Chiến lược Đầu tư cho phát minh: Không bao giờ lỗ

Đầu tư cho phát minh: Không bao giờ lỗ

59
Nhiều người cho rằng: “Thật ngớ ngẩn. Phát minh không thể trở thành một ngành kinh doanh được. Nó ẩn chứa quá nhiều rủi ro và bản thân nó cũng quá mơ hồ để có thể tạo ra lợi nhuận. Phát minh và hoạt động phát minh không thể tách rời khỏi công ty đã biến ý tưởng phát minh thành sản phẩm thực thụ. Ý tưởng tạo một thị trường cho phát minh thật buồn cười. 
Họ có lý, nhưng hẳn họ đã quên rằng vào thập niên 1970, người ta cũng nói tương tự như thế về một loại tài sản trí tuệ vô hình khác: phần mềm. Vào thời đó, người ta cũng tin rằng phần mềm chỉ có giá trị khi nó giúp công ty bán được hệ thống máy tính chủ chứ bản thân nó sẽ chẳng bao giờ được xem như một sản phẩm độc lập.
Trong khi đó, phần mềm đang là một trong những ngành kinh doanh có lãi nhất. Và tôi tin rằng phát minh cũng sẽ là một “phần mềm” tiếp theo: một tài sản có giá trị cao đóng vai trò nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới, cho các thị trường vốn và các chiến lược đầu tư.

Không thể đối xử với phát minh bằng thái độ “làm từ thiện”
Phát minh từ lâu được xem là cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ngoài các công ty trong ngành dược và công nghệ sinh học, hiếm có doanh nghiệp nào xem phát minh hay việc tạo ra những tài sản trí tuệ mà có thể cấp phép hay chuyển nhượng là sứ mệnh chính của mình.
Những doanh nghiệp R&D thì chỉ tập trung chủ yếu vào “D”, tức khâu phát triển sản phẩm. Các công ty, tổ chức nghiên cứu hay thậm chí là viện đại học cũng chỉ tập trung nguồn lực cho những chương trình mở rộng kiến thức khoa học của nhân loại.
Đây là việc nên làm nhưng không có nghĩa là người ta có thể đánh đồng nó với hoạt động phát minh bởi phát minh phải là việc áp dụng tri thức khoa học sẵn có theo nhiều cách thức mới để tạo ra một thứ gì đó hữu dụng và có giá trị kinh tế cao.
Điều quan trọng hơn là tư duy theo lối “ban phát” hay “làm từ thiện” của nhiều cơ quan, tổ chức đầu ngành về phát minh. Với họ, các khoản tiền dành cho phát minh thường được xem là một món quà, thay vì nên là một khoản đầu tư nghiêm túc. Và hậu quả của lối tư duy này là sự khan hiếm ngân sách dành cho phát minh từ khu vực tư và sự phục thuộc thái quá vào nguồn tiền tài trợ từ chính phủ.
Tư duy này có để lại một hậu quả là tiền tài trợ từ chính phủ chỉ được rót cho các chương trình nghiên cứu truyền thống tập trung vào từng lĩnh vực riêng biệt trong khi chính những nhóm tiên phong nghiên cứu đa ngành lại không được trang bị đầy đủ để tìm kiếm giải pháp cho vô số vấn đề ngày càng phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt.
Sau cùng, một thực tế không mấy tốt đẹp là ngân sách của chính phủ dành cho phát minh đang giảm dần, cụ thể trong giai đoạn 2003-2007, mức giảm là 14%. Và hẳn các nhà phát minh sẽ chẳng vui vẻ gì khi biết trong năm 2008, chính phủ Mỹ đã chi tổng cộng 1.600 tỷ USD vào thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân, gấp 3 lần ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học.
Do đó, cách duy nhất giúp phát minh thu hút được đầu tư từ khu vực tư nhân là nó phải được xem là một ngành kinh doanh có khả năng sinh lợi. Muốn thế, chúng ta phải có một thị trường vốn hoạt động hiệu quả dành cho phát minh và khi đó, các nhà đầu tư sẽ đến.
Tuy nhiên, quá trình này cũng hứa hẹn không ít khó khăn với nhiều thách thức như: rủi ro khi một phát minh thất bại, việc quyền sở hữu trí tuệ chưa được tuân thủ ở một số quốc gia, thị trường dành cho phát minh chưa hoạt động chuyên nghiệp và còn khá rối rắm. Để thu hút nhà đầu tư, bạn cần phải thương mại hóa các phát minh một cách hiệu quả và chứng tỏ khả năng sinh lợi của chúng, và để giải quyết những khó khăn trên, tiền của nhà đầu tư chính là giải pháp.
Đóng góp của thị trường vốn dành cho các phát minh

