Marketing Internet miễn phí: Kinh doanh truyền thống đang bị đe dọa

Internet miễn phí: Kinh doanh truyền thống đang bị đe dọa

12
Những sản phẩm, dịch vụ miễn phí đang tấn công vào cơ cấu doanh thu của các công ty hoạt động theo mô hình truyền thống và ít tận dụng công nghệ. 
Khi miễn phí đang đe dọa những mô hình kinh doanh truyền thống, câu hỏi đặt ra không phải là “làm gì để chống lại sự miễn phí”.
Chẳng biết tự bao giờ, những gì gắn liền với internet thường được gắn mác miễn phí. Song những sản phẩm, dịch vụ miễn phí trên internet đã và đang làm thay đổi nhiều thứ có tính phí trong nền kinh tế truyền thống.
Miễn phí đe dọa kinh doanh
Vào những năm 1980, đầu 1990, thống lĩnh thị trường bách khoa toàn thư là những bộ từ điển Britannica nổi tiếng của Hoàng gia Anh. Lúc đó Britannica nắm giữ thị phần lớn trong một thị trường trị giá 2,5 tỉ USD/năm. Do là bản in nên hầu như mỗi năm Britannica đều cho ra phiên bản mới, với khoảng 10-20% nội dung được chỉnh sửa. Điều vô lý là người dùng phải chi tiền mua lại bản mới với nội dung không khác mấy so với phiên bản cũ.
Nhận thấy sự bất hợp lý trên, Microsoft tung ra bộ từ điển Encarta vào năm 1993. Encarta là dạng bách khoa toàn thư số chứa trên CD. Đĩa CD đã cho phép giá của một bộ từ điển hạ xuống và việc phân phối cũng trở nên tiện lợi hơn. Đặc biệt, người mua khi đã mua 1 lần thì hằng năm chỉ bỏ thêm vài USD để mua phiên bản cập nhật của Encarta, chứ không phải chi tiền lại từ đầu như khi dùng Britannica. Lợi thế tuyệt đối giúp Encarta thống trị thị trường và khiến giá trị thị trường bách khoa toàn thư giảm xuống còn 600 triệu USD/năm do đơn giá trên một người dùng giảm từ vài trăm USD của một bộ Britannica xuống còn vài chục USD cho 1 đĩa CD Encarta.
Bên cạnh Google, một dạng từ điển tự tìm, Wikipedia, với sự đóng góp nội dung của hàng triệu người trên thế giới và hoàn toàn miễn phí đã càn quét sạch bách khoa toàn thư dạng in. Nội dung của Wikipedia có thể không chính thống bằng Britannica hay Encarta nhưng đa dạng và cập nhật liên tục, làm hai đối thủ cạnh tranh phải chào thua. Năm 2006, Microsoft chuyển quyền tiếp quản Encarta sang cho Websters Multimedia và rút lui khỏi thị trường bách khoa toàn thư. Wikipedia, không có tính chất thương mại và sống chật vật hàng năm bằng sự đóng góp khoảng 20 triệu USD của người dùng, đã càn quét thị trường trị giá 2,5 tỉ USD/năm và biến thị trường này thành một vùng đất phi thương mại.
Với sự phát triển của internet, ngày càng có nhiều sản phẩm, dịch vụ miễn phí. Điều đó đang tấn công vào cơ cấu doanh thu của các công ty, nhất là các công ty hoạt động theo mô hình truyền thống và ít tận dụng công nghệ. Doanh thu sụt giảm không phải do mất thị phần vào tay đối thủ, mà do thị trường sụt giảm bởi sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ thay thế.
Một ví dụ rõ ràng của tác động này tại Việt Nam là sự chững lại và thu hẹp của báo in, nhất là báo thể thao. Ngày xưa, nam giới nếu không thể thức khuya xem những trận cầu vào nửa đêm, đến sáng, họ phải ra phố mua ngay một tờ báo để cập nhật diễn biến trận đấu. Ngày nay, nếu lỡ ngủ quên hay không thể thức khuya được thì chỉ cần một cái nhấp chuột, các trang báo mạng đã tường thuật đầy đủ và có cả video clip những pha bóng đáng chú ý trong trận đấu, chỉ vài giờ sau trận đấu.

