Kiến thức quản trị Chủ tịch U&I Mai Hữu Tín: “Hoặc đổi thay, hoặc tự đào...

Chủ tịch U&I Mai Hữu Tín: “Hoặc đổi thay, hoặc tự đào thải mình”

13
Với 39 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ, tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, truyền thông và công nghiệp… cái tên Mai Hữu Tín được nhắc tới như một người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư, tài chính với tầm nhìn sắc bén và khả năng chinh phục cái mới không giới hạn.


Ảnh minh họa

Từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… Mai Hữu Tín cũng vừa đắc cử Chủ tịch liên đoàn Vovinam thế giới. Được chọn vào Ban nghiên cứu phát triển tư nhân, ông đã dành cho BizLIVE cuộc trò chuyện chân thành nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017.

Là người được chọn vào Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, ông đánh giá thế nào về thành phần được chọn? Chương trình hành động cụ thể của tổ là gì, để có thể góp một kênh phản biện sâu sát và hiệu quả cho chính phủ?

Tôi cho rằng cả Chính phủ và cụ thể hơn là Thủ tướng Chính phủ đã rất tích cực hiện thực hóa chủ trương Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ và Quốc gia khởi nghiệp. Lịch làm việc của Chính phủ luôn rất dày các việc có liên quan. Sự chuyển động của các Bộ, Ngành cũng tương ứng với độ nóng của chính phủ, của Thủ tướng. Những động thái gần đây nhất của Bộ Công Thương trong việc cắt bỏ mạnh các điều kiện kinh doanh đã thật sự làm giới doanh nhân phấn khởi và có nhiều cảm hứng kinh doanh hơn. Tôi đang trông đợi phản ứng tương tự từ các ngành khác. Đương nhiên chúng ta không thể kỳ vọng quá mức là mọi vấn đề đều có thể xử lý ngay được. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và tập hợp các vấn đề cần được xử lý sớm để tư vấn chính phủ.

Trong bối cảnh đó, tôi biết rõ các vị còn lại của tổ tư vấn, và cho rằng họ đều tâm huyết với sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Chúng tôi đến từ các ngành kinh doanh khác nhau, ở các địa bàn hoạt động khác nhau, và có lực lượng hỗ trợ mạnh mẽ trong chính doanh nghiệp của chúng tôi cũng như từ các quan hệ bên ngoài doanh nghiệp, ở trong lẫn cả ngoài nước. Do vậy, có thể hình dung rằng chúng tôi sẽ bổ sung được cho nhau về nhiều mặt. Chúng tôi vẫn đang chuẩn bị cho cuộc họp đầu tiên. Còn quá sớm để nói rõ chúng tôi sẽ có thể làm gì. Nhưng chúng tôi sẽ hết sức nghiêm túc làm việc để đáp ứng một phần kỳ vọng.

Theo ông, doanh nhân, doanh nghiệp đã thực sự nhìn nhận về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, không tàn phá môi trường và xã hội?

Tôi cho rằng tham gia vào việc cải thiện môi trường kinh doanh là trách nhiệm của mọi doanh nhân có lòng với đất nước và với chính doanh nghiệp, với người lao động của mình. Chúng ta không thể cứ ngồi chờ và mong đợi mọi việc tự tốt lên được mà cần đóng góp phần mình. Càng có nhiều người tham gia, nhiều ý tưởng, nhiều tiếng nói thì chúng ta càng có thể cải thiện nhanh hơn. Phát triển bền vững ngày nay không chỉ đơn giản là một khẩu hiệu, một câu nói cho vui, mà phải thật sự là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của mọi doanh nghiệp, nếu chúng ta không muốn bị bỏ lại phía sau.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước nhiều biến động như hiện nay, chiến lược kinh doanh của ông trong năm nay có gì khác biệt?

Biến động là việc luôn xảy ra chứ không chỉ vào lúc này. Chúng tôi thường xuyên điều chỉnh các kế hoạch của mình để thích ứng. Nhưng các giá trị cốt lõi mà chúng tôi theo đuổi như trọng dụng nhân tài (meritocracy), chính trực (integrity), cải tiến liên tục… sẽ luôn được giữ như thế.

Nhìn vào các thương vụ M&A, các thương vụ chuyển giao quyền lực và thâu tóm thương hiệu, ông đánh giá bức tranh kinh tế năm nay và năm tới sẽ thay đổi thế nào? Liệu các thương hiệu dẫn đầu của Việt Nam có bị lụi tàn trước làn sóng này?

Công nghệ, bao gồm robot, cảm ứng, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… sẽ tiếp tục làm biến đổi nhanh chóng rất nhiều ngành nghề. Rất nhiều việc làm hiện nay sẽ không còn tồn tại trong chỉ 10 năm nữa thôi nhưng đồng thời cũng sẽ có rất nhiều việc làm mới được tạo ra. Kiến thức về quản trị cũng đang biến đổi rất lớn bởi những công nghệ trên. Người nắm bắt, ứng dụng sớm và hiệu quả sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.

