Đào tạo Để vượt qua khủng hoảng: Cần thêm nhiều nữ quản lý?

Để vượt qua khủng hoảng: Cần thêm nhiều nữ quản lý?

11
Lâu nay, người ta vẫn biết rằng những nhà quản lý thuộc phái nam thường chú trọng vào những kết quả ngắn hạn và nhanh chóng, trong khi những nhà quản lý nữ thường quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh xã hội và tính nguyên tắc lâu dài trong cách quản lý.

Một nghiên cứu của Carol Gilligan đã chỉ ra rằng phụ nữ có quan điểm về tính công bằng, lẽ phải khác hẳn với đàn ông. Họ tin vào sự kết nối và quan tâm, trong khi đàn ông tin vào chân lý trừu tượng.

Một nghiên cứu khác gần đây của Trường Đại học Chicago cho thấy những sự khác biệt của hai phái trong đầu tư tài chính ít rủi ro có nguồn gốc sinh học và tác động đến các hành vi kinh tế. Dường như sự thống trị của phái mạnh trên thị trường tài chính với cách đầu tư ưa mạo hiểm, thích rủi ro đã khiến chúng ta phải trả giá bằng sự ổn định của thị trường toàn cầu.

Từ trước đến nay, phụ nữ vẫn thường bị đánh giá bằng những quan niệm không khách quan khi ở các vị trí quản lý. Một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu năm 2010 cho thấy không một nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương nào ở Liên minh châu Âu là phụ nữ và 82% những vị trí có quyền quyết định quan trọng thuộc về đàn ông.

Trong số các công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán châu Âu, chỉ có 11% thành viên hội đồng quản trị là phái nữ. (Ngoại lệ duy nhất là ở Nauy, nơi có 42% thành viên hội đồng quản trị là nữ, chủ yếu là do một quy định bắt buộc về chỉ tiêu bình đẳng giới ban hành năm 2006).

Và trong danh sách 50 người phụ nữ quyền lực nhất trong thế giới kinh doanh năm 2010 và 2011 của Financial Times, có không đến 20% số người làm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính).

Có một số ngoại lệ ít ỏi nổi bật, bao gồm bà Anna Botin ở Banco Santander, bà Christine Lagarde, người nắm giữ vị trí Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), và bà Ngô Nghi, cựu phó thủ tướng nổi tiếng của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thật hiển nhiên không thể chối cãi là tài chính toàn cầu đang được thống trị chủ yếu bởi phái nam và đang cực kỳ yếu kém.

Theo Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty, các công ty có điểm quản trị công ty cao hơn có gần 20% số thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) là nữ. Trong khi đó, các công ty có điểm quản trị công ty thấp nhất chỉ có 12% số thành viên HĐQT là nữ. Mặc dù nguyên chính chưa rõ ràng nhưng chắc chắn các HĐQT có chất lượng cao quản trị cần có những thành phần đa dạng hơn.

Theo Hội đồng Báo cáo Tài chính (FRC) ở Anh, các HĐQT không có hoặc có rất hạn chế thành viên nữ có thể bị yếu về khả năng kết nối, hoặc hiểu biết khách hàng và lực lượng lao động của mình, đồng thời ít khuyến khích tinh thần của lao động nữ. Tỷ lệ phụ nữ thấp trong các HĐQT có thể chứng minh sự thất bại trong việc vận dụng tài năng.

Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi từ bên trong “câu lạc bộ các cậu bé nhiều tuổi” này và chọn thêm nhiều phụ nữ tham gia vào hoạt động quản trị. Điều này có thể tạo ra một sự hạ cánh an toàn.

Chính vì vậy, sự tái cân bằng trong quản lý là hết sức cần thiết.

Trước tiên, thế giới hàn lâm cần tập trung hơn nữa vào các khía cạnh tổ chức và cơ cấu của các thị trường tài chính, thay vì chỉ tập trung vào dạy các kiến thức tài chính máy móc dựa trên các công cụ kỹ thuật lỗi thời.

Điều này đòi hỏi các yếu tố như tính chấp hành, tính nguyên tắc, phân tích khủng hoảng tài chính, thông tin tình báo kinh tế, tâm lý học và đạo đức sẽ được đặt lên hàng đầu.

Thứ hai, một sự tái cân bằng về giới trong kinh doanh có thể mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc quản lý rủi ro và tăng tính ổn định.

Sức chịu đựng của thị trường tài chính sẽ được cải thiện. Cùng với đó, môi trường làm việc trong các văn phòng thân thiện hơn có thể giúp tăng hiệu quả làm việc của từng cá nhân.

Tại Việt Nam, nhìn chung sự tham gia của nữ vào HĐQT trong các công ty còn thấp. Trong xã hội VN, phụ nữ vẫn thường bị đánh giá thấp trong vai trò nhà quản lý, và thường chịu nhiều thua thiệt so với nam giới ở cùng vị trí tương đương. Tuy nhiên, có nhiều nữ doanh nhân Việt Nam đã thành công và ghi được dấu ấn lớn trên thương trường.

Mới đây, bà Mai Kiều Liên, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Vinamilk, đã được tạp chí Forbes bầu vào vị trí thứ 25 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Forbes mô tả bà Liên là người “đã xây dựng Vinamilk trở thành không những là một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn là được kính trọng trên khắp châu Á”.

Năm 2010, Vinamilk cũng được Forbes bầu vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất ở châu Á. “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam,” Forbes ca ngợi.

Theo vietbao.vn