1. Cho nhà phát minh
– Cung cấp tài chính
– Cung cấp chủ đề thiết thực
– Đánh giá thị trường cho một số phát minh cụ thể
– Xây dựng mức giá thị trường cho các phát minh
– Cung cấp mức thù lao thỏa đáng
– Giúp bằng sáng chế có hiệu lực mạnh
– Tiếp thị và cấp phép các phát minh
– Phân loại các phát minh để nâng cao giá trị

2. Cho các công ty sản xuất sản phẩm

– Tiếp cận trực tiếp người nắm giữ bằng sáng chế
– Tận dụng các nhà phát minh để giải quyết nhu cầu của công ty
– Giảm rủi ro bị kiện tụng vì phát minh
3. Cho các viện nghiên cứu
– Cung cấp tài chính
– Giúp các khám phá khoa học và nhu cầu của các ngành nghề ăn khớp với nhau
– Xây dựng các giao dịch về bằng sáng chế
– Giúp thương mại hóa các phát minh
– Củng cố quyền về bằng sáng chế

4. Cho xã hội

– Thúc đẩy phát triển công nghệ
– Bớt phụ thuộc vào tiền tài trợ của chính phủ
– Nâng cao sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ
– Khôi phục hiệu quả ý tưởng hay của những doanh nghiệp thất bại
– Nâng cao tính cạnh tranh và mở rộng lựa chọn cho người tiêu dùng
Quản lý rủi ro và những tấm gương thành công
Nếu như các quỹ đầu tư cần hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ USD để phòng ngừa rủi ro bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư thì với các phát minh, kịch bản cũng tương tự. Với một danh mục đầu tư gồm khoảng 2.000 phát minh, chỉ cần một phát minh thực sự thành công thì doanh thu bạn thu về có thể lên đến hàng tỷ USD, gấp nhiều lần chi phí cho một danh mục đầu tư “khổng lồ” như thế.
Và trên thực tế, nhiều công ty đã rất thành công với các thương vụ mới này. Doanh thu từ bản quyền sáng cho cho một kỹ thuật dùng trong các đầu DVD hay các thiết bị giải trí kỹ thuật số của Qualcomm đã mang về cho tập đoàn này hơn 1 tỷ USD/năm. IBM, Hewlett-Packard, Lucent, Texas Instruments cũng đạt thành công tương tự.
Trả lại vị trí xứng đáng cho bằng sáng chế
Rào cản lớn nhất cho ngành kinh doanh phát minh không phải các vấn đề về tài chính như người ta vẫn nghĩ mà hóa là lại và yếu tố văn hóa. Ở các nước phát triển, những công ty sản xuất sản phẩm và các nhà phát minh, người nắm bằng sáng chế lại ở hai phe đối nghịch nhau. Tuy nhiên, đã đến lúc họ cần ngồi lại cùng nhau.
Về phía mình, các công ty cần “đặt hàng” với nhà phát minh những công nghệ mà họ cần. Còn về phần nhà phát minh, họ cũng nên dành cho các công ty sự tin tưởng và cho phép họ sử dụng ý tưởng của mình với một mức giá hợp lý. Tôi tin rằng khi hai bên tin tưởng và hợp tác với nhau, mọi khả năng đều có thể. Vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ cũng đang nóng lên từng ngày.
Biến phát minh thành tiền
Công ty chúng tôi đang thực hiện nhiều phương án nhằm thương mại hóa các phát minh:
– Gói phát minh: Đóng gói các phát minh là một giải pháp thông minh nhằm phát huy cao nhất giá trị của chúng. Khi kết hợp cùng nhau, giá trị mà chúng tạo ra còn cao hơn tổng giá trị của từng phát minh riêng lẻ. Các gói phát minh này còn giúp người dùng tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm ai là người nắm bằng sáng chế và tiến hành thương lượng cho từng giao dịch.
Nhiều khách hàng sẵn sàng đăng ký gói “1.000 phát minh” hay gói phát minh mà quyền sử dụng sáng chế của khách hàng sẽ được tự động cập nhật khi có phát minh mới. Đến nay, doanh thu từ hoạt động này của công ty chúng tôi, Intellectual Ventures đạt hơn 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, khó khăn là làm thế nào biết được phát minh nào sẽ có ý nghĩa chiến lược với định hướng của công ty khách hàng bởi họ thường không nói rõ nhu cầu của mình hoặc cũng có thể vì họ chưa nghĩ đến nó.
– Tạo ra các loại chứng khoán đảm bảo bằng phát minh: Một danh mục các phát minh thành công có thể được xem là một loại tài sản đầu tư mới. Quả thật, cổ phiếu của những công ty như Qualcomm rất được giới đầu tư quan tâm. Các loại chứng khoán đảm bảo bằng phát minh sẽ tạo ra mối liên kết rõ ràng hơn giữa hiệu quả của phát minh và lợi nhuận thu được từ chứng khoán.
Kết luận
Vai trò của phát minh là rất quan trọng nên không thể phó mặc nó cho hoạt động tài trợ mang tính “từ thiện” của chính phủ. Phát minh nên là mục tiêu của khu vực tư. Với nhiều tài năng trong lĩnh vực nghiên cứu, tự do đổi mới trong lĩnh vực tài chính và một văn hóa đề cao các phát minh, nước Mỹ đang hoàn toàn sẵn sàng cho ngành kinh doanh mới này.
Một khi thị trường vốn dành cho phát minh hoạt động hiệu quả, sẽ có hàng trăm ngàn phát minh mới ra mắt trong một năm. Dĩ nhiên có nhiều phát minh sẽ thất bại hay tỏ ra quá ngốc ngếch nhưng chỉ cần 1% trong số chúng thành công thôi, cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Xây dựng một thị trường vốn cho phát minh, nuôi dưỡng ngành kinh doanh phát minh và chúng ta sẽ thay đổi thế giới.
Trao đổi với tác giả Nathan Myhrvold, CEO của Intellectual Ventures và tác giả của nghiên cứu:
– Theo ông thì cách phát minh hiện nay của chúng ta có gì không ổn?
Không phải cách chúng ta phát minh không ổn mà chúng ta, và toàn xã hội hiện nay không dành nhiều nỗ lực và nguồn lực cho phát minh.
– Vậy theo ông vấn đề này có liên quan đến sáng tạo hay không vì thời gian qua chúng ta nghe đến cụm từ này khá nhiều?
Nó sẽ khác sáng tạo nhiều. Sáng tạo có thể là sử dụng ý tưởng của người khác áp dụng vào sản phẩm của mình. Ý tưởng đó có thể rất mới, thú vị và sáng tạo nhưng sản phẩm tạo ra từ chúng không phải hoàn toàn mới. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ mà có nhiều lúc công nghệ sẽ làm lóe lên trong đầu bạn những thứ chưa hề tồn tại. Nếu một ai đó có thể biến chúng thành sự thật thì điều này có thể thay đổi bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, hoạt động này lại thường không được quan tâm đúng mức.

