Chiến lược Đầu tư vào công nghệ : Liệu có mạo hiểm

Đầu tư vào công nghệ : Liệu có mạo hiểm

4
Thị trường công nghệ thông tin luôn có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nhân đã rất thành công khi đầu tư vào thị trường này. Tuy nhiên, không phải không có những rủi ro, đôi khi còn là rất lớn. Đầu tư vào lĩnh vực công nghệ có thể giúp nhà đầu tư có được những khoản lợi nhuận hàng tỷ USD trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng rất có thể họ sẽ “trắng tay” chỉ qua vài ngày.

Sự ra đời của Internet với tên gọi là “ngành truyền thông mới” được đánh giá là dấu mốc lịch sử của truyền thông thế kỷ 21. Những tưởng ngành truyền thông này sẽ mang lại thành công mỹ mãn sau hàng tỷ USD mà các công ty truyền thông trên thế giới đầu tư từ nhiều năm qua, thế nhưng đầu tư vào Internet dường như đang trở thành nỗi ám ảnh khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu thất bại.

Nhớ có thời gian, giá cổ phiếu Internet ở Mỹ tăng vùn vụt. Hầu hết các mạng lưới truyền thanh và truyền hình Mỹ đổ xô đầu tư vào quảng cáo và hoạt động kinh doanh trên Internet, trong đó có công ty truyền thông khổng lồ NBC. Thế nhưng chỉ sau đó thời gian ngắn, giá cổ phiếu Internet ở Mỹ đã rớt xuống còn khoảng 89% giá trị. NBC đã phải loan báo kế hoạch sa thải 1/5 đội ngũ nhân viên của mình. Mới qua chưa đầy một năm làm ăn qua Internet, NBC đã thất thu 152 triệu USD doanh thu, riêng quý II năm 2002 đã mất đến 31 triệu USD. Đó là chưa kể lợi nhuận thu về từ quảng cáo cũng giảm đi đáng kể.

Công ty AOL – một công ty Internet lớn hàng đầu thế giới – trong năm qua cũng đã lâm vào cảnh tương tự. Hồi đầu năm ngoái, công ty này đã tạo nên một sự kiện chấn động khi dốc hầu bao nhiều tỷ USD để mua lại tập đoàn giải trí đứng đầu thế giới Time Warner. Người ta thừa biết rằng đây là chiến lược thúc đẩy chéo các sản phẩm của hai công ty khi chúng trở thành một. Một bên chuyên về Internet, một bên là “trùm” về ngành giải trí. Thế nhưng cuối cùng rồi Ted Leonsis, Chủ tịch AOL cũng phải chua xót tuyên bố: ” Ngành giải trí kỹ thuật số đã thất bại!”. Vì sao vậy ?

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thất bại liên quan đến việc chuyển tải thông tin trên Internet. Đối với những chương trình giải trí như âm nhạc thì chuyển tải thông tin tới tay khách hàng theo cách của Internet tỏ ra rất hiệu quả. Nhưng với video -một lĩnh vực chiếm “phần ăn chia” lớn nhất trong đầu ra của ngành công nghiệp giải trí – thì không được như vậy. Phần lớn là vì video không vận hành theo kiểu truy cập Internet bằng những đường truyền có tốc độ thấp (qua điện thoại). Còn việc triển khai đường truyền có tốc độ cao, băng thông rộng xem ra chậm chạp hơn mong đợi. Một phần là bởi vì các công ty cáp đã chểnh mảng trong chiến lược nâng cấp mạng lưới, cơ sở hạ tầng của họ.

Đó là với video. Còn việc bán sách trên Internet cũng lại là một vấn đề đáng nói khác. Hồi tháng 3 năm ngoái, lần đầu tiên quyển tiểu thuyết kinh dị của nhà văn nổi tiếng người Mỹ Stephen King đã được xuất bản trên Internet. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ khi xuất hiện, đã có 400.000 lượt người truy cập để “xem” tác phẩm mới. Nhưng sau đó, mọi việc đâu lại vào đấy. Bởi lẽ người ta truy cập chỉ để thỏa tính tò mò chứ không hề muốn đọc sách. Khách hàng có thể thích những ý tưởng đọc sách miễn phí trên Internet, nhưng không ai thích đọc sách trên màn hình máy vi tính, và càng không muốn in hàng trăm trang sách và mang chúng đi khắp nơi.

Còn đối với quảng cáo – một nguồn thu khổng lồ khác của ngành công nghiệp truyền thông- cũng đang không mấy khởi sắc. Toàn bộ các chương trình quảng cáo đã từng phát triển với tốc độ chóng mặt, nay cũng đang giậm chân tại chỗ, thậm chí còn thụt lùi. Ông Brian McCarter, Giám đốc ngành truyền thông mới của Tập đoàn Zenith Media cho biết, tỷ lệ khách hàng truy cập vào các trang quảng cáo từ 1% cách đây 3 năm trong năm qua đã xuống còn 0,4%. Tương ứng như vậy, tỷ lệ quảng cáo cũng đã giảm đi rất nhiều.

Giống như quảng cáo, một số trang giải trí cũng đã không gặt hái được thành công. Mạng lưới giải trí kỹ thuật số của Mỹ (Digital Entertainment Network) đã phải chi 60 triệu USD để tìm cách tách ngành giải trí đầu tư trên Internet ra khỏi công việc kinh doanh, và đã phải nộp đơn xin phá sản hồi tháng 6/2000. Ngay cả Tập đoàn giải trí Disney xuất hiện từ lâu trên trang web ESPN.com cũng bị lỗ đến 250 triệu USD…

Cuối cùng và cũng là vấn đề đáng lưu tâm nhất là những khó khăn liên quan đến tiền bạc. Hiệu quả kinh doanh lại liên quan chặt chẽ đến vấn đề làm thế nào để khách hàng trả tiền khi muốn xem nội dung thông tin trên Internet. Những người chịu trách nhiệm cho việc xuất bản trên mạng của một số tờ báo, chẳng hạn như tờ New York Times hay những trang nội dung chuyên môn khác như trang The Street.com đã từng tính chuyện đòi kinh phí mua báo dài hạn, nhưng đã phải từ bỏ kiểu làm này. Họ nhận ra rằng có quá nhiều dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh và cuối cùng đành phải sẵn sàng miễn phí cho khách hàng.

Tất cả những khó khăn trên đã để lại cho các công ty truyền thông Mỹ hai sự lựa chọn không dễ dàng chút nào. Hoặc là họ có thể rút lại khoản đầu tư của mình. Hoặc các công ty này tiếp tục rót hàng tỷ USD vào công cuộc làm ăn được xem là phiêu lưu mạo hiểm nhất.

Theo bwportal