Đào tạo Học tập triết lý quản lý “Kaizen” (P1)

Học tập triết lý quản lý “Kaizen” (P1)

55
1. Đôi nét về Kaizen

Kaizen là triết lý kinh tế Nhật nổi tiếng đã được ứng dụng đặc biệt thành công trong cả doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tất cả các lĩnh vực ở phương Tây. Kaizen đã cung cấp một phương pháp mới đối với tất cả mọi người trong một tổ chức.

Đó là một triết lý và nền tảng để khuyến khích thúc đẩy các nhân viên trong một công ty liên tục đạt được hiệu quả và năng suất lao động cao hơn, và quan trọng hơn, để đạt được mục tiêu cao hơn về sự hài lòng, doanh thu và lợi nhuận.

Kaizen được ghép từ hai từ tiếng Nhật: Kai – “Thay đổi” và Zen – “Tốt hơn”, nghĩa là “Thay đổi để tốt hơn” hoặc “Cải tiến liên tục”.

Xuất phát tù suy nghĩ rằng “trục trặc” có thể nảy sinh liên tục ở bất kỳ thời điểm nào, bộ phận nào của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, người Nhật đề ra triết lý quản lý Kaizen với nội dung 5S (năm nguyên tắc bắt đầu bằng chữ S trong tiếng Nhật) để khắc phục các “trục trặc” này:

Seiri – Sàng lọc (Sort – tiếng Anh): Nhằm loại bỏ tất cả mọi thứ không cần thiết, không có giá trị ra khỏi công việc, nhà xưởng, tổ chức…

Seiton – Sắp xếp (Simply – tiếng Anh): Phân loại, hệ thống hoá để bất cứ thứ gì cũng có thể “dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra, dễ trả lại”.

Seiso – Sạch sẽ (Shine – tiếng Anh): Thực chất là lau chùi, quét dọn, vệ sinh, kiểm tra xem mọi thứ có được sắp xếp đúng nơi quy định.

(Ba nguyên tắc nêu trên thực chất chỉ là việc sàng lọc, sắp xếp phân loại khoa học hệ thống nhà xưởng, máy móc, công cụ sản xuất và tổng vệ sinh doanh nghiệp).

Hai nguyên tắc tiếp theo:

Seiketsu – Săn sóc (Standardize – tiếng Anh): Nhằm “Tiêu chuẩn hoá”, “quy trình hoá” những gì đã đạt dược với ba nguyên tắc nêu trên đề mọi thành viên của doanh nghiệp tuân theo một cách bài bản, hệ thống.

Shitsuke – Sẵn sàng (Sustain – tiếng Anh): Giáo dục, duy trì và cải tiến bốn nguyên tắc nêu trên trong bất kỳ mọi hoàn cảnh nào và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

2. Sự khác biệt giữa Kaizen và “Đổi mới”:

Trong khi phương Tây chú trọng “đổi mới” có tính tức thời, đột phá về công nghệ, kỹ thuật… với kết quả rõ ràng, người Nhật thường quan tâm đến “Cải tiến liên tục”, cải tiến hàng ngày với mục tiêu làm thế nào để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, dù chỉ một chút.

Hiệu quả của Kaizen vì thế rất tinh tế, nhỏ bé và không nhận thấy ngay, nhưng về lâu dài Kaizen giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và có sức cạnh tranh cao. Sự khác biệt giữa Kaizen và “Đối mới” được trình bày trong bảng dưới đây:

Sự khác biệt giữa Kaizen và đổi mới

TIÊU CHÍ

KAIZEN

ĐỔI MỚI

Tính hiệu quả

Dài hạn, không gây ấn tượng 
hàng ngày

Ngắn hạn, gây ấn tượng

Nhịp độ

Các bước nhỏ

Bước lớn

Khung thời gian

Liên tục, tăng dần

Cách quãng

Mức độ thay đổi

Dần dần

Đột ngột

Cách tiếp cận

Nỗ lực tập thể

Nỗ lực cá nhân

Phạm vi liên quan

Mọi người

Một vài người

Mục đích

Duy trì, cải tiến

Đột phá, xây dựng

Phương pháp

Truyền thống

Đột phá kỹ thuật

Đầu tư

Ít, dần dần

Lớn, tức thời

Định hướng

Con người

Công nghệ, kỹ thuật

Đánh giá

Quá trình, sự nỗ lực

Kết quả, lợi nhuận

Kết hợp Kaizen và đổi mới

Trong thực tế không có cái gì tồn tại vĩnh cửu. Tất cả các hệ thống đều đi đến sự xuống cấp sau khi chúng được thiết lập. Một trong các định luật nổi tiến nhất của Parkinson là “Một tổ chức khi đã hình thành được một cấu trúc thì cũng là lúc tổ chức đó bắt đầu xuống cấp”. Nói cách khác, để cải thiện hoặc thậm chí để duy trì hiện trạng thì tất yếu phải có những nỗ lực liên tục.

Khi không có sự nỗ lực cải tiến liên tục thì sự xuống cấp là không tránh khỏi. Do đó, thậm chí khi đổi mới tạo ra một chuẩn mực hoạt động mới tồn tại thì mức hoạt động mới cũng sẽ suy giảm nếu như chuẩn mực này không được bổ sung và cải tiến liên tục.

Do vậy, bất cứ khi nào đổi mới đạt được thì nó phải được tiếp nối với các hoạt động của Kaizen để duy trì và cải tiến nó.

Trong khi đổi mới là một sự đột phá mà ảnh hưởng của nó được tạo dựng dần dần nhờ sự cạnh tranh có chủ ý và sự phá huỷ các chuẩn mực, còn Kaizen là nỗ lực với các ảnh hưởng tích luỹ đánh dấu một tiến bộ vững chắc theo thời gian.

Nếu các chuẩn mực chỉ tồn tại để duy trì hiện trạng, chúng sẽ không bị ảnh hưởng chừng nào mức hoạt động đó có thể chấp nhận được. Kaizen, mặt khác có nghĩa là một nỗ lực thường xuyên không chỉ để duy trì mà còn nâng cấp các chuẩn mực.

Các nhà chiến lược Kaizen tin rằng các chuẩn mực về bản chất là dự định giống như các bậc đá với một chuẩn mực này dẫn tới chuẩn mực khác khi các nỗ lực cải tiến liên tục được thực hiện.

3.Đặc điểm của Kaizen

  • Là quá trình cải tiến liên tục nơi làm việc.
  • Tập trung nâng cao năng suất và thoả mãn yêu cầu khách hàng thông qua giảm lãng phí.
  • Triển khai dựa trên sự tham gia nhiệt tình của mọi thành viên với sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo.
  • Đặc biện nhấn mạnh hoạt động nhóm.
  • Thu thập và phân tích dữ liệu là công cụ hữu hiệu.

Lưu ý rằng Kaizen không phải là một công cụ, không phải là một kỹ thuật mà là triết lý quản lý. Kaizen không đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng yêu cầu sự cam kết và nỗ lực ở mọi cấp của doanh nghiệp (đặc biệt là cấp lãnh đạo).

Các yếu tố quyết định sự thành công của hoạt động Kaizen và 5S bao gồm: Cam kết của lãnh dạo cao nhất, vai trò của cán bộ quản lý các phòng ban, tổ, nhóm, sự nỗ lực tham gia của mọi người, việc triển khai cải tiến được thực hiện liên tục, hàng ngày.

Theo tinkinhte.com