Đào tạo Những điều khiến lãnh đạo “sa lầy” (phần 1)

Những điều khiến lãnh đạo “sa lầy” (phần 1)

1
Chẳng ai nói lãnh đạo người khác là dễ dàng cả. Nếu dễ thì ai cũng có thể làm lãnh đạo. Trách nhiệm này chỉ thuộc về những người sẵn sàng và có thể vượt qua những điều khiến họ sa lầy mà thôi.

1. Thiếu kỷ luật:

Nhân viên rất chú ý đến lời ăn tiếng nói cũng như hành vi của lãnh đạo. Từ sự quan sát cá nhân, nhân viên có thể xác định được những hành vi nào là thực sự quan trọng và có thể chấp nhận được trong tổ chức.

Liệu bàn làm việc của lãnh đạo có gọn gàng ngăn nắp không? Lãnh đạo có đi làm đúng giờ không? Tất cả đều không “lọt” qua mắt quan sát của nhân viên.

2. Phán đoán kém:

Một số nhà lãnh đạo mất khả năng dẫn dắt vì họ thường xuyên phán đoán nhầm. Họ hành động hoặc nói trước khi họ nghĩ. Họ quyết định trước khi quan tâm đến tình hình thực tế. Họ để tình cảm kiểm soát hành động.

Một trong những kỹ thuật quan trọng để ra quyết định là xem xét 3 câu hỏi sau: một là, điều này có tốt cho tổ chức, hai là điều này có tốt cho nhân viên không và ba là, điều này có tốt cho tương lai, khi mình là lãnh đạo hay không? Nếu bất kỳ câu trả lời nào là “không”, sẽ là khôn ngoan nếu nghiên cứu thêm trước khi tiến hành việc gì đó.

3. Thiếu nhạy cảm trước nhu cầu của người khác:

Bạn đã cảm thấy thế nào khi lần gần đây nhất một nhân viên xin nghỉ phép vì có việc riêng? Bạn có cảm thấy, mặc dù không nói ra, rằng hình như anh ta đang cố gắng lợi dụng sự dễ dãi của bạn?

Bạn có thầm nghi ngờ cách làm việc của anh ta? Bạn có tự hỏi, dù chỉ thoáng qua, về động cơ cá nhân của anh ta? Và quan trọng hơn, bạn đã phản ứng thế nào?

Bạn có trả lời là: “Tôi không thể hiểu vì sao anh lại xin nghỉ vào lúc này. Lẽ ra anh đang phải lập kế hoạch mới đúng chứ?” hoặc “Anh biết đấy, bây giờ đang là lúc bận rộn, và anh là người nắm rõ hơn ai hết về chương trình của chúng ta ở triển lãm sắp tới. Nhưng nếu anh cần phải nghỉ thì anh cứ nghỉ đi, rồi cho tôi biết khi nào thì anh định nghỉ việc hẳn đây”.

Nếu bạn nói như vậy thì chắc chắn bạn sẽ nhận được đơn xin thôi việc sau ngày anh ta nghỉ phép, hoặc có thể ngay lúc đó.

Thực ra, nếu sự quan tâm của bạn với nhân viên này khác đi, chẳng hạn, hỏi lí do và đề nghị giúp đỡ anh ta nếu có thể, hoặc đề nghị anh ta làm hết đợt bận rộn đó rồi hãy nghỉ, thì mọi chuyện đã khác đi.

4. Quá nghiêm khắc hoặc quá hiền lành:

Cái gì quá cũng không tốt. Quá nghiêm khắc hoặc quá hiền lành cũng vậy. Sự khôn ngoan nằm ở việc biết được thời điểm thích hợp để “nới lỏng” và “thít chặt”. Quá nghiêm khắc sẽ dễ khiến nhân viên thấy bạn là kẻ áp bức và chuyên quyền.

Còn quá hiền lành sẽ dễ trở thành nhu nhược. Vì thế, hãy xem nhân viên nhận xét như thế nào bất cứ khi nào có thể và sau đó điều chỉnh mình cho phù hợp.

5. Quá lạnh lùng, cách biệt hoặc ngạo mạn:

Điều này chỉ làm lãnh đạo xa nhân viên mà thôi. Chúng ta có thể mong đợi nhân viên, hoặc những người đi theo chúng ta phản ứng với việc lãnh đạo của chúng ta như thế nào nếu chúng ta không nỗ lực để họ biết rằng, chúng ta có mặt ở đó là vì họ?

6. Làm quá nhiều và lãnh đạo quá ít:

Thường thì tự mình làm bao giờ cũng cảm thấy dễ dàng hơn. Nhưng đó không phải là việc của lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo phải có khả năng thể hiện cho nhân viên của mình thấy rằng ông ta/bà ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giúp đỡ họ khi cần, và vẫn phải nhớ trong đầu trách nhiệm thực sự của mình là gì.

Hãy nhớ rằng, nhà lãnh đạo thành công không phải là người có khả năng làm gấp mười lần nhân viên, mà là người có thể làm cho mười nhân viên làm việc được với nhau.

7. Tạo ra ấn tượng về sự thiên vị.

Một sự thật là, ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận có lúc mình tỏ ra thiên vị. Nhân viên mà chúng ta mến hơn một chút so với những người khác có thể là người thường xuyên làm cho công việc của chúng ta trở nên dễ dàng.

Có một sự khác biệt lớn giữa việc quý mến một ai đó hơn và thể hiện sự thiên vị đó ra. Nhân viên mong chờ được đối xử công bằng và không thiên vị. Lãnh đạo phải rất cẩn thận để đáp ứng mong đợi này.

8. Phản bội niềm tin.

Rất khó để có được sự tin cậy của một ai đó. Còn khó hơn nếu muốn tạo được lòng tin một lần nữa một khi đã bị mất đi. Hãy là những người chính trực.

Đừng hứa nếu bạn không thể giữ lời. Duy trì sự tin cẩn. Và nếu bạn nói với ai đó bạn sẽ làm việc gì đó thì hãy làm. Đó là những nhiệm vụ cốt lõi để duy trì sự tin cẩn giữa lãnh đạo và nhân viên.

9. Giữ mối ác cảm, hận thù:

Một cuộc tranh luận gay gắt có thể tạo nên ác cảm cho lãnh đạo. Kéo dài mối ác cảm thường huỷ hoại việc lãnh đạo. Vì sao vậy?

Vì nhân viên sẽ luôn bị ám ảnh rằng những sai lầm và thiếu sót của mình sẽ không bao giờ được tha thứ thực sự và chắc chắn lãnh đạo sẽ chẳng bao giờ quên, thế nên họ sẽ làm việc thiếu hiệu quả.

10. Quản lý vi mô:

Những nhà lãnh đạo phải luôn nhớ rằng có hơn một cách để hoàn thành công việc. Quá trình thăm dò, dò hỏi, phân tích, chì trích không ngớt rồi đoán mò các quyết định và hành động của nhân viên có thể dẫn tới suy nghĩ của nhân viên là “Sao lãnh đạo không tự mình làm đi cho nhanh?”.

Theo LanhDao.Net