Đào tạo Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập...

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh

307

28 tuổi, vượt qua các vòng phỏng vấn cam go với hơn 30 ứng viên, Việt H. đang trong thời gian chuẩn bị đi làm cho một công ty kiểm toán Úc. Trái ngược với tâm lý hào hứng của hầu hết những người đến đích thành công, anh khá bình thản, thậm chí có phần hờ hững. Anh cho biết gần 6 năm qua, phỏng vấn tìm việc với anh là chuyện quen thuộc. Anh biết rõ cách thức làm hồ sơ cũng như thừa kỹ năng thuyết phục các nhà tuyển dụng khó tính. Trải qua 5 chỗ làm, 4 trong số đó là các công ty Việt Nam, 1 của Hàn Quốc và giờ đây chuẩn bị cho một công ty Úc, H. cho biết: “Thử thách không nằm ở quá trình phỏng vấn để vào được nơi nào đó, mà vấn đề là chỗ làm có tương thích với tôi hay không. Sau nửa năm, nếu câu trả lời là ‘không’, tôi sẵn sàng ra đi tìm văn phòng mới phù hợp với mình.”

Sở hữu bằng cấp giá trị, năng lực chuyên môn nổi bật cùng nhiều điểm cộng sáng chói trong CV mà vẫn không ngừng “lạc trôi” từ công ty này sang công ty khác, trường hợp như Việt H. hiện rất phổ biến trong các bạn trẻ. Lý do “không phù hợp” xuất hiện với tần xuất cao trong các tờ đơn xin thôi việc. Thuật ngữ nhảy việc của giới trẻ thay vì mang nghĩa tích cực là để tích lũy kinh nghiệm, giờ đây nghiêng về ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, bao biện cho việc không thể gắn bó bền lâu với một chỗ làm.

Rời khỏi một nơi chốn, người ta thường có xu hướng nhìn về phía trước, tìm kiếm chỗ làm mới “thực sự dành cho ta”. Hiếm ai ngoảnh nhìn về nơi mình đã rời đi để đặt câu hỏi: Vì sao ta không dành cho nơi ấy? Nhưng, đây lại là câu hỏi mang tính trải nghiệm cần thiết, giúp chúng ta đối diện vấn đề quan trọng: Kỹ năng ứng xử, hay cụ thể hơn là kỹ năng hòa nhập với môi trường mà ta hiện diện.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 1.

Không hợp với bầu không khí xung quanh. Không hợp với bạn học. Không hợp với đồng nghiệp. Không hợp với sếp. Không hợp với điều kiện làm việc… Những “cảm giác” này bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng trải qua khi đặt chân vào một môi trường mới. Dường như có cả tỉ thứ không hợp, trong khi điều phù hợp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 2.

Nhìn nhận công bằng, thích nghi nhanh không phải là ưu thế của người trẻ Việt. Điều này bắt nguồn sâu xa từ văn hóa gốc. Cội rễ chúng ta đi ra từ nông nghiệp, coi trọng việc xây dựng cộng đồng an toàn trong một không gian ổn định, bền lâu. Điều này giúp đảm bảo hoạt động mùa vụ, đảm bảo vấn đề lương thực cho cộng đồng. Tư duy nông nghiệp không khuyến khích việc giao lưu, kết bạn với các cộng đồng khác. Tâm lý dè chừng trước người lạ, khó chịu trước biểu hiện khác biệt khiến các cá nhân thường duy trì một phạm vi quan hệ nhất định, chỉ lựa chọn kết thân với những ai gần giống như mình. Trong những môi trường mang tính quốc tế, chính vì thói quen thụ động, e ngại khi phải khởi đầu ở một chỗ mới, người Việt thường tụ lại cùng nhau, ít chủ động giao lưu với người ngoài. Hay một hiện tượng thường thấy, sâu xa cũng bắt nguồn từ cội rễ này, là việc có không ít bạn trẻ phản ứng quá mạnh trước những va chạm rất nhỏ. Chỉ cần ai đó lạ mặt bước vào khu vực của mình hay một cái “nhìn đểu” là đã có thể biến thành mồi lửa để xung đột bùng lên.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 3.