Tôi có niềm tin rất lớn vào thế hệ các nhà quản lý trẻ của Việt Nam. Sẽ có những thương hiệu lớn của Việt Nam rơi vào tay người mạnh hơn, giỏi hơn từ nước ngoài. Nhưng cũng sẽ có những thương hiệu mới thành công và mang tính quốc tế của người Việt ra đời.

Ông hình dung bức tranh nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước sẽ thay đổi thế nào trong cuộc cách mạng 4.0? Làm thế nào để Việt Nam có thể theo đuổi phát triển nông nghiệp bền vững, chứ không phải là nông nghiệp hóa chất?

Chúng tôi không dùng từ “4.0” trong công việc của mình. Với chúng tôi từ “phù hợp” có giá trị hơn. Cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin… trong nông nghiệp đã diễn ra vài mươi năm qua và sẽ tiếp tục như vậy. Mỗi ngày trôi qua đều có những tiến bộ mới có thể áp dụng cho Việt Nam.

Nếu muốn cạnh tranh được thì nông nghiệp Việt Nam không thể đi khác con đường mọi người đã và đang đi: Vừa tích tụ được đất để có thể sản xuất ở quy mô lớn các mặt hàng mang tính hàng hóa như lúa, cà phê, cao su, tiêu, điều, dừa… vừa sử dụng công nghệ phù hợp để có các sản phẩm khác biệt về chất lượng như rau quả cho các thị trường tiềm năng gần chúng ta nhất và ở ngay trong nước. Chính sách về đất đai, về khuyến khích nông nghiệp bền vững… sẽ định hướng cho cách phát triển như vậy. Và chúng tôi sẽ tích cực tham gia hình thành các chính sách đó.

Chiến lược về phát triển nông nghiệp của ông là gì, để có thể mang lại sự đột phá?

Chúng tôi không làm gì khác với những nước đi trước cả, nhất là trong sản xuất. Làm đúng như mọi người đang làm để có giá thành cạnh tranh được đã khó rồi. Nhưng có những nguyên tắc mà chúng tôi kiên quyết đeo đuổi. Lấy mặt hàng chuối chẳng hạn. Diện tích mà chúng tôi đang thực hiện sẽ lên tới vài ngàn ha và chắc chắn không có chuyện thừa hàng phải bán rẻ.

Việt Nam có lợi thế nhất định với mặt hàng này để cung ứng cho trong nước và các thị trường lân cận như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vấn đề chính là sự ổn định, đồng đều và bảo đảm về chất lượng. Với dưa lưới thì câu chuyện có khác. Chúng tôi tạo ra giống riêng của mình (Unisweet) với chất lượng vượt trội, tuân thủ quy trình sản xuất sạch…để đẩy hàng nhập khẩu với độ an toàn khó kiểm soát ra khỏi Việt Nam.

Nhìn vào cách đi của các đại gia trong nông nghiệp như Vingroup, Masan, Hoàng Anh Gia Lai, Thaco… ông đánh giá thế nào về vai trò của họ? Liệu đời sống nông dân và cách làm nông nghiệp theo kiểu đặc sản bản địa có bị thách thức bởi những cánh đồng mẫu lớn này?

Họ đều là các đàn anh của tôi và đều đang góp phần làm thay đổi bức tranh nông nghiệp Việt Nam theo hướng tích cực. Đương nhiên họ, và cả tôi, đều làm thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống. Nông dân Việt Nam buộc phải cạnh tranh với nông dân các nước khác là việc không tránh khỏi. Và người giỏi hơn sẽ thắng. Trừ một số trường hợp sản xuất ở quy mô nhỏ, có sản phẩm thật chất lượng và khác biệt cho thị trường giá cao, thì khuynh hướng chung vẫn phải là sản xuất lớn, an toàn, với giá thành cạnh tranh được và chất lượng chấp nhận được.

Ông đã từng phải trả giá cho nhiều thất bại, thua thiệt chưa, để theo đuổi một cách đầy đam mê và hoan hỉ với con đường mà mình đã chọn, dù đôi lúc nó có vẻ đi ngược với trào lưu, đi ngược với lợi nhuận trước mắt?

Tôi sống đơn giản, và không có nhu cầu gì lớn. Làm kinh doanh là để thử thách hết các giới hạn của bản thân và nếu may mắn thành công thì giúp ích được đôi chút cho những người có liên quan với mình. Việc thất bại khi này khi khác là bình thường, giúp mình lớn lên. Tôi không coi việc có nhiều tiền là mục tiêu mà sống thỏa chí, thanh thản mới là mục tiêu. Và để được như vậy thì phải luôn biết quí trọng, thương yêu thật sự mọi đồng sự của mình.

