Chiến lược Các ngân hàng bắt đầu tranh luận về việc làm thế nào...

Các ngân hàng bắt đầu tranh luận về việc làm thế nào để “chen chân” vào mảng thị trường Bitcoin

14
Ban đầu, bitcoin được sinh ra để trở thành phương tiện thanh toán mà không cần đến ngân hàng. Nhưng hiện nay khi tổng vốn hóa tiền số đã lên tới hơn 100 tỷ USD, các ngân hàng lại bắt đầu tranh luận về việc làm thế nào để “chen chân” vào mảng thị trường màu mỡ này.


Ảnh minh họa

Hôm 3/9, CEO Goldman Sachs – Lloyd Blankfein cho biết ngân hàng của ông đang nghiên cứu về tiền số. Một số ngân hàng đầu tư khác cũng đang tìm cách tấn công mảng hạ tầng giao dịch bitcoin và một số đồng tiền số khác.

Bitcoin đã tăng hơn 300% kể từ đầu năm đến nay, thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư giàu có.

“Rõ ràng là họ (các ngân hàng) đang nhận được sự quan tâm từ khách hàng, cả nhà đầu tư cá nhân lẫn nhà đầu tư quỹ”, Axel Pierron – giám đốc điều hành công ty dịch vụ ngân hàng Opimas nhận định. “Tiền số biến động mạnh trong khi tính thanh khoản lại yếu. Do đó nếu cần giao dịch một khối lượng lớn, nhà đầu tư sẽ cần tới một người môi giới (broker-dealer)”.

Nhưng ở Phố Wall, bitcoin vẫn đang là một câu hỏi hóc búa. Làm thế nào để các ngân hàng thương mại có thể ngăn chặn hành vi rửa tiền bằng một đồng tiền không được chính phủ phát hành và duy trì tình trạng người dùng vô danh tính.

Không chỉ có vậy, một cuộc tranh luận về bitcoin đã làm chia rẽ giới ngân hàng phố Wall thành 2 phe. Trong khi CEO JPMorgan Chase – Jamie Dimon và CEO BlackRock – Larry Fink cho rằng hầu như chỉ có bọn tội phạm là sử dụng bitcoin, giám đốc Morgan Stanley – James Gorman tỏ thái độ thận trọng hơn khi nói rằng bitcoin không chỉ là một “sự ham thích nhất thời”. Hôm qua, chủ tịch UBS, cựu chủ tịch NHTW Đức nói rằng ông hoài nghi về tương lai của bitcoin bởi đồng tiền này “không được đảm bảo bởi một tài sản cơ bản nào”.

Thậm chí, bitcoin còn tạo ra căng thẳng trong nội bộ ngân hàng. Ngay khi Dimon buông lời chỉ trích bitcoin, một công ty chứng khoán thuộc ngân hàng của ông đã mua vào chứng khoán nợ theo dõi giá bitcoin.

Tuy nhiên, nếu tham gia vào thị trường tiền số, giám đốc mảng công nghệ mới tại công ty cố vấn Sapient Consulting – Joshua Satten nhận định các ngân hàng sẽ phải chịu sự quan sát kỹ lưỡng hơn từ giới chức. Vừa qua, một loạt sàn giao dịch lớn ở Trung Quốc đã phải đóng cửa giao dịch trước động thái siết chặt quản lý của chính phủ.

Ngoài ra, bitcoin còn chứa đựng 2 rủi ro khác theo Satten đó là độ biến động mạnh và sự tách biệt với các tài sản lớn khác. “Các ngân hàng sẽ làm gì nếu bitcoin rơi mà họ là phía cung cấp đòn bẩy và khách hàng chỉ có tài sản là bitcoin?”

Nhưng một điều không thể nghi ngờ đó là sự quan tâm của nhà đầu tư. Giám đốc quỹ đầu tư Mike Novogratz dự kiến sẽ mở ra một quỹ trị giá 500 triệu USD để đầu tư vào tiền số, ICO và các công ty liên quan. Theo Autonomous Research, trên thế giới hiện nay có khoảng 75 quỹ đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhìn chung, bitcoin đã sở hữu được một bước đệm trong thị trường tài chính chính thống. Trong tháng 7, ngân hàng Falcon Private cho biết phía này là ngân hàng Thụy Sỹ đầu tiên cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bitcoin cho khách hàng. Tại Mỹ, cả Fidelity Investments và USAA đều cung cấp cho khách hàng thông tin về bảng cân đối kế toán bitcoin nếu tài khoản của họ có liên quan tới sàn giao dịch Coinbase.

Theo Trí Thức Trẻ