Marketing E-marketing hay tiếp thị số (digital marketing?)

E-marketing hay tiếp thị số (digital marketing?)

8
Nếu một người mỗi ngày tìm thấy và xem 10 website mới thì phải mất 4 triệu ngày (12.000 năm) mới đọc qua hết số website có trên thế giới. Doanh nghiệp (DN) phải làm sao để thông điệp của mình có thể được tìm thấy trong không gian thông tin bao la của tiếp thị số?
Bạn đang thấy các hình thức như: dùng trang web để cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng thay vì dùng brochure hoặc các tài liệu marketing khác; sử dụng các banner trực tuyến để thay thế hoặc hỗ trợ cho quảng cáo ngoài trời.
Tương tự, cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp, hoặc các mẫu thu thập ý kiến có thể được sử dụng thay thế cho trung tâm hỗ trợ khách hàng qua điện thoại. Đây là một số hình thức của e-marketing. Có thể hiểu ngắn gọn e-marketing là thực hiện các hoạt động quảng bá một thông điệp đến với nhóm đối tượng mục tiêu dựa trên các công cụ như điện thoại di động, e-mail, website…
Theo Dave Chaffey, một trong 50 người có ảnh hưởng nhiều nhất đến tương lai của marketing toàn cầu: “Tiếp thị số (digital marketing) có những điểm tương đồng với e-marketing. Cả hai cụm từ này đều mô tả cách quản trị và thực thi marketing thông qua các phương tiện điện tử như web, email, truyền hình tương tác, truyền thông không dây cùng với cơ sở dữ liệu số về hành vi và đặc điểm của khách hàng”.
Cũng như các hình thức marketing truyền thống, tiếp thị số cũng chia ra thành hai chiến lược: kéo (pull) và đẩy (push).
Chiến lược đẩy trong tiếp thị số là thông qua các hình thức tương tác như quảng cáo bằng banner trên các website, gửi hàng loạt tin nhắn SMS hoặc e-mail… đến các đối tượng khách hàng để giới thiệu sản phẩm nhằm tìm kiếm đối tượng quan tâm và bán hàng. Ví dụ: Thông qua vietnamworks.com, DN đăng tải những thông tin tuyển dụng; qua 5giay.com để đăng rao vặt…
Tuy nhiên, chi phí cho việc sử dụng chiến lược đẩy sẽ khá tốn kém và DN khó có thể triển khai thường xuyên, mà chỉ tập trung vào một số chiến dịch nào đó. Ngay cả trong hiện tại, khi các phương thức quảng cáo, e-mail có đo đếm và xác định đối tượng tiếp cận khá chính xác thì chiến lược đẩy vẫn là một phương án nhiều DN dùng trong ngắn hạn.
Chiến lược kéo là phương án căn cơ và dài hạn để tiếp cận khách hàng bằng cách để khách hàng tìm ra bạn. Cụ thể, bạn làm tốt việc tối ưu hóa (SEO) trang web của mình sẽ giúp cho 75% số khách tìm và truy cập website của bạn thông qua các bộ máy tìm kiếm, phổ biến nhất là www.google.com, www.yahoo.com và www.bing.com.
Vấn đề là số khách hàng này đa phần chỉ xem các web/link nằm trong top 30 của kết quả tìm kiếm khi họ tìm với một số từ khóa nào đó. Vì vậy, các công ty mới đua nhau làm SEO và không ngừng cải thiện để thăng hạng, hoặc bét nhất cũng phải trụ hạng (nếu đã có vị trí tốt).
Nhiều DN lựa chọn phương án trả tiền quảng cáo để đưa thứ hạng của web/link của DN lên đầu danh sách, hoặc ít ra cũng ở cột bên phải của trang kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm. Cách này nghe có vẻ dễ nhất trong tiếp thị số, nhưng thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả về mặt chi phí và nhắm đúng vào đối tượng người dùng mà công ty cần tiếp cận lại là một việc cần phải bàn nhiều.
Một số thủ thuật khác của chiến lược kéo như tiếp thị truyền miệng (viral marketing) qua các mạng xã hội, e-mail theo yêu cầu (opt-in)… cũng rất được các DN ưa chuộng vì nó truyền tải thông điệp một cách trực tiếp và có sự chủ động tham gia của khách hàng. Lợi điểm là tương tác tốt hơn, trực tiếp, tính lan truyền cao và chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, để có được một chương trình thực sự thu hút, tiền không còn là yếu tố quyết định nữa, mà đó chính là chất xám phải bỏ vào trong chiến dịch này.

Theo Diendanquantri