Marketing Triết lý và thương hiệu

Triết lý và thương hiệu

21
Bất kể một doanh nghiệp nào cũng đều muốn tạo uy tín cho thương hiệu của mình. Họ đề ra nhiều biện pháp khác nhau, có những doanh nghiệp thành công, nhưng cũng có những doanh nghiệp đã thất bại khi nỗ lực để thương hiệu của mình đi sâu vào tâm trí khác hàng.

Vậy đâu là triết lý xây dựng thương hiệu? Một số doanh nghiệp thành công đã rút ra kết luận đó là: Khách hàng quyết định thương hiệu.

Thương hiệu hàng hóa thành công trong thị trường không nhất thiết phải tốn tiền quảng cáo rầm rộ. Đã có nhiều ví dụ trong thực tế chứng minh điều đó như thương hiệu cà phê Lily, thương hiệu “The body hop”.

Trước hết phải có một chiến lược kinh doanh lâu dài và một chương trình marketing, xúc tiến giới thiệu sản phẩm phù hợp. Tên tuổi và dấu ấn của các thương hiệu hàng hoá sản phẩm cần phải được tồn tại và chiếm một vị trí trong tiềm thức người tiêu dùng. Để mỗi sản phầm hàng hoá hay dịch vụ chiếm lĩnh một chỗ đứng, đầu tiên phải được người tiêu dùng chấp nhận và xếp vào loại có giá trị sử dụng.

Để được người tiêu dùng chấp nhận, trước hết sản phẩm phải đem lại cho đối tượng người tiêu dùng cảm giác là “thật” và “đáng tin cậy”. Người nào hiểu rõ nhu cầu của nhóm đối tượng khách hàng của mình và có những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phù hợp tương ứng thì sẽ nhanh chóng thu hút và tạo ra được sự tin cậy từ phía khách hàng. Nếu chiến lược marketing bị thay đổi thường xuyên, mỗi lần định hướng theo một nội dung hay đối tượng khác nhau thì doanh nghiệp khó xây dựng các mối quan hệ bền vững với khách hàng.

Để tạo uy tín cho thương hiệu sản phẩm, có thể áp dụng các biện pháp ít chi phí. Thương hiệu cà phê Lily của Thụy Sĩ là một ví dụ. Hãng kinh doanh cà phê này đã có ý thức xây dựng thương hiệu thông qua việc tăng cường ý thức về chất lượng của người trồng cà phê ở các nước thế giới thứ ba. Nhà sản xuất được nghe, xem các bài giới thiệu, thuyết trình về cà phê, cách chăm sóc, dưỡng cây, kỹ thuật thu hái, bảo quản và chế biến trong đó hạn chế tối đa dùng hoá chất. Qua đó sẽ hình thành trong tiềm thức người trồng chất lượng cà phê mà họ phải duy trì. Đồng thời từ phía những người trồng cà phê cũng phải chứng tỏ cho khách hàng có trình độ thưởng thức cao. Cứ như vậy, tiếng lành đồn xa, cà phê Lily trở nên nổi tiếng với một nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không dùng hoá chất, chất lượng bảo đảm. Lily không thực hiện quảng cáo thường xuyên trên các phương tiện thông tin, truyền thông mà thay vào đó là chủ ý tổ chức các buổi họp báo, giới thiệu sản phẩm, trưng bày tại hội chợ triển lãm. Và chính các phóng viên báo đã góp phần đáng kể tạo ra tên tuổi của thương hiệu cà phê này. Bên cạnh đó, Lily thiết kế riêng cho các quán cà phê của mình loại máy pha espresso riêng, đặt tách uống cà phê riêng. Tại đó cũng thường xuyên được tổ chức các buổi thuyết trình, nói chuyện, họp báo. Không nhất thiết là về nội dung cà phê nhưng bao giờ cũng có uống cà phê Lily.

Triết lý kinh doanh của Lily thứ nhất là nhà kinh doanh phải rất có ý thức cao về thương hiệu sản phẩm của mình, coi đó là vấn đề sống còn thì mới có những đầu tư xứng đáng; thứ hai là sản phẩm của nhà kinh doanh cũng phải tốt nếu không thì mọi hoạt động marketing, quảng cáo khuếch trương chỉ là lừa dối và không thể thuyết phục được khách hàng lâu dài; thứ ba là cần có chuyên gia giỏi về marketing, đặc biệt là về tổ chức giới thiệu sản phẩm ra ngoài công luận; thứ tư là cần phải có thời gian, vì thương hiệu có thực sự nổi tiếng cũng phải thể hiện qua sự bền vững với thời gian.

Một thương hiệu không thể có tên tuổi sau một thời gian quá ngắn mà cần có sự quan tâm xây dựng thường xuyên. Chỉ bằng các hình thức quảng cáo kinh điển thông thường thì họ mới tiếp cận định hướng của người tiêu dùng. Để người tiêu dùng chủ động tìm đến hàng hoá, cần phải có niềm tin. Để giữ được khách hàng lâu dài cần phải thuyết phục và tạo ra sự khác biệt nổi trội đối với hàng hoá.

Theo marketingvietnam