Kiến thức quản trị Tình báo kinh tế – Doanh nghiệp lo “sốt vó”

Tình báo kinh tế – Doanh nghiệp lo “sốt vó”

56
Không biết cụm từ “tình báo kinh tế” xuất hiện từ bao giờ, nhưng nó đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà lãnh đạo công ty, tập đoàn lớn trên thế giới hiện nay. Các ông chủ của Microsoft, Intel, IBM hầu như không đêm nào có thể “kê cao gối ngủ” khi họ luôn canh cánh bên lòng mối lo ngại về sự rò rỉ thông tin, bí quyết công nghệ mới của công ty mình. Nhưng chính họ cũng không phủ nhận việc đầu tư hàng tỷ USD để dò xét và khai thác thông tin của các đối thủ cạnh tranh khác.

Vấn đề tình báo kinh tế

Theo thống kê gần đây nhất thì trong vòng bốn năm từ 2002- 2005, chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm các tập đoàn kinh tế lớn phải chịu tổn thất khoảng 40 tỷ USD do các hoạt động gián điệp gây ra. Một bức tranh mới về hoạt động tình báo kinh tế đang dần hiện lên rõ nét: để mắt đến tất cả mọi chi tiết quan trọng và không quan trọng, thậm chí bới tung cả thùng rác để nghiền ngẫm những mớ giấy lộn tưởng như vô dụng, hoặc có thể dùng đến cả “mỹ nhân kế”. Có lẽ nếu James Bond, điệp viên với mã hiệu 007, có thật sự tồn tại thì chắc hẳn sẽ cảm thấy “tủi thân” bởi tính chất tinh vi và tân tiến của những hoạt động theo dõi, điều tra đối thủ cạnh tranh đang được các công ty áp dụng hiện nay.

Từ một loạt các vụ việc nổi cộm tại Mỹ…

Chủ tịch tập đoàn Oracle từng làm cả thế giới giật mình khi tuyên bố ông đã thuê một nhóm thám tử theo dõi và tìm hiểu tập đoàn Microsoft. Do tai tiếng của nó không thua kém vụ Watergate nên mọi người đặt cho nó cái tên là Garbagegate (“Vụ án rác” nhằm ám chỉ hành vi lục tìm từng thùng rác tại Microsoft). Khi Garbagegate còn chưa nguôi ngoai thì toà án Mỹ lại buộc tội Broadcom có hành vi đánh cắp bí mật kinh doanh từ đối thủ cạnh tranh thông qua màn kịch phỏng vấn tuyển nhân sự. Vụ việc khiến Sillicon Valley cảm thấy e ngại tuyển dụng nhân viên mới. Hay vụ việc hãng phần mềm máy tính Avant đánh cắp một số thông tin mật từ hãng Cadence Design khi tuyển dụng Mitrsuru Igusa, nguyên là người của Cadance.

Viện thống kê Mỹ đã tính toán được là cứ 1000 công ty lại xảy ra 2,5 vụ án tính báo kinh tế và giá trị thiệt hại mỗi vụ lên đến nửa triệu USD. Con số này trên thực tế có thể lớn hơn nhiều, nhưng nhiều vụ đã bị cố ý ém nhẹm hoặc không được phát hiện ra. “Người bị hại” chủ yếu là các công ty trong lĩnh vực kỹ thuật cao. Viện thống kê Mỹ ước tính trung bình một công ty công nghệ thông tin sẽ bị 67 vụ theo dõi với thiệt hại hơn 10 triệu USD mỗi vụ.

… đến sự phát tán trên toàn cầu

Vào giữa năm 2005, mọi người chợt hiểu ra… tác hại của máy vi tính. Ngày nay không một công ty nào không sử dụng máy tính cho những hoạt động thường nhật của mình. Nhưng sự tiện lợi này có thể sẽ là “con dao hai lưỡi” khi có thông tin cho thấy thông qua các virus máy tính mà toàn bộ dữ liệu, hoạt động kinh doanh của công ty sẽ bị theo dõi và đánh cắp ở một nơi nào đó xa hàng ngàn cây số. Cảnh sát đã triệt phá ra một nhóm phá hoại chuyên sử dụng các virus tấn công vào hệ thống máy tính của các công ty lớn tại quốc gia này. Một loạt các virus đã được cài vào hệ điều hành trong máy tính rồi từ đó gửi đi những thông tin mật về hoạt động của công ty tới chủ nhân của nó.

