Chiến lược “Đấu trường” nhãn hiệu

“Đấu trường” nhãn hiệu

16
Dường như trong cuộc sống xã hội hiện nay, tất cả chúng ta đều đang chìm ngập trong thế giới của những nhãn hiệu. Ta thức giấc khi chiếc đồng hồ Gimiko phát lên bài nhạc báo thức quen thuộc, chải răng bằng kem Close-up, uống trà Lipton, khoác lên chiếc áo thun Bossini, quần jean Levi’s, đi giày Nike và vớ vội chiếc điện thoại Nokia rồi cưỡi “con” Piagio phóng ra đường…

Vậy điều gì khiến chúng chi phối và trở nên một phần tất yếu của cuộc sống trong mỗi chúng ta?

Câu trả lời là nhờ marketing – một phương tiện chiến lược không thể thiếu của các nhà sản xuất để tạo ra sức cạnh tranh quyết định đến thành bại trên thương trường. Vậy các nhà sản xuất sử dụng marketing như thế nào để chinh phục khối óc và trái tim của hàng triệu người tiêu dùng và chiến thắng trong cuộc chiến không súng đạn này? Hãy cùng tìm hiểu các công ty đa quốc gia trên thế giới và Việt Nam làm thế nào đã tạo ra những nhãn hiệu mạnh. Từ đó giúp chúng ta có một tầm nhìn mới về tính quan trọng của marketing trong sự thành bại đối với một doanh nghiệp.

Cuộc chiến từ nhu cầu đến nhận thức

Người tiêu dùng thường có khuynh hướng chọn nhãn hiệu đầu tiên xuất hiện trong tiềm thức của mình. Không chỉ đơn thuần là tên nhãn hiệu mà là những đặc tính khác biệt và nổi trội của nhãn hiệu sẽ phát tín hiệu lên não và biến chúng thành hành động mua nhãn hiệu đó.

Ví dụ, khi quyết định chọn một nhãn hiệu nước tinh khiết, nếu muốn chứng tỏ là người sành điệu, bạn sẽ nghĩ ngay đến Aquafina, nhưng nếu chỉ tìm sự an toàn thì có thể chọn những nhãn hiệu tên tuổi khác. Hay khi nghĩ đến bột giặt, đại đa số người tiêu dùng nghĩ rằng nó phải tẩy sạch vết bẩn và OMO đã thành công trong việc chiếm lĩnh thuộc tính đó… Như vậy, cuộc chiến về marketing không đơn thuần là cuộc chiến của sản phẩm, mà là cuộc chiến về nhận thức.

Và cuộc chiến về sự khác biệt

Lợi thế cạnh tranh của một nhãn hiệu không thể dừng lại ở những tính năng cơ bản mà sản phẩm đó mang đến cho khách hàng, bên cạnh đó chúng còn phụ thuộc vào các giá trị tinh thần… Điều đó tạo nên một tầm nhìn mới về marketing trong thế giới ngày nay…

Evian (một nhãn hiệu nước khoáng nổi tiếng của Pháp) với các chuỗi hình ảnh quảng cáo những người lớn tuổi sau khi uống Evian đã cùng hòa ca bằng âm điệu của trẻ thơ. Những hình ảnh này khiến bạn liên tưởng đến thông điệp mà Evian muốn gửi gắm: Evian đã vượt qua giới hạn về nhu cầu giải khát rất cơ bản của con người mà còn hướng đến một nhu cầu tinh thần mang tính nhân bản rất sâu sắc – ai cũng muốn luôn được sống trẻ.

Vậy cà phê Trung Nguyên sẽ muốn bán gì cho bạn? Không chỉ là sự hưng phấn mà còn là nguồn sáng tạo! X-men không chỉ cho bạn sự sạch sẽ và hương thơm mà cao hơn thế là bán “bản lĩnh đàn ông”. Chính những giá trị này đã tạo ra sự khác biệt trong nhận thức của người tiêu dùng, đôi lúc khiến chúng trở thành một biểu tượng hơn là một sản phẩm thông thường…

Nếu những giá trị này mang tính vĩnh cửu với thời gian, điều đó sẽ tạo nên sự phát triển bền vững cho những nhãn hiệu. Sự thành công của một nhãn hiệu không chỉ được đánh giá bằng việc tạo ra lượng khách hàng trong thời gian ngắn mà là dựa trên lòng trung thành của họ đối với sản phẩm đó theo thời gian. Chính điều này tạo nên sự thành bại của một doanh nghiệp…

Theo marketingvietnam