Một nguyên nhân khác hợp thời hơn là sự thiếu hụt kỹ năng. Cũng như nhiều kỹ năng mềm khác, kỹ năng ứng xử và hòa nhập bị bỏ quên khá lâu trong các chương trình giáo dục ở mọi cấp bậc. Đơn cử dễ thấy, việc phân chia lớp theo năm học ở ta thường duy trì trong suốt cấp học. Ý thức về “lớp ta” hay “cộng đồng nhỏ của ta” in hằn rất sâu. Ở các nước khác, khái niệm chia lớp được thay bằng việc chia theo môn học, áp dụng từ cấp học nhỏ. Rất tự nhiên, trẻ em luôn phải gặp gỡ bạn bè mới, phải tự động thích nghi. Còn chúng ta, cho đến lúc đi làm, mới bỡ ngỡ phát hiện việc hòa nhập đối với mình là thử thách quá khó khăn. Mọi thứ phó mặc cho cảm nhận và may rủi… Chúng ta thiếu kỹ năng vì “trước đó có ai dạy đâu”. Không ít bạn trải qua nhiều môi trường luôn chỉ gặp cùng một vấn đề, nhưng không nhận ra đó là vấn đề để tìm được cách giải quyết.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 4.

Thực tế cho thấy, hiện tượng nhảy việc thường gặp nhất ở nhóm các bạn từng du học về nước làm việc. Trừ các bạn làm cho gia đình, hiếm bạn nào đầu quân ít hơn 2 – 3 công ty trong 5 năm đầu tiên. Giải thích về sự gãy đổ, các bạn thường nói về mức lương hay cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, nguyên do sâu xa chính là khó khăn trong việc tìm được tiếng nói chung. Quen với cách bày tỏ thẳng thắn, đưa ra quyết định thiên về lý trí, mong muốn thay đổi để đạt hiệu quả nhanh, thật không dễ dàng gì khi tập quen cách ứng xử ở môi trường công sở trong nước, nơi vẫn coi trọng mối quan hệ, nơi mà lối cư xử khéo léo nương theo hoàn cảnh, biết người biết ta nhiều lúc lại ghi điểm hơn là tài năng đơn thuần.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 5.

Hải Vân, 23 tuổi, du học sinh ngành Thiết kế nội thất tại Úc, kể lại một trải nghiệm khi đi thực tập và phải làm việc nhóm với các bạn đến từ nhiều nước khác nhau: “Nhóm của mình có 6 bạn. Trong đó có một bạn người Hàn, vẻ ngoài rất nhu mì và luôn tỏ ra chăm chỉ. Thế nhưng suốt 6 tuần làm một đồ án, cô bạn luôn vắng mặt. Đến tuần cuối cùng, cô bạn ấy gặp riêng mình, cho biết thời gian qua ông nội bị ốm nên cô phải về nước, tinh thần suy sụp, xin mình giúp đỡ. Mình đồng ý, làm việc gấp đôi, gửi tất cả các bản vẽ cho bạn ấy. Thế nhưng ngày trình đồ án, do có một số sai sót nên nhóm bị vị quản lý khiển trách, nàng ấy đã lật ngược tình thế, trình các bản vẽ, tố cáo mình chính là nguyên nhân, còn cô nàng đã phải làm việc hộ cả cho mình luôn. Mình sốc nặng không nói được gì. May mà một cậu trong nhóm có kết bạn với bạn trai của cô nàng trên Facebook, đã chứng minh cô nàng là kẻ nói dối khi suốt thời gian nhóm làm đồ án, cô ta cùng người yêu check in du ngoạn khắp nơi.”

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 6.

Trường hợp của Vân và rất nhiều bạn trẻ khác cho thấy khoảng cách giữa điều chúng ta được dạy dỗ và thực tế cuộc sống luôn có một khoảng cách lớn. Tốt bụng, tin người, biết sẻ chia như cách Vân hành động chưa chắc mang lại kết quả tốt. Đáng tiếc nhưng vẫn phải nói rằng, trong ứng xử để tương thích với môi trường, vấn đề đúng – sai, tốt – xấu không quan trọng bằng phù hợp. Vân tự rút ra kinh nghiệm: 

Trưởng thành chính là một quá trình liên tục thay đổi môi trường sống, theo từng cấp độ xa hơn, thử thách nhiều hơn, cọ xát khắc nghiệt hơn và khiến cá nhân trở nên độc lập hơn. Rời khỏi ngôi nhà quen thuộc đến trường mầm non là bước ngoặt vĩ đại với con trẻ, bắt đầu gia nhập xã hội từ đây. Vào tiểu học, ta rời xa hơn vòng tay bố mẹ, xác định bản thân như một cá thể riêng biệt. Lên trung học, chúng ta dành quan tâm cho mối quan hệ thầy cô, bạn bè. Từ trường phổ thông đến giảng đường đại học lại là cột mốc quan trọng khác, khi chúng ta xác định môi trường tương lai mình sắp bước vào. Và từ trường đại học đến nơi làm việc chắc chắn là thay đổi lớn nhất với đa số chúng ta.

 

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 7.

Ở đây, có hai điểm không thể bỏ qua: Học cách định vị bản thân và học hiểu môi trường quanh mình. Cân bằng mối liên hệ giữa hai điểm trên chính là giải được bài toán ứng xử đúng đắn và hòa nhập thành công.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 8.

