Kiến thức quản trị Tư duy làm ăn phiên phiến, tiếc tiền không đầu tư đến...

Tư duy làm ăn phiên phiến, tiếc tiền không đầu tư đến nơi đến chốn: Lý do đầy tiếc nuối giải thích cho truyền thuyết

41
Từ những chia sẻ của TGĐ Bibica Trương Phú Chiến và chuyên gia Phạm Quang Vinh thì thực ra có những lúc doanh nghiệp Việt đã được Samsung, Toyota đánh giá cao về năng lực sản xuất. Tuy nhiên, chỉ vì lối làm việc ‘không đến nơi đến chốn’, chúng ta đã thua ngay trên sân nhà.


Ảnh minh họa

Tại sao công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam ‘mất tích’ sau 20 năm phát triển? Tại sao nhà thầu phụ Việt Nam phải mang tiếng xấu ‘không làm nổi một chiếc ốc vít’, để rồi bị ông lớn Samsung lắc đầu từ chối hợp tác dù ngay trên sân nhà? Đối với các chủ doanh nghiệp trong nước, họ cho rằng nguyên nhân nằm ở chính chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Trong buổi trò chuyện “Giấc mơ thương hiệu Việt” với sự dẫn dắt của Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng, những nỗi niềm đau đáu thương hiệu Việt ngày càng bị mai một đôi khi được mở rộng thành câu chuyện thất bại của chính các doanh nghiệp ngành sản xuất Việt Nam ngay trên sân nhà.

Theo cả 2 vị diễn giả trong tọa đàm là ông Trương Phú Chiến – Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc thương hiệu bánh kẹo đã quen thuộc là Bibica – và chuyên gia Phạm Quang Vinh đều cho rằng chính tư duy làm việc kiểu phiên phiến, cả nể, không đến nơi đến chốn của người Việt là nguyên nhân khiến nền sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn ‘ì ạch’.

Tư duy ‘tạm’ của người Việt: ‘Tạm’ được, ‘tạm’ thành công, ‘tạm’ thất bại

Tư duy làm việc không đến nơi đến chốn của người Việt có lẽ được thể hiện rõ nhất ở chữ ‘tạm’ trong Tiếng Việt: Hoàn thành công việc ở mức ‘tạm’ được, thành công ‘tạm’ chấp nhận được hay thất bại có thể ‘tạm’ được bỏ qua.

Ông Phạm Quang Vinh kể ra câu chuyện đời thường về tư duy ‘tạm’ của người Việt mà có lẽ ai nghe cũng thấy quen: “Anh thiết kế ra ngôi nhà, cần làm cánh cửa và đưa kích thước cửa cho thợ để làm. Bình thường nếu thợ đến để lắp với đúng kích thước thì mọi thứ sẽ rất bình thường. Tuy nhiên, ở nước mình thì sẽ là ‘anh thông cảm, em làm chỗ này hơi méo một chút, nhưng vẫn ‘tạm’ được, anh cứ lắp vào”.

Áp dụng những điều mình kể ra vào câu chuyện doanh nghiệp Việt, ông Phạm Quang Vinh cho rằng cái khó cho nền sản xuất Việt Nam thực ra nằm ở tư duy làm việc của người Việt – yếu tố vốn đã tồn tại từ lâu như một yếu tố lịch sử.

“Chúng ta làm được có khó không, thực ra câu trả lời thuộc về lịch sử. Có một khó khăn nói chung của tất cả những doanh nghiệp ở Việt Nam khi ở một quy mô nhất định là tư duy ‘phiên phiến’, nể nang, tư duy cả nể của người Việt Nam. Đây là lực cản lớn nhất của tất cả mọi thứ” – Vị chuyên gia chia sẻ thẳng thắn.

Trong thời kỳ của những doanh nhân thế hệ 6X như ông Nguyễn Duy Hưng hay ông Phạm Quang Vinh, có một câu nói nổi tiếng là ‘muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cần có những con người xã hội chủ nghĩa’.

Lấy câu khẩu hiệu này để ví von, vị chuyên gia trở về từ Mỹ cho rằng nền sản xuất Việt Nam muốn phát triển thì thực sự cần những con người mới với lối tư duy làm việc thực sự công nghiệp.

‘DN Việt có năng lực nhưng vẫn bị Samsung, Toyota lắc đầu, tất cả cũng vì tiếc tiền đầu tư, tư duy phiên phiến không đến nơi đến chốn’

Chia sẻ từ góc độ một chủ doanh nghiệp hoạt động đúng trong ngành sản xuất (sản xuất bánh kẹo), Tổng giám đốc Bibica Trương Phú Chiến hơn ai hết là người hiểu rõ tư duy làm việc phiên phiến của những công nhân Việt Nam có thể gây tác hại như thế nào.

Chuyện về ‘doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi một chiếc ốc vít cho Samsung’ thì đã quá nổi tiếng. Tuy nhiên, ông Chiến muốn nhắc đến những doanh nghiệp dù đã được Samsung công nhận năng lực sản xuất những vẫn ‘thua’ bởi chính cách làm “không đến nơi đến chốn” của mình. Theo ông tiết lộ thì thực ra những gói thầu được đề xuất bởi doanh nghiệp Việt có sức cạnh tranh chẳng thua gì so với các doanh nghiệp của nước ngoài.

