Đào tạo Những điều nên và không nên trong nghệ thuật nói “không” với...

Những điều nên và không nên trong nghệ thuật nói “không” với công việc

17
Ai cũng muốn là thành viên tích cực, không thể thiếu trong nhóm nên thường ngại phải từ chối khi sếp/đồng nghiệp nhờ vả. Tuy nhiên, nếu cứ luôn cố gắng làm hài lòng mọi người như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả, năng suất làm việc của chính bạn.
Đôi khi, bạn cũng cần phải kiên quyết nói “không” với sếp/ đồng nghiệp. Đây là hành động đòi hỏi sự khéo lé, tinh tế bởi nếu không, bạn sẽ để lại ấn tượng xấu trong mắt mọi người.
Dưới đây là những điều nên và không nên trong nghệ thuật nói “không” với sếp/ đồng nghiệp:

NÊN

1, Nói “không” với sự tiếc nuối
Thẳng thừng từ chối sếp/ đồng nghiệp có thể khiến họ cảm thấy hụt hẫng. Thay vào đó, bạn có thể nói một cách lịch sự, chuyên nghiệp rằng: “Tôi rất tiếc rằng không thể thêm việc đó vào lịch trình làm việc của mình”. Lời từ chối đơn giản và thẳng thắn này sẽ giúp sếp/ đồng nghiệp dễ dàng chấp nhận hơn.
2, Dành vài phút để cân nhắc lời đề nghị
Thay vì trả lời ngay hoặc ngắt lời khi đồng nghiệp đang định nhờ vả, bạn nên tập trung lắng nghe hết câu chuyện của anh/ cô ấy, sau đó dành chút thời gian để cân nhắc. Từ chối ngay lập tức sẽ khiến họ nghĩ rằng bạn không có tinh thần hợp tác và chỉ coi trọng công việc của riêng mình.
3, Giải thích lý do một cách ngắn gọn
Sau khi thể hiện sự tiếc nuối, hãy giải thích lý do bạn không thể giúp đỡ họ một cách thuyết phục. Chẳng hạn, bạn cần tập trung hoàn thành dự án hiện tại một cách tốt nhất, lịch làm việc của bạn đã kín (bạn nên đưa ra dẫn chứng cụ thể)… Hãy tập trung vào chất lượng công việc chứ không nên nói rằng bạn thiếu ngủ, thiếu thời gian hay sức khỏe yếu.
4, Đề nghị giải pháp thay thế
Chẳng hạn, nếu sếp nhờ bạn làm thêm việc, bạn có thể đưa ra các gợi ý như “Tôi có thể làm thêm 1 tiếng vào ngày thứ 3 và thứ 5. Nếu không, tôi sẽ phải xem xem mình sẽ phải ưu tiên cho công việc hiện tại hay việc của sếp trước”. Như vậy, sếp vẫn coi bạn là một nguồn giải pháp chứ không phải là “kẻ vô dụng”.
Hoặc nếu một đồng nghiệp nhờ vả trong khi bạn không thể giúp anh/ cô ấy, hãy gợi ý một người khác sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng vẫn nhấn mạnh rằng “Nếu không tìm được người khác, hãy tới chỗ tôi và tôi sẽ xem xét lại xem mình có thể giúp được gì”. Còn nếu bạn không có phản ứng gì, đồng nghiệp sẽ tiếp tục làm phiền bạn.
KHÔNG NÊN
1, Hành động như thể mình làm sai
Nếu đồng nghiệp muốn san bớt phần việc của anh/ cô ấy sang cho bạn trong khi bạn không thể giúp, đừng ngại từ chối. Hãy quyết đoán bởi bạn không làm gì sai cả. Còn nếu đó là một phần trong mô tả công việc của bạn, hãy nói chuyện với sếp về cách ưu tiên hoá các nhiệm vụ của bạn.
2, Từ chối bằng cách “Nói bóng nói gió”
Nếu trả lời đồng nghiệp bằng các từ như “Có lẽ, có thể”, bạn đã thể hiện kỹ năng giao tiếp yếu kém. Tại hầu hết các môi trường làm việc, trả lời thẳng thắn sẽ mang lại kết quả tốt hơn.
3, Thiếu quan tâm
Sau vài ngày, hãy hỏi xem vấn đề của đồng nghiệp đã được giải quyết hay chưa. Việc này chứng tỏ bạn thực sự quan tâm tới họ và muốn giúp đỡ. Và nếu giờ bạn vẫn có thể giúp đỡ, hãy đề nghị họ.

Theo muonmau