Chiến lược Việt Nam cần làm gì để rút ngắn thâm hụt thương mại...

Việt Nam cần làm gì để rút ngắn thâm hụt thương mại với Hàn Quốc?

16
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 43,4 tỷ USD trong năm 2016. Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 23,7 tỷ từ thị trường Hàn Quốc.


Ảnh minh họa

Trong những năm qua, việc tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam với Hàn Quốc luôn được Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn và là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đáng chú ý, năm 2016, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Đồng thời nước ta là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hàn Quốc.

Phát biểu tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc”, ông Lê An Hải- Phó Vụ trưởng, Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho biết thương mại song phương Việt Nam- Hàn Quốc tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng gần 87 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD năm 2016.

Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc”

Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị , máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải,.. xăng dầu.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu mặt hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giầy dép các loại, phương tiện vận tải.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam- Hàn Quốc ngày càng cao. Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt gần 10,7 tỷ USD trong khi ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu lên tới 34,4 tỷ USD. Như vậy Việt Nam nhập siêu 23,7 tỷ USD từ Hàn Quốc.

Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi cần tận dụng triệt để lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc nhằm xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nhiều hơn nữa sang thị trường này. Ông Hải cho biết mục tiêu thương mại 2 chiều giữa 2 quốc gia năm nay đạt khoảng 50 tỷ USD trong đó chủ yếu tập trung vào xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc nhằm rút ngắn thâm hụt. Các mặt hàng có hàm lượng giá trị xuất khẩu cao như nông lâm, thủy sản được tập trung nhiều hơn.

Hàn Quốc được xếp trong top 5 thị trường nhập khẩu lớn khu vực châu Á Thái Bình Dương và nằm trong top 20 thị trường nhập khẩu trên thế giới. Năm ngoái kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quôc đạt 540 tỷ USD, trong đó hàng tiêu dùng chiếm 180 tỷ. Trong số các mặt hàng tiêu dùng mà Hàn Quốc nhập khẩu, mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiếm 30 tỷ USD.

Sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là mặt hàng đông lạnh như tôm đông lạnh, mực đông lạnh và thủy sản khô. Các mặt hàng tươi sống Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia phát triển. Nguyên nhân là do quốc gia này có những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong khi sản phẩm thủy sản tươi sống của Việt Nam về cơ bản chưa đáp ứng được.

Bên cạnh đó, kim ngạch mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng khá cao khi đạt 1 tỷ USD trong năm 2016.

Hàng công nghệ, điện tử cũng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tuy nhiên về bản chất đa số là những sản phẩm do công ty Hàn Quốc như Samsung, LG sản xuất và xuất khẩu ngược trở lại.

Tỷ trọng xuất khẩu nhóm sản phẩm đồ gia dụng từ đồ gỗ, đồ bếp…hiện đang ở mức thấp. Tuy nhiên, đây lại là dòng sản phẩm có tiềm năng để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt mà không sợ bị cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm tương tự từ Hàn Quốc bởi lẽ nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng của Hàn Quốc kém cạnh tranh hơn, ông Hải nhận định.

Theo NDH