Thủ phạm tạo ra loại virus Trojan này, theo điều tra ban đầu, là một công dân đang sống ở London, Anh. Anh này đã chế tạo ra virus rồi bán chúng cho những công ty cần đến. Cảnh sát ước tính có đến hàng trăm công ty tại và trên thế giới đã sử dụng loại virus này để theo dõi các đối thủ cạnh tranh của họ. Nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, truyền hình, sản xuất xe hơi đã nằm trong “danh sách đen” của cảnh sát. Tính đến nay đã có khoảng 20 người bị bắt, bao gồm nhiều giám đốc công ty, thám tử tư và cựu nhân viên an ninh . Cuộc điều tra sẽ còn được mở rộng và Interpol cũng đã được cảnh sát yêu cầu vào cuộc. Quả thật, trong bối cảnh cạnh tranh trên thương trường ngày một khốc liệt thì bất cứ biện pháp nào có thể vượt qua đối thủ cạnh tranh đều được áp dụng.

Một tập đoàn hoá chất của Nhật Bản từng nghiên cứu thành công loại thuốc nổ dùng trong công trình xây dựng, đã tiến hành thử nghiệm tại một công trường ven biển và có nhiều đơn đặt hàng để mua sản phẩm đó. Trong lúc việc kinh doanh của tập đoàn này đang phát đạt thì một phân xưởng của Anh đặt tại Hàn Quốc tung ra thị trường một loại sản phẩm tương tự. Phía Nhật qua nhiều lần điều tra mới biết rằng đó là một công ty thuộc tập đoàn hoá học Acoster, Anh. Acoster đã gài một loạt các nhân viên vào tập đoàn của Nhật để tìm hiểu công thức chế tạo sản phẩm mới.

Và cả tuyệt chiêu “ve sầu lột xác”

Các cửa hàng của tập đoàn Branche, Anh- nổi tiếng về mặt hàng dệt kim và sản phẩm của họ bán rất chạy ở hầu hết các thị trường mà nó có mặt trong những năm 1990- nằm bên cạnh một dãy phố náo nhiệt. Cứ mỗi buổi trưa, nhân viên lại kéo nhau đến một quán đối diện để ăn trưa. Mặc dù giá cả ở đây khá đắt nhưng hôm nào cũng đông khách, bởi lẽ đó là quán ăn duy nhất ở phố này. Ít lâu sau, một quán ăn mới được khai trương gần đó với tất cả nhân viên phục vụ đều là người Nhật. Quán ăn mở ra đã thu hút sự chú ý đặc biệt của mọi người: Giá cả không những rẻ hơn quán ăn của người Anh mà hương vị lại thơm ngon hấp dẫn, thái độ phục vụ hết sức niềm nở, chu đáo. Lâu dần, quan hệ giữa chủ quán và thực khách trở nên mật thiết.

Một thời gian sau, quán Nhật này bỗng nhiên sa sút rồi đóng cửa với lý do giá bán quá thấp còn giá thành quá cao dẫn đến thua lỗ. Ông chủ và những người hầu bàn của quán ăn Nhật đã tung tin là “không có tiền về nước” và thông qua những thực khách thường xuyên lưu tới, một số kỹ sư và nhân viên cao cấp của Branche nhờ họ nói giúp để xin việc làm ở trong hãng nhằm kiếm chút tiền về nước.

Do thường ngày, số nhân viên cao cấp đó luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người hầu bàn Nhật Bản, nên họ đã tỏ ra hết sức thông cảm và không ngại tiến cử họ với chủ hãng dệt. Lúc đầu, Branche tỏ ra khá thận trọng, nhưng sau nhiều lần nhận được sự cam kết đảm bảo của số nhân viên cao cấp kia, ban giám đốc đã nhận lời nhưng với một điều kiện: Tất cả những người Nhật làm việc trong nhà máy đều không được phép vào phân xưởng sản xuất mà chỉ được làm lao động phổ thông như vận chuyển đường ống, bao bì, guồng sợi…mọi nguyên vật liệu vừa đưa đến cửa phân xưởng là đã có người Anh tiếp quản.

Sau một thời gian giám sát chặt chẽ, các nhân viên quản lý thấy những người Nhật đó làm việc hết mình, không thể hiện điều gì khả nghi, thêm vào đó là “tình cảm thân thiết” hàng ngày nên họ dần dần mất đi sự cảnh giác cần thiết. Và rồi, số người Nhật không những được tự do ra vào các phân xưởng, có người còn được bố trí vào làm trong các bộ phận kỹ thuật.

