Marketing Marketing thời hiện đại: Dùng công nghệ 3G

Marketing thời hiện đại: Dùng công nghệ 3G

4
Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện đã có 87,7 triệu thuê bao di động, trong đó đã có khoảng 69,3 triệu thuê bao có thông tin đăng ký. Trong bối cảnh các nhà cung cấp dịch vụ thi nhau tung ra các hình thức “kích cầu” như SIM giá rẻ, tài khoản lớn, giảm phí cuộc gọi, cước nhắn tin… số lượng thuê bao “ảo” cũng sẽ rất lớn. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận tiềm năng của marketing thông qua di động tại Việt Nam – đặc biệt là khi 04 giấy phép phát triển mạng 3G (viết tắt của “third generation”, tức thế hệ thứ 3”) đã “có chủ” theo quyêt định đầu tháng 4/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Với sự góp mặt của các dịch vụ băng rộng đa phương tiện như video, internet di động…, các nhà marketing đang sắp có thêm một kênh tiếp thị mới có khả năng truyền tải trọn vẹn thông điệp quảng cáo tới đông đảo đối tượng khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi.

Kênh quảng cáo “tất cả trong một”
Cảm nhận rất rõ ràng về xu thế “3G marketing”, anh Hoàng Vũ – phụ trách kênh marketing thông qua các mạng xã hội và các thiết bị di động của công ty chuyên phân phối quà tặng có đại diện ở cả TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội cho biết: “Nếu mạng 3G được triển khai đầy đủ và theo đúng chuẩn mực cam kết, chúng tôi sẽ marketing qua điện thoại di động là lựa chọn số một để tiếp cận khách hàng trong vòng 5 năm tới”. Theo anh Vũ, điện thoại di động, các thiết bị cầm tay kỹ thuật số đã “bọc” trong nó cả một chiếc TV, một chiếc đài phát thanh, một chiếc máy tính (để lướt web) cộng với “ổ cứng” đủ lớn để lưu trữ nhiều định dạng nội dung cho cả mục tiêu giải trí và công việc. “Sẽ thật tuyệt vời khi những thiết bị di động có khả năng nối mạng ở tốc độ cao. Một thông điệp marketing với đầy đủ hình ảnh, âm sắc, ký tự… đã có thể phát tán một cách trơn tru tới một lượng lớn khách hàng trong khi họ đang di chuyển”, anh Vũ chia sẻ.
Ngoài tin nhắn ký tự (SMS) truyền thống, doanh nghiệp cũng cần đầu tư nghiên cứu các hình thức quảng cáo thông qua tin nhắn đa phương tiện (MMS), các đoanh video clip, audio clip và cả game dành cho thiết bị di động để có thể đón đầu “thời đại 3G”. Tại một số nước phương Tây, hình thức “marketing định vị” cũng đã được đưa vào khai thác dựa trên tính năng tích hợp ứng dụng định vị toàn cầu (GPS) của điện thoại. Ví dụ, khi bạn và chú “dế” của mình nằm trong “vùng phủ sóng” của của một quán ăn, bạn sẽ lập tức nhận được tin nhắn về những món ăn mới được quán phục vụ trong ngày.
Một trong những đặc tính nổi trội nữa của quảng cáo thông qua thiết bị mạng 3G là khả năng hỗ trợ tính tương tác. Ví dụ khi tung ra dòng sản phẩm mới 1007, Peugeot đã hợp tác chặt chẽ với đơn vị chuyên về marketing của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Vodafone (Vodafone Target). Thông qua điện thoại di động, các khách hàng tiềm năng có thể chủ động yêu cầu nhận thông tin giới thiệu về sản phẩm (gửi tin nhắn với mã số định sẵn), xem clip giới thiệu xe và đăng ký lái thử … Khác với các kênh tiếp thị truyền thống thông qua TV, thuê bao di động có thể chủ động tương tác với nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm một cách dễ dàng qua nhiều hình thức như gửi tin nhắn, thoại và cả email. Tiềm năng sẽ rất lớn, theo anh Vũ, vì khi các hình thức thanh toán cho thương mại điện tử thông qua thiết bị di động phát triển, khách hàng có thể lập tức đặt hàng sau khi tiếp nhận thông điệp tiếp thị thông qua di động.

