Chiến lược CEO – Nhạc trưởng ngồi trên đống lửa (Kì đầu)

CEO – Nhạc trưởng ngồi trên đống lửa (Kì đầu)

17
Vinh quang và cay đắng của CEO trong cuộc sống và công việc là cả một quá trình cân bằng liên tục. Giống như những diễn viên xiếc đung đưa trên chiếc dây cao trong không trung, trước con mắt chăm chú dõi theo của hàng ngàn khán giả, họ nhắm thẳng đến mục tiêu của mình, nhưng đồng thời cũng ý thức rất rõ những nguy cơ tiềm ẩn. 
Business Wolrd Portal xin giới thiệu với bạn phần I trong loạt bài viết của hai tác giả Rob Gofffee và Gareth Jones trên tạp chí Leader to Leader về chủ đề này.
Đằng sau ánh hào quang của báo giới và công chúng dành cho các CEO tài năng, ít người biết rằng, bên cạnh những vấn đề về kiến thức, năng lực, nhà lãnh đạo còn phải nuôi dưỡng, dung hoà rất nhiều mối quan hệ phức tạp. Một CEO biết cách xây dựng những mối quan hệ, xử lý khéo léo chúng trong những hoàn cảnh khác nhau, sẽ thành công trên con đường dẫn dắt tổ chức của mình thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra. Chỉ cần bất kỳ một sai lầm hoặc sự chệch hướng trong mạng lưới quan hệ phức tạp này, tổn thất xảy đến với CEO và tổ chức của họ là rất to lớn.
Tỉ lệ sa thải, từ chức cao của hàng loạt các CEO trong những năm gần đây cho thấy cái giá phải trả của những nhà lãnh đạo. Kỹ năng cân bằng, đó là yêu cầu bắt buộc của một diễn viên xiếc đi trên dây. Còn với CEO, họ buộc phải cân bằng bản thân mình trong sáu vấn đề then chốt sau:
– Biết mình biết ta, thể hiện một cách chừng mực;

– Đối mặt với những rủi ro cá nhân;

– Nắm bắt hoàn cảnh;

– Gần gũi có khoảng cách;

– Tuân thủ nguyên tắc;

– Giao tiếp cẩn trọng.