Để giữ được sự thẳng thắn, bảo vệ lẽ phải trên cả luật lệ theo ông đòi hỏi người doanh nhân phải có những phẩm chất gì? Ông đã từng phải đối diện với thách thức nào khi tranh đấu cho quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân trong môi trường kinh doanh chưa bình đẳng kéo dài nhiều năm qua?

Khi bạn không sợ mất cái gì đó thì bạn mới dám liều với cái đó. Nếu khư khư lo giữ tài sản thì chắc đã có đôi lúc tôi không đưa ra những quyết định như đã làm. Chắc là tôi sợ đánh mất chính mình nhiều hơn mất tài sản. Việc tôi bỏ phiếu trắng (cùng với ĐBQH Dương Trung Quốc) khi thông qua Hiến pháp sửa đổi là một quyết định như vậy, bởi tôi cho rằng kinh tế tư nhân nên là động lực phát triển chủ yếu của đất nước này.

Trách nhiệm nặng nề của một công dân có làm ông cảm thấy mệt mỏi, khi vừa phải đảm trách công việc kinh doanh nặng nề?

Hoàn toàn không. Được đóng góp là niềm vui lớn. Tôi luôn có nhiều động lực bước ra khỏi giường vào sáng sớm. Sống tích cực luôn là phương châm của tôi.

Võ thuật và gia đình, đồng nghiệp đóng vai trò thế nào trong cuộc đời ông?

Tôi luôn cảm thấy mình may mắn. Công việc nhiều khiến tôi không thể chu toàn với gia đình nhỏ của mình. Nhưng vợ và các con tôi luôn thông cảm và ủng hộ. Đồng nghiệp thì luôn cố gắng và hết lòng. Võ thuật lại là chuyện rất lớn.

Tôi xem Vovinam như một trong số rất hiếm hoi các sản phẩm văn hóa mà người Việt có thể tự hào khẳng định là của mình và đóng góp được vào thế giới này. Xúc cảm mà tôi có được khi nhìn thấy vài mươi quốc tịch khác nhau, của đủ mọi màu da, từ mọi châu lục, chào nhau bằng tiếng Việt (nghiêm lễ trong Vovinam) và thể hiện võ học Việt Nam, thật khó có gì khác so sánh được. Vovinam là một phần của con người tôi và tôi sẽ làm mọi cách để có nhiều người hơn biết đến Vovinam, chuyển từ Việt Võ Đạo thành Nhân Võ Đạo như mong ước của các bậc tiền bối tạo ra môn phái này.

Một ngày của ông bắt đầu như thế nào? Bí quyết nào để ông giữ được phong độ ổn định và cái đầu luôn sáng suốt, trái tim luôn ấm áp?

Tôi bắt đầu một ngày bằng thiền và thể thao. Tôi khá kỹ tính với việc ăn uống, bởi cơ thể được hình thành từ các đầu vào này (you are what you eat). Tôi luôn lạc quan và vui sướng nhìn thấy sự thành công, nhìn thấy hạnh phúc của mọi người xung quanh. Tôi luôn cảm thấy nhỏ bé trước vũ trụ, trước nhân sinh. Và tôi cố gắng luôn giữ mình sát với mặt đất.

Ông chia sẻ điều gì với những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong làn sóng của cuộc cách mạng 4.0, khi mà cơn sóng thần của cạnh tranh toàn cầu ập đến ngay trong sân nhà?

Việc học liên tục là bắt buộc, bởi mọi việc thay đổi vô cùng nhanh chóng và liên tục. Bạn không cần phải biết mọi thứ (know-it-all) nhưng phải học mọi thứ (learn-it-all). Nhớ là giá trị công ty của bạn bằng chính giá trị con người mà bạn có được (a company is only as good as its people).

Những xu hướng tiêu dùng và xu hướng kinh doanh nào sẽ bùng phát trong tương lai?

Với tôi thì đó là công nghệ số, là an ninh và chia sẻ dùng chung. Điện thoại thông minh sẽ ngày càng thông minh hơn và thay thế nhiều vật dụng khác hơn. Mọi thiết bị xung quanh bạn sẽ kết nối với nhau để phục vụ cuộc sống tốt hơn. Người tiêu dùng sẽ ăn và uống chọn lọc hơn vì sức khỏe.

Mấy hôm nay, câu chuyện Vinasun và Mai Linh trong cuộc cạnh tranh một mất một còn với Grab, Uber có làm ông suy nghĩ nhiều không? Làn sóng công nghệ đang ập đến buộc doanh nghiệp phải ở tâm thế nào trong tư duy và hành động?

Hoặc đổi thay, hoặc tự đào thải mình.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

THeo Bizlive