Kiếm tiền từ miễn phí
Các doanh nghiệp cần hiểu rõ chuyển biến này, để tận dụng xu thế này để sinh lợi đồng thời giảm thiểu thiệt hại, rủi ro trên cơ cấu doanh thu và mô hình kinh doanh. Đó là quan điểm của Chris Anderson, một nhà kinh tế học nghiên cứu về tác động của khoa học kỹ thuật vào mô hình kinh tế. Trong tác phẩm “Miễn phí – mức giá của tương lai”, ông đã nêu ra 4 mô hình của nền kinh tế dựa trên sự ảnh hưởng của miễn phí.

Mô hình 1: hỗ trợ chéo. 
Món hàng miễn phí là bất kỳ sản phẩm nào lôi kéo người mua trả tiền cho những sản phẩm khác và nguồn thu sẽ đến từ sản phẩm được bán sau đó. Đây là một mô hình khá kinh điển đã được Gillette áp dụng khi bán dao cạo râu rẻ, lưỡi dao đắt, HP bán máy in rẻ, mực in đắt, AT&T cho không hay bán rẻ iPhone với điều kiện khách hàng phải ký hợp đồng 2 năm.
Mô hình 2: miễn phí 3 bên. 
Trong mô hình này, món hàng miễn phí là nội dung, dịch vụ, phần mềm và nguồn thu của mô hình này là bên thứ ba: những công ty trả tiền để quảng cáo hay tận dụng giá trị của mối liên kết hai bên ban đầu. Điển hình của mô hình này là các báo mạng như Vnexpress, 24h, Dân Trí… Các báo này thu hút độc giả bằng việc cung cấp một loạt những nội dung hữu ích, nhanh chóng và miễn phí. Các công ty sản xuất như Nokia, Unilever quảng cáo trên đó.
Mô hình 3: miễn phí giá cao. 
Đây là mô hình dựa trên việc xây dựng một sản phẩm hữu ích và có rất nhiều người dùng, trong đó có 5% người dùng sẵn sàng chi tiền để có thêm một số lợi ích vượt trội. Gmail hay Yahoo! Mail kiếm tiền trên 5% người dùng sẵn sàng trả tiền để nâng cấp dung lượng hộp thư hay tránh các banner quảng cáo, bên cạnh 95% người dùng miễn phí.
Khi miễn phí đang đe dọa tất cả những mô hình kinh doanh truyền thống, câu hỏi đặt ra không phải là chúng ta có thể làm gì để chống lại sự miễn phí. Thay vào đó, câu hỏi thích hợp phải là chúng ta sẽ thích ứng ra sao hoặc chúng ta có thể cho miễn phí cái gì. Cụ thể hơn là chúng ta sẽ kiếm tiền từ việc cho miễn phí đó như thế nào.
Một trong những nhóm người biết thay đổi để thích ứng với xu thế miễn phí là các ca sĩ tại Việt Nam.
Nếu nguồn thu của nghệ sĩ, ca sĩ tại nước ngoài chủ yếu đến từ tiền bán nhạc (bán CD, bán bản quyền hay bán trên iTunes) thì nguồn thu của ca sĩ Việt Nam chủ yếu đến từ việc biểu diễn hằng đêm. Trên thực tế, bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn chưa được tôn trọng và một album vừa ra mắt sẽ có thể được tải thoải mái trên mạng chỉ sau vài giờ. Tất nhiên là miễn phí. Do vậy, việc kiếm tiền từ bán đĩa nhạc là không khả thi. Chấp nhận sự thật đó, các ca sĩ đồng ý cho miễn phí các album của mình trên các trang nghe nhạc như Zing Mp3, Nhaccuatui. Họ xem việc đó như một cách quảng bá cho những bài hát mới nhất của mình. Nếu một bài hát được ưa thích, họ sẽ kiếm tiền bằng cách biểu diễn trực tiếp bài đó. Và điều này sẽ đúng với Mô hình 2 – Mô hình kinh tế 3 bên. Nguồn thu nhập của ca sĩ không phải đến từ những trang web nghe nhạc (nơi lẽ ra phải trả tiền theo số lượt nghe hay số lượt tải). Thay vào đó, thu nhập sẽ đến khi người nghe bỏ tiền mua vé xem ca nhạc. Thu nhập cũng có thể đến từ việc khai thác hình ảnh ca sĩ. Chẳng hạn, một công ty thuê ca sĩ đó làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Theo Nhipcaudautu