“Tôi muốn nhắc đến chuyện Samsung khi mời gọi các nhà thầu phụ vào thì các nhà thầu phụ của Việt Nam không đạt. Thực ra, các nhà thầu phụ Việt Nam chúng ta chào hàng những mẫu cực tốt, giá cực rẻ nhưng người ta vẫn không mua” – Tổng giám đốc Bibica nói.

Lý do ông Chiến nói đến chính là cách làm ‘đầu voi đuôi chuột’, đầu tư không kỹ càng của doanh nghiệp Việt: Cả một dây chuyền từ chế biến nguyên liệu cho đến ra sản phẩm thì doanh nghiệp Việt làm được, thế nhưng thêm một chút đầu tư để có thêm khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm cho tốt thì chúng ta lại không làm, mà thường là vì ngại chi phí.

“Khi người ta trình bày một giải pháp về sản phẩm, doanh nghiệp Việt chỉ nghĩ đến đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đó thôi, trong khi người ta muốn kiểm soát được cả chất lượng sản phẩm sau khi sản xuất và loại bỏ được các sản phẩm không đạt trong khâu đó” – Phó Chủ tịch HĐQT Bibica nhận định.

Không chỉ chuyện Samsung, ông Chiến cũng đưa ra ví dụ về một nhà máy đã được Nhật Bản xây dựng trên đất Việt Nam cách đây tới 44 năm trước, đem so sánh với những nhà máy của người Việt ở thời điểm hiện tại để cho thấy sự thua thiệt trong nền sản xuất của chúng ta.

“Một nhà máy lọc đường ở Biên Hòa được xây dựng bởi Nhật Bản từ năm 1972, người ta có hệ thống kiểm soát mà có thể nói là đến bây giờ vẫn hoàn toàn không lạc hậu. Đó là nhà máy có một trung tâm điều khiển toàn bộ nhà máy, các kỹ sư chỉ ngồi đó nhìn tất cả các dữ liệu về từng nồi nấu đường, từng máy li tâm chạy tốc độ bao nhiêu để điều khiển cho đúng, chứ không cần người công nhân đứng dưới” – Ông Chiến nói.

Những điều này đã thể hiện một sự đồng bộ trong đầu tư dây chuyền sản xuất của người Nhật. Đối chiếu điều này đối với doanh nghiệp Việt Nam, người ta chỉ thấy một thói quen ‘tiện gì dùng nấy’, hay tư duy đầu tư không kỹ càng được thể hiện rõ nét.

“Nhà máy Nhật đầu tư đồng bộ trong cả khâu đóng gói sản phẩm và hệ thống kiểm soát. Thông thường, chúng ta sẽ thường tiết kiệm bằng cách sử dụng luôn nguồn lao động phổ thông sẵn có để đóng gói, còn hệ thống kiểm soát thì không có, những cái đó đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm” – Tổng giám đốc Bibica chia sẻ.

Thưc tế, với một lô hàng sản xuất trong nhà máy, tỷ lệ sản phẩm bị lỗi thường là rất nhỏ, có khi chỉ là 0,0001% trên 100 tấn sản phẩm. Có lẽ con số nhỏ nhoi này đã khiến cho doanh nghiệp chúng ta coi nhẹ bước kiểm soát chất lượng đầu ra.

Thế nhưng, đó có lẽ chỉ là tư duy Việt Nam. Theo ông Chiến thì đối với doanh nghiệp nước ngoài, họ quan niệm nếu chẳng may có người tiêu dùng mua đúng sản phẩm lỗi đó trong cả triệu sản phẩm thì tỷ lệ dù có nhỏ mấy thì cũng trở thành 100%. Vì thế, họ luôn cố gắng làm sao để kiểm soát, tự phát hiện ra hàng lỗi chứ không phải để đến tay người tiêu dùng.

Thua ngay từ trong tư duy, cuối cùng mang những kết quả rất tiếc nuối đến với doanh nghiệp Việt. “Các doanh nghiệp Việt Nam đến gặp Samsung hay ô tô Toyota không trình bày được giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất cho nên đương nhiên họ tự chối dù sản phẩm mẫu cực tốt, giá cực rẻ” – Vị Tổng giám đốc Bibica nói.

Kết thúc, ông Chiến kể ra một so sánh khác, cũng về khác biệt trong tư duy của những người sản xuất Việt Nam và nước ngoài. Đó là việc với một nhà máy công suất 10 tấn/ngày và cần 3 máy li tâm thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ có ngay máy thứ 4 để dự phòng.

Còn với doanh nghiệp chúng ta, số máy chuẩn bị có khi còn không đủ 3 máy nhưng vẫn cố đạt được đến 10 tấn – Từ ví dụ này, có thế thấy tư duy làm việc của người Việt có lẽ sẽ cần một khoảng thời gian không ngắn nữa để thay đổi.

Theo Trí Thức Trẻ