Tiếp cận như thế nào cho hiệu quả?
Là kênh tiếp thị khá mới lạ với chi phí triển khai không cao, thậm chí còn là rất rẻ nếu đem ra so sánh với các clip quảng cáo qua truyền hình, trong năm vừa qua – đặc biệt ở thời điểm cuối năm, báo chí đã phản ánh khá nhiều về tình trạng “loạn tin nhắn quảng cáo” nhắm tới các đối tượng thuê bao di động. Nếu thử tìm kiếm qua công cụ Google (www.google.com) với cụm từ khóa “quảng cáo qua tin nhắn”, bạn có thể dễ dàng “lôi ra” các mẩu quảng cáo dịch vụ gửi tin nhắn với “đơn giá” chỉ từ 400 – 700đ/SMS. Như vậy, chỉ cần đầu tư khoảng 5 triệu đồng, theo cam kết của nhà cung cấp dịch vụ, tin nhắn của bạn được gửi tới khoảng… 10.000 thuê bao! “Trong dịp Tết nguyên đán, có ngày mình nhận được không dưới 5 tin nhắn SMS với nội dung quảng cáo. Mình thường xóa ngay những message này và cũng không quan tâm tới nội dung”, Đức Lễ – sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại thương TP.HCM cho biết. Theo khuyến cáo của một chuyên gia quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông, nhiều doanh nghiệp kinh doanh và cung cấp dịch vụ đang lạm dụng tin nhắn ngắn (SMS). Nếu không có sự điều chỉnh hợp lý, chính sự “ăn sổi ở thì” này sẽ có tác động rất xấu tới tương lai của ngành quảng cáo di động còn đang trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển ở Việt Nam.
Tương tự như các kênh tiếp thị khác, người làm marketing di động cần đầu tư thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về đối tượng trước khi tiếp cận. Việc gửi thông điệp marketing tới 1.000 thuê bao mà bạn không biết rõ chưa chắc đã hiệu quả bằng tiếp cận danh sách chỉ 100 đối tượng đã qua sàng lọc về mức độ phù hợp. Tiếp cận khách hàng thông qua điện thoại là cách tiếp cận trực diện nên rất dễ phản tác dụng nếu bạn không tôn trọng, gây cảm giác khó chịu cho người nhận. Tương tự như gửi email, bạn nên tạo điều kiện để thuê bao di động chủ động nhận hoặc từ chối tiếp nhận thông điệp tiếp thị trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đã được đề cập trong Nghị định 90 của Chính phủ về chống thư rác được thông qua vào tháng 8/2008. 
Theo anh Hoàng Vũ, để đảm bảo thành công cho các chiến dịch quảng cáo qua di động sử dụng mạng 3G, cần đảm bảo điều hòa lợi ích giữa nhóm gồm 04 đối tượng: nhà cung cấp sản phẩm, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, nhà “mạng” và người tiêu dùng. Ví dụ AirCross – nhánh marketing của SK Telecom, chiếm khoảng 80% doanh thu quảng cáo di động của Hàn Quốc đã áp dụng cách tiếp cận rất thông minh: trừ hóa đơn điện thoại cho những khách hàng chủ động tiếp nhận thông điệp gửi tới điện thoại. Ngay từ năm 2005, AirCross thường xuyên đẩy nội dung quảng cáo đa phương tiện cho khoảng 1 triệu thuê bao, ký được hợp đồng với các “ông lớn” như Coca-Cola, Mercedes và BMW.
Bốn mạng di động trúng tuyển giấy phép 3G gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Liên doanh EVN Telecom và HT Mobile đã cam kết đầu tư gần 2 tỷ USD cho 3G trong 3 năm tới. Về vùng phủ sóng, doanh nghiệp cam kết thấp nhất là 46% dân số và doanh nghiệp cam kết cao nhất là 86% dân số. Các doanh nghiệp này cũng cam kết cung cấp dịch vụ 3G sớm nhất là một tháng sau khi được giấy phép (không tính thời gian 3 tháng chuẩn bị tài chính đặt cọc) và muộn nhất là sau 9 tháng.

Cánh cửa marketing 3G đang dần hé mở!

Theo Saga