Marketing Những sai lầm chết người trong bán lẻ

Những sai lầm chết người trong bán lẻ

9
Trong một môi trường kinh doanh thay đổi và phát triển từng ngày như hiện nay, các sai lầm có thể “chết người”. Thậm chí cả trong điều kiện tốt nhất, các thống kê cho thấy có trên một nửa doanh nghiệp bán lẻ nhỏ phải rời thương trường sau không quá 2 năm hoạt động.
Hơn 20 năm kinh nghiệm điều hành thành công một vài cửa hàng bán lẻ có tiếng đã khiến Ronald L. Bond – một CEO, chủ doanh nghiệp nhỏ, nhà quản lý và nhà tư vấn kinh doanh – trở thành một chuyên gia thực thụ về bán lẻ, và quan trọng hơn nữa là về những sai lầm mà rất nhiều nhà bán lẻ mắc phải, khiến họ đối mặt với thất bại. 
Khi mà danh sách những sai lầm bán lẻ là rất dài, Ronald Bond đã đúc kết được 5 sai lầm lớn nhất và có tác động tiêu cực nhất lên hoạt động bán lẻ thông thường: 

1/ Thất bại trong những hoạch định hiệu quả và có mục đích 
Nhiều nhà bán lẻ mới thành lập lao vào kinh doanh với rất nhiều niềm tin và lạc quan nhưng lại rất ít sự hoạch định kỹ lưỡng. Để thành công, các nhà bán lẻ cần dành thời gian để chuẩn bị cho một bản kế hoạch kinh doanh và lường trước những nhu cầu tài chính của mình. 
Không gì giết chết một hoạt động bán lẻ nhanh hơn những thiếu sót về tài chính. Nội dung hoạch định nên bao gồm địa điểm, các yếu tố nhân khẩu học thị trường, và dòng sản phẩm bán lẻ. Trong cuốn sách Retail in Detail (Bán lẻ trong Chi tiết), Bond đã đưa ra nhiều công cụ hoạch định và chiến lược mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để đánh giá và tiếp cận các khách hàng nhanh chóng nhất. 

2/ Tập trung vào sản phẩm chứ không phải thị trường: 
Bond đã chứng kiến rất nhiều cửa hàng bán lẻ buôn bán trì trệ bởi vì chủ cửa hàng vẫn bướng bỉnh bám víu vào một sản phẩm hay một dòng sản phẩm nhất định, ngay cả khi thị trường đã phớt lờ chúng. 
Các nhà bán lẻ tồn tại là để kiếm lợi nhuận, chứ không phải bán một vật dụng cụ thể nào đó. Đừng kết hôn cả đời với các sản phẩm của mình. Song cũng có một cảnh báo khá thích hợp ở đây: Các nhà bán lẻ không nên tuỳ tiện quẳng đi một dòng sản phẩm nào đó chỉ vì những thua lỗ theo mùa hay mang tính cá biệt. 
Có rất nhiều cách để chỉnh sửa, bổ sung cho một dòng sản phẩm mà không phải vứt bỏ hoàn toàn đi. Ví dụ, một cửa hàng quà tặng chuyên cung cấp các sản phẩm trang trí nhà cửa có thể chỉnh sửa sản phẩm của mình với sự thay đổi trong phong cách trang trí.
Những nhà bán lẻ nhỏ không thể cạnh tranh với những đại gia lớn và internet về số lượng sản phẩm và mẫu mã có thể tập trung vào những sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hoá nhiều hơn. Các nhà bán lẻ có thể đưa ra nhiều dịch vụ cá nhân hơn và nhiều lựa chọn tuỳ biến sản phẩm theo yêu cầu đối với các mặt hàng như đèn bàn, thảm, nội thất. 

3/ Thất bại trong thay đổi thích ứng với thị trường 
Sai lầm này phần nào khá liên quan tới sai lầm số 2 ở trên, nhưng nó tập trung nhiều hơn vào phương thức bán hàng và truyền thông. 
Chỉ một vài năm trước đây, các bộ phim được thuê và trả về tại các cửa hàng video địa phương. Ngày nay, chúng hầu hết được thuê trực tuyến và/hay qua thư tín, hay tải về trực tiếp từ trên internet vào máy tính cá nhân. 
Internet đã thay đổi đáng kể nhiều hành động mua sắm của khách hàng, và các khách hàng đang yêu cầu nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ được tuỳ biến hoá hay chuyên biệt hoá. Do vậy, những thay đổi thích ứng với thị trường và nhu cầu của khách hàng là hết sức cần thiết. 