 

Có một thực tế là nhiều bạn trẻ rất năng động và quảng giao trên môi trường mạng, nhưng lại sợ hãi, né tránh xây dựng các mối quan hệ ngoài đời thật. Ở một số công việc đặc thù như nhân viên IT hay thiết kế đồ họa, điều này được thông cảm, bởi tính cách ấy phù hợp tính chất công việc. Nhưng ở hầu hết vị trí khác, thói khép kín thường gây nên sự thiếu tin tưởng. Từ góc nhìn của người sếp, họ không đánh giá cao nhân viên quá dè dặt nhút nhát ở các trao đổi hàng ngày. Trong một bức ảnh tập thể, họ là những người nép vào góc khuất, cố trở thành vô hình.

Vấn đề của người trẻ ngày nay không nằm ở trình độ, mà ở thái độ làm việc. Văn hóa mỗi nơi mỗi khác, con người mỗi nơi mỗi khác. Hòa nhập như thế nào phụ thuộc vào độ linh hoạt và kinh nghiệm của từng người. Ta ăn mặc như thế này có lạc quẻ? Ta nên cư xử với sếp ra sao? Ta cần tránh điều gì và phát huy những điều gì trong các mối quan hệ? Làm sao nắm bắt quy tắc ứng xử chung để tuân theo?… Ta tìm đọc rất nhiều bài viết, tham dự các khóa học kỹ năng giao tiếp, nhưng áp dụng chúng như thế nào phụ thuộc vào then chốt ngay trong chính ta: Ý thức về sự hòa nhập. Nhấc then cài ấy để mở cửa cho bản thân, bước ra ngoài và chủ động tiếp nhận, là cách để ta hình thành thái độ làm việc phù hợp.

Những nhà tuyển dụng kinh nghiệm cho biết, các newbie hòa nhập giỏi nhất không phải là những bạn từng nhảy việc nhiều lần hay có sẵn tính cách tự nhiên “theo cùng dòng chảy”, mà chính là những người đã hình thành ý thức phải trở thành một phần của văn hóa chung. Chúng ta cần xác định rằng, không có nơi đâu phù hợp 100% với mình. Câu chuyện của anh Việt H. nêu ở phần trên rơi vào trường hợp này: Luôn tìm kiếm nơi chốn phù hợp với mình chứ không nhìn nhận theo chiều ngược lại.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 9.

Tất nhiên, vẫn phân biệt rõ giữa việc ứng xử phù hợp với thói lươn lẹo, luồn lách và cơ hội. Cũng như hòa nhập rất khác với hòa tan. Những kẻ cơ hội có thể đạt được vài lợi ích lúc đầu, nhưng về lâu dài sẽ gây mất lòng tin, ảnh hưởng xấu đến sự đoàn kết cộng đồng. Những người quá nương theo đám đông, thiếu chính kiến sẽ không thể hiện được năng lực, không có tiếng nói riêng. Việc cân bằng giữa dấu ấn cá nhân và tính tập thể là một trong những điều kiện tiên quyết đưa đến thành công của mỗi chúng ta. Đó có thể là một bản năng tự thân. Nhưng, nếu chúng ta không được trời phú cho khả năng ấy, may mắn thay, đó vẫn là một kỹ năng có thể rèn tập được. Miễn chúng ta muốn.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 10.

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Thế giới đang ngày càng nhỏ lại hay lớn hơn?

Công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ công việc của chúng ta. Mọi thứ đều có thể gói gọn vào một màn hình nhỏ. Hàng tấn thông tin chứa vừa trong chiếc thẻ nhớ chưa đầy đốt tay. Những công việc không bó buộc không gian thời gian lên ngôi… Cảm giác như cả thế giới gói gọn trong cái cabin ta ngồi. Nhưng sự thật, thế giới đang rộng mở. Chỉ cần so sánh với người trẻ Việt cách đây hai thập niên, ta sẽ thấy rằng thế giới của chúng ta hiện nay bao la hơn hẳn. Ta dễ dàng đến một vùng đất lạ để du lịch, học tập, làm việc và cả sinh sống. Chúng ta va chạm, giao thoa, hấp thụ rất nhiều ảnh hưởng văn hóa, chia sẻ rất nhiều thông tin. Quá trình đó, chính là ta đang tiếp xúc và tiếp nhận các môi trường khác nhau.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 11.

Chỉ riêng việc ta truy cập vào Instagram hay Facebook cá nhân đã là bước vào một môi trường mới. Tham gia một nhạc hội, một sự kiện cộng đồng là dịp hòa mình khác với thường ngày. Ta tham gia vào một lớp học, nhận một việc làm thêm, gặp gỡ với người lạ… là dần tạo ra những môi trường riêng. Để rồi chúng đan xen nhau, và đôi khi buộc ta phải thay đổi từ môi trường này sang môi trường khác chỉ trong tích tắc.  

