môi trường gồm nhiều lĩnh vực liên quan đến nhau, đòi hỏi phải hiểu cặn kẽ và có kiến thức tổng quát.

Một trở ngại nữa khi khởi nghiệp là thiếu tài chính. Tôi không khuyến khích khởi nghiệp mà vốn liếng chỉ vỏn vẹn là mơ ước. Đi nhiều nước, tôi nhận thấy giới trẻ được khuyến khích làm việc cho một doanh nghiệp nào đó sau khi tốt nghiệp đại học để học hỏi và tích lũy vốn. Đó là cách các bạn trẻ Việt Nam nên học theo.

* Cám ơn về những chia sẻ của ông!

Theo DNSG