Đào tạo 7 cách để quay lại với công việc cũ

7 cách để quay lại với công việc cũ

115
Bạn đã “chia tay” công việc cũ. Tuy nhiên, thời gian gần đây bạn thường cảm thấy nhớ nó da diết. Đó là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn nên quay trở lại với công việc của mình. Nhưng bằng cách nào? Câu trả lời chính là bằng 7 cách dưới đây.
1, Liên lạc lại với công ty cũ
Đó sẽ là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình “hàn gắn” với công việc mà bạn đã từng nói tạm biệt một cách không thương tiếc. Nếu bạn thân thiết với thành viên của ban tổ chức nhân sự, thì đó quả là điều vô cùng thuận lợi. Bởi, họ sẽ là cầu nối thông tin quan trọng để bạn biết được tình hình nhân sự của công ty cũ và khi nào thì cơ hội quay về của bạn là chín muồi.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp cũ. Họ có thể là những nhân viên bình thường nhưng không phải là không quan trọng. Họ cũng có thể giúp bạn thăm dò tình hình của công ty cũ và thông báo đến bạn những tin tức tuyển dụng hữu ích.
2, Cập nhật trang web của công ty
Thi hành nhiều chiêu thức một lúc sẽ mang đến cho bạn hiệu quả gấp đôi, gấp ba vì vậy hãy luôn biết cách phối hợp các bước đi một cách linh hoạt. Bạn biết đấy, càng ngày càng có nhiều công ty sử dụng các trang web riêng để cập nhật thông tin của công ty cũng như đăng tải các thông tin tuyển dụng. Do đó, vào trang web một cách thường xuyên cũng là cách giúp bạn nắm bắt diễn biến, tình hình hiện tại của công ty cũng như xác định được những bước đi tiếp theo.
3, Chuẩn bị sẵn đơn xin việc và hồ sơ lý lịch
Đây là bước quan trọng không thể thiếu đối với bất kỳ một cơ quan, công ty nào dẫu cho bạn đã từng là “lính cũ” của công ty đó. Vì vậy, chuẩn bị mọi thủ tục một cách cẩn thận và luôn trong tư thế sẵn sàng gửi đi ngay khi bạn nhận được thông tin tuyển dụng.
4, Thay đổi phong cách làm việc
Thay đổi phong cách làm việc cũng có nghĩa là thay đổi tư duy và thái độ của bạn với công việc sắp tới. Có thể bạn sẽ nhận được thông báo cho một cuộc phỏng vấn chính thức và bạn cho rằng nhiều khả năng bạn sẽ trở về với công việc cũ một cách an toàn. Nhưng không, đừng bao giờ coi những thành tựu trong quá khứ là điểm cộng cho bản thân trong tương lai. Thay vì giữ mãi những đóng góp của mình trong quá khứ hãy tập trung vào tình hình hiện tại. Bởi, có thể trong quá khứ bạn có vị trí quan trọng trong công ty nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi. Công ty cần một người năng động, nhanh nhậy và hợp thời hơn là một người chỉ chú trọng tới những thành tựu trong quá khứ.
5. Không bất ngờ khi bạn không được vào vị trí cũ
“Nhiều người tỏ thái độ bứt rứt, khó chịu khi không được vào vị trí cũ nhưng thật vô lý khi họ đòi hỏi quá cao cho sự trở lại của mình. Họ có thể quay trở lại công việc cũ đó là một điều vui mừng và sự quay lại này không đảm bảo cho một vị trí trong mơ” Richart chia sẻ.
Vì vậy, chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự thay đổi vị trí là điều bạn nên làm khi quyết định quay trở lại với công việc cũ. Bạn sẽ không cảm thấy ấm ức, bứt rứt nếu bạn xem mình là một người mới và bắt đầu với những dự án mới.
6, Chuẩn bị tinh thần vững vàng
Tại sao phải chuẩn bị tinh thần vững vàng? Đơn giản là rằng, khi bạn quay trở lại công ty cũ không cùng vị trí cũ bạn có thể sẽ phải đón nhận những thái độ khác nhau đến từ đồng nghiệp cũng như sếp của mình. Vì vậy, đừng bực tức hay có cách ứng xử thiếu khôn khéo. Hãy xem đó là những chướng ngại vật mà bạn cần vượt qua trong quá trình tìm kiếm lại chỗ đứng của mình trong công ty.
7. Xem xét những cơ hội khác
Hy vọng là điều tốt tuy nhiên bạn cũng cần nghĩ xa hơn một chút. Nếu bạn có thể được nhận về lại công ty cũ, đó là điều tuyệt vời nhưng ngược lại nếu công ty nói “không” với bạn thì nghĩ tới những cơ hội việc làm khác ở một môi trường khác cũng không tồi chút nào. Vì vậy, lời khuyên cho bạn đó là thực hiện kế hoạch “nhất cữ lưỡng tiện”, gửi hồ sơ cho một số công ty khác song song với chiến dịch “hàn gắn” với công ty cũ. Kết quả đến với bạn sẽ như ý hơn rất nhiều.

Theo socola