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 12.

Hôm nay, công việc của ta còn là các đồng nghiệp ngồi cùng nhau trong một văn phòng. Ngày mai, đó đã có thể là không gian ảo với những con người ảo. Chúng ta đối mặt với một tương lai phải tương tác rất nhiều với các dạng thức trí tuệ nhân tạo… Chỉ có thích nghi thật nhanh mới có thể tồn tại.  

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 13.

Thoạt trông, tính chất cá nhân có vẻ được nhấn mạnh, nhưng thực chất, chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu kết nối chặt chẽ. Công nghệ không khiến chúng ta tách biệt, mà giúp ta gắn bó mật thiết với nhau hơn. Gần như không có công việc nào mà người ta có thể đứng một mình. Một ca sĩ phải đi cùng với hệ thống lăng xê, quảng bá hình ảnh, sản xuất và tiêu thụ phía sau. Một cây bút thành công là cây bút có mối liên kết hữu hảo với đơn vị xuất bản, bộ phận truyền thông, hệ thống phát hành cả online và offline. Nhờ công nghệ, giờ đây ta thấy rõ cấu tạo của bộ máy công việc vốn bị che dưới lớp vải trước kia. Và chúng ta định vị được chính mình: Mỗi cá nhân đều là một mắt xích trong một hệ thống khổng lồ. Chính vì thế, khả năng hoà nhập với môi trường xung quanh, liên kết làm việc hiệu quả với đồng nghiệp và đối tác đã trở thành kỹ năng sống còn của thế kỷ 21. 

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 14.

Bạn đã xem bộ phim The Intern với hai nhân vật chính là người tập sự 70 tuổi Ben Whittaker (Robert De Niro) và nữ giám đốc công ty thời trang online Jules Ostin (Anne Hathaway)? Một ông già ở tuổi nghỉ hưu hăm hở ứng tuyển, vượt qua các đối thủ trẻ hơn vào làm việc ở một công ty khởi nghiệp, chuyên về thời trang là thứ ông chẳng hề liên quan, lại còn bán hàng trên mạng, hoàn toàn khác mọi trải nghiệm công việc của ông trước đó. Xem cách Ben học lại từ đầu – di chuyển giữa các môi trường năng động, kết nối với đủ loại người thuộc mọi vị trí trong công ty, đặc biệt thiết lập thành công mối liên hệ với sếp nữ trẻ bằng cách chia sẻ và cảm thông – bạn sẽ thấy đây chính là một bộ phim truyền cảm hứng đặc biệt, nhìn từ góc độ chinh phục kỹ năng, học hỏi văn hóa ứng xử để hòa nhập vào không gian làm việc mới.

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 15.

Nếu ai đó nói rằng, bạn không có kỹ năng hòa nhập, đừng tin! Điều đó sai. Hòa nhập, hay thích nghi với những môi trường sống khác nhau, là bản năng đã cài đặt trong mỗi chúng ta. Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, từng nói: “Không phải loài mạnh mẽ nhất sống sót, không phải loài thông minh nhất sống sót, mà là loài có khả năng thích nghi nhanh nhất để đổi thay.” Về cơ bản, mỗi người đều sở hữu khả năng kết nối và hòa nhập, ngay từ khi sinh ra. Điều đó thể hiện rất rõ khi ta là một đứa trẻ. Vì nhiều lý do, khi lớn lên, vấp phải sự kiện tác động đến tâm lý, một số đánh mất hoặc tránh né, hoặc từ chối ý niệm phải hòa nhập.

Nếu vẫn còn chần chừ e dè trước một cơ hội học tập hay làm việc mới, chỉ vì lo ngại “không phù hợp”, bạn nên ra một quyết định đơn giản: Quăng mình vào dòng chảy. Qua mỗi vấp váp hay sai lầm, chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm quý giá, hình thành một phản xạ có điều kiện của việc phân tích, phán đoán, và xác định cách thức để trở thành một phần của cộng đồng. Kỹ năng mềm đúng nghĩa chỉ học được qua thực tế, và phải trải qua quá trình rèn luyện không ngừng. Hãy đi, hãy tiếp xúc với những người bạn mới, hiểu thêm về con người, tìm hiểu văn hóa, tham gia các khóa học, hòa mình vào cuộc sống, vượt qua nỗi sợ hãi, thử sức điều mới mẻ, hoàn thiện những thiếu sót…

Càng ưu tú chúng ta càng coi nhẹ kỹ năng hòa nhập với tập thể xung quanh - Ảnh 16.

Theo Trí Thức Trẻ