– Ông nghĩ sao về ngân sách chính phủ Mỹ dành cho phát minh?
Chính phủ Mỹ gần như không chi một đồng nào cho phát minh cả. Nhưng họ thực sự có tài trợ ngân sách cho nghiên cứu. Tuy nhiên, nghiên cứu lại khác với phát minh. Nghiên cứu làm tăng kiến thức của nhân loại về những gì có sẵn nhưng nó không phát minh ra được điều gì mới. Giải thưởng Nobel cũng được trao cho những người có hiểu biết mới về thế giới hiện tại. Newton không phát minh ra trọng lực nhưng ông tìm ra được các công thức toán học giúp con người hiểu về lực trọng trường. Cũng có trường hợp các nghiên cứu khoa học giúp phát minh ra nhiều thứ mới nhưng chúng ta không thể đánh đồng ngân sách cho R&D (nghiên cứu và phát triển) với ngân sách dành cho phát minh.
– Ông có thể cho biết giải pháp của mình cho vấn đề này không? Biết đâu chúng ta có thể tìm thấy vô số ý tưởng chưa được khai thác?
Cũng giống như cách chúng ta sử dụng đồng vốn để tạo ra các công ty, hiện mỗi năm có hàng ngàn công ty mới ra đời từ tiền của các tổ chức đầu tư mạo hiểm. Có rất nhiều công ty trong số đó thất bại nhưng hãy nhìn xem những công ty thành công như: Micorsoft, eBay, Apple, Google, Intel…, đã thay đổi thế giới của chúng ta như thế nào. Và bạn không thể hình dung một ngày của mình sẽ trôi qua ra sao nếu không có ứng dụng hay sản phẩm của những công ty trên.
Như vậy, hóa ra không phải chúng ta “đã có quá nhiều công ty rồi” mà thật ra, số công ty chúng ta đang có vẫn là chưa đủ. Vậy, chúng ta hãy xem phát minh tương tự với công ty và sẵn sàng đầu tư cho nó. Có thể sẽ có nhiều phát minh thất bại nhưng những phát minh có giá trị và tồn tại được sau giai đoạn thử thách sẽ thay đổi cả thế giới.

Theo Tuần Việt Nam