4/ Đánh giá thấp về các yêu cầu bán lẻ 
Bán lẻ không phải dành cho những người ẻo lả và yếu đuối. Các yêu cầu của việc vận hành thành công một cỗ máy bán lẻ là rất nhiều, không ngớt, và nói thẳng ra là tiêu tốn một khối lượng lớn thời gian.
Một vài nhà bán lẻ của tương lai nhìn nhận rằng họ có thể mở và điều hành một cửa hàng bán lẻ mà vẫn dư dả thời gian. Bán lẻ liên quan tới vòng quay không ngừng của việc mua, tiếp thị, trình diễn và bán mà có thể khiến những người vận hành nó trở nên mệt lử và cảm thấy hết sự khó nhọc vô cùng. 
Nó cũng đồng nghĩa với rất nhiều ngày dài hay đêm thâu trong cửa hàng để bán hàng hay trong văn phòng để đặt hàng và thanh toán hoá đơn. Vì vậy, nếu một ai đó chưa chuẩn bị để dành một phần lớn thời gian cuộc sống của mình cho cửa hàng, ít nhất là trong thời gian ban đầu, có lẽ tốt hơn cả với việc tham gia làm việc tại Wal-Mart. 

5/ Phớt lờ dịch vụ khách hàng
Đây có thể là sai lầm lớn nhất dẫn tới thất bại trong bán lẻ mà Bond quan sát được. Một vài nhà bán lẻ nghĩ rằng các khách hàng ở đó cho bản thân họ chứ không phải cho các khách hàng.
Bond cho biết có nhiều nhà bán lẻ thất bại bởi vì họ đóng quân ở những vị trị không mấy tiện lợi và vì họ không điều chỉnh giờ giấc kinh doanh thích hợp với nhu cầu của khách hàng. 
Nếu một cửa hàng bán lẻ hướng tới những nhân viên công sở, cửa hàng này sẽ không thể thành công nếu mở cửa vào 8h sáng và đóng cửa vào 5h chiều. Một cửa hàng mà Bond biết thường xuyên đóng cửa trong giờ hành chính và dường như chủ cửa hàng không biết rằng việc này đã gây khó chịu cho khách hàng như thế nào. Một nhà bán lẻ khác lại đặt cửa hàng của mình trong một toà nhà mà có sự thuận lợi cho bản thân họ (giá cả rẻ), đồng thời cho rằng khách hàng sẽ tìm kiếm thấy cửa hàng. Tất cả đều không thành công! 
Một khía cạnh khác trong sai lầm này còn là thất bại trong việc đối xử tốt với các khách hàng bằng tất cả sự lịch thiệp và tôn trọng. Bond cho biết ông rất hiếm khi hài lòng với cung cách phục vụ của các nhân viên bán lẻ. Đó là những vấn đề như không chào mừng khách hàng khi họ vào cửa hàng, không đưa ra những giúp đỡ hữu ích hay bỏ qua các chính sách chăm sóc khách hàng cơ bản. 
Tất cả đều không phải là một ngành khoa học vũ trụ. Các nhà bán lẻ hoàn toàn có thể đào tạo các nhân viên và bản thân mình về một phong cách phục vụ lịch thiệp và tôn trọng. 
Mặc dù việc tránh xa 5 sai lầm chết người ở trên sẽ không bảo đảm thành công trong bán lẻ, nhưng nếu tiếp tục bỏ qua chắc chắn các nhà bán lẻ sẽ tiến gần hơn tới bờ vực thất bại. Có rất nhiều rủi ro và cạm bẫy trong một thị trường thay đổi nhanh chóng ngày nay. Hoàn toàn ý nghĩa khi mà các nhà bán lẻ gia tăng cơ hội chạm vào thành công bằng nhận ra và tránh xa các sai lầm này.

Theo bwportal/Minh An dịch từ Entrepreneur