Chỉ có điều là tất cả nhân viên của Branche không ai có thể ngờ rằng toàn bộ số nhân viên trong quán ăn Nhật Bản nói trên đều là những chuyên gia dệt hàng đầu của đất nước mặt trời mọc. Họ vừa lặng lẽ làm việc, vừa ghi nhớ những sáng chế thiết bị kiểu mới cũng như cấu tạo và tác dụng của máy dệt tiên tiến do người Anh làm ra.

Mấy năm sau, họ từ biệt Branche lên đường về Nhật. Sau khi về nước, các nhân viên này đã có thể thiết kế được một dàn máy dệt thế hệ mới, giúp sản phẩm dệt của nhiều công ty Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc, cạnh tranh mạnh mẽ với Branche.

Người ta tìm gì ở các nạn nhân?

Đầu tiên là danh sách khách hàng, vốn được coi như báu vật của các công ty, bởi vì nếu một công ty biết được tường tận về khách hàng của đối thủ cạnh tranh, thì coi như họ đã nắm phần thắng trong cuộc cạnh tranh. Tiếp theo là các dữ liệu tài chính, các dự án kinh doanh, chiến lược phát triển, kế hoạch M&A, thông tin mới… đều là những yếu tố được xem là “thỏi nam châm” cực mạnh “hút” các hoạt động tình báo công nghiệp ngày nay.

Hoạt động tình báo chính là một cuộc chiến âm thầm nhằm chiếm đoạt các bí quyết của nhau, có thể là các phát minh, sáng chế, các chi tiết máy móc, kế hoạch hợp nhất của các công ty khác, các công thức pha chế mỹ phẩm, dược phẩm, thậm chí cả những chuyện nhỏ như ăn cắp công thức pha cà phê…

Và người ta theo dõi nhau như thế nào?

Hiện nay, người ta không còn chú ý đến chiếc micro tý hon treo ở cà vạt hoặc gài vào tóc. Những máy phát được cài trong những con ruồi máy sẽ phát huy tác dụng lớn mà ít gây sự chú ý của những người đang họp trong các phòng kín. Còn các dụng cụ nghe lén được nguỵ trang trong nhiều đồ vật khác nhau cũng được sử dụng rất phổ biến. Chỉ tính riêng tập đoàn Merilen, Mỹ hàng năm đã sản xuất trên 300 loại sản phẩm nghe, nhìn trộm.

Người ta có thể dùng ống kính tele chụp được bất kỳ bản tài liệu viết tay hay đánh máy tính nào đó ở cách xa 100m. Các khẩu súng bắn đạn ghi âm có thể thu được tiếng động nhỏ ở khoảng cách rất xa. Hãng Poske, Đức, chuyên sản xuất và bán ra thị trường những ống nghe cực thính, tất nhiên không phải để dùng trong y học, mà để nghe trộm các cuộc nói chuyện xuyên qua tường cách đấy một phòng. Việc sử dụng các thiết bị vi điện tử trong gián điệp kinh tế ở thế kỷ 21 càng trở nên tinh vi. Trong thế kỷ 20 sự phá sản của hãng “Nagoia –Vinner” ở Nhật được mô tả như câu chuyện trinh thám thực sự. Khi đó, những người lãnh đạo Nagoia- Vinner giữ kín tình trạng tài chính của hãng và tiếp tục vay nợ ngân hàng. Các ngân hàng nghi ngờ và đã nhờ đến dịch vụ theo dõi. Ban đầu họ không tìm ra đầu mối gì, nhưng khi viên kế toán trưởng của hãng bỗng nhiên bị đau răng, bác sĩ nha khoa đã đặt vào chiếc răng giả của anh ta một máy phát tí hon có thể truyền đi tất cả các cuộc nói chuyện mà anh ta tham dự. Khi đã có đầy đủ bằng chứng, ngân hàng ngừng cho vay và hãng lập tức bị phá sản.

Có thể nói, vì mục đích vượt qua các đối thủ cạnh tranh và thu lợi nhuận lớn mà rất nhiều công ty không ngại sử dụng bất cứ sách lược gì kể cả gián điệp thông tin. Chính vì thế, ngày nay, vấn đề bảo mật thông tin đối với các công ty cần được đặt lên hàng đầu. Nếu không, rất có thể một ngày nào đó, những bí quyết kinh doanh, thông tin nhạy cảm của công ty bạn sẽ lại chính là thứ vũ khí lợi hại bị đối thủ cạnh tranh sử dụng để chống lại bạn.

Theo Bwportal