Biết mình biết ta, thể hiện một cách chừng mực
CEO cần phải có cá tính mạnh. Bạn sẽ khó có thể truyền cảm hứng, khích lệ, động viên cấp dưới trừ khi bạn chứng tỏ được bản thân, bạn đại diện cho ai và cho điều gì, bạn có thể hoặc không thể làm được gì.
Thử bàn đến tài năng lãnh đạo của ông Martin Sorrel, CEO của WPP, công ty dịch vụ truyền thông lớn nhất thế giới hiện nay. Sorrel nắm trong tay những công ty với những nhân viên toàn là các “nhân tài”. Mà ai cũng biết rằng, để quản lý, lãnh đạo được những bộ óc thông minh và sáng tạo này không phải là điều dễ dàng. Thế mà WPP lại gặt hái được rất nhiều thành công.
Trong hai mươi năm làm việc tại WPP, Sorrel như một ngọn đuốc cháy hết mình, tràn trề sinh lực. Mọi người trong công ty nói về ông như một người quyết đoán, thẳng thắn và thông minh; biết sử dụng cá tính đa dạng của cá nhân để điều hành những nhân tài; là người đã đem lại vị trí số một và sức mạnh ghê gớm của WPP ngày nay. Nếu bạn hỏi những nhân viên, đồng nghiệp xung quanh Correl, bức tranh của CEO này sẽ dần dần rõ ràng.
Trước hết, người ta sẽ nói cho bạn nghe về thói quen trả lời e-mail rất nhanh, mọi lúc mọi nơi của ông. 15.000 nhân viên, đồng nghiệp của ông trong WPP luôn tìm được con đường tiếp cận vị giám đốc rất dễ dàng. Correl có thể đang ở Mỹ một tuần, nhưng không vì thế mà công việc của ông tại Anh bị bỏ dở. Thông điệp của vị giám đốc rất rõ ràng: “Tôi luôn sẵng sàng! Với tôi, các bạn luôn là người quan trọng”. Vấn đề tôn ti, trật tự, ai “tầm cỡ” hơn ai, đối với Correl không là vấn đề. Correl nhận thức rõ: “Không có gì làm người khác thất vọng, chán nản hơn việc e-mail không được trả lời”.
Correl thừa nhận: “Mọi người nói về tôi như một viên kế toán nhàm chán, làm việc quá mê mải, một nhà lãnh đạo “tinh vi” trong từng vấn đề nhỏ”. Nhưng ông lại xem đó là những lời khen ngợi về mình hơn là phàn nàn, bởi vì “say mê công việc là điều rất quan trọng và ai cũng cần phải nhận thức được đầy đủ về công việc mình làm”. Nếu bạn được mời đến thăm WPP, bạn nên chuẩn bị tinh thần để trả lời cho những câu hỏi cặn kẽ về cách nhìn nhận của bạn với công ty này.
Người ta cũng sẽ nói cho bạn nghe về “lòng tham” của vị giám đốc. Ông không bao giờ hài lòng với vị thế hiện tại của công ty. Đương nhiên, Correl biết cách bày tỏ lòng tự hào chính đáng về những gì mà WPP đang có, nhưng ông cũng không quên nhắc nhở mọi người, “con đường phía trước còn dài… dễ sợ”. Trong tâm trí của CEO này luôn nhận thức rõ phần thưởng vinh quang, và cái giá của công việc lãnh đạo.
Có thể nói, ba tính cách quý báu của nhà lãnh đạo này: tính dễ gần, làm việc tỉ mỉ và không mệt mỏi, được xem là tấm lá chắn vững chắc cho ba vấn đề có thể tấn công hoạt động của WPP: sự phân biệt vị trí cao thấp, tính tự mãn và tình trạng không thể kiểm soát các sáng tạo, ý tưởng của những nhân tài trong tổ chức mình. Tinh thần biết mình biết ta, cách thể hiện “cái tôi” CEO trong môi trường chỉ toàn những nhân tài là vậy!

Đối mặt với những rủi ro cá nhân
Xung quanh nhà lãnh đạo luôn tiềm ẩn những rủi ro có thể xảy đến với cá nhân họ. Môi trường xung quanh nhà lãnh đạo không phải bao giờ cũng mang yêu tố “thực”, đủ tin cậy, bởi vậy CEO phải biết cách “ép mình”, thích nghi trong mọi hoàn cảnh như những con tắc kè hoa liên tục chuyển màu da trong từng môi trường sống của nó. Đó cũng chính là cái giá rất lớn mà nhà lãnh đạo phải trả cho những thành công trong sự nghiệp của họ.
Charles de Gaulle, khi nhìn những người ham muốn được nắm quyền lãnh đạo trong tay, chua xót nói: “Cái giá đắt mà họ sẽ phải trả cho quyền lực chính là việc phải liên tục kiềm chế cảm xúc, luôn phải đối mặt với đầy rẫy những nguy hiểm cá nhân, sự giằng xé nội tâm… tất cả đều ẩn chứa đằng sau tấm áo bào vinh quang của nhà lãnh đạo”.
CEO cần phải tuân thủ những mục tiêu, tôn chỉ trong tổ chức của mình, bởi vậy những nhà lãnh đạo thành đạt đều biết cách thể hiện con người của họ rất đúng mực: họ quan tâm đến điều gì, tại sao lại phải quan tâm đến vấn đề đó, họ phải luôn tin tưởng vào tổ chức của mình để thực hiện thành công những mục tiêu đã đặt ra. Chỉ có niềm tin, tính độc lập mới giúp cho những nhà lãnh đạo kiểm soát, điều chỉnh được bản thân mình và hạn chế những rủi ro cá nhân.
Việc nhà lãnh đạo thể hiện điểm yếu như thế nào cũng không phải là chuyện đơn giản. Họ phải nhận thức được điểm yếu để tiết chế và điều chỉnh hành vi lãnh đạo của mình. Nếu CEO thể hiện không đúng lúc, đúng cách các điểm yếu, họ sẽ trở thành tiêu điểm tấn công của một số phần tử khác.

Theo Bwportal/Hoà Khánh (Dịch từ Leader to Leader)