Theo chia sẻ của Chủ tịch Công ty CP MISA Lữ Thành Long, làm sản phẩm công nghệ là bài toán cực kỳ khó và vô cùng thách thức. Điều kiện cần đầu tiên là doanh nghiệp phải có đủ đam mê, đủ sức sáng tạo cũng như có đủ sự “vật vã” để tạo ra một sản phẩm tốt cho xã hội. Bên cạnh đó, khi làm một sản phẩm công nghệ thì doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện làm sao để cả xã hội sử dụng được sản phẩm này, làm sao để cạnh tranh được với những sản phẩm trong nước và của nước ngoài. Công nghệ thay đổi liên tục, hôm nay chúng ta thành công ở đỉnh cao nhưng điều đó không có nghĩa rằng ngày mai chúng ta vẫn thành công. Do đó, cuộc đua của các doanh nghiệp công nghệ ngày càng khốc liệt và rút ngắn về mặt thời gian. Chính vì vậy, nếu không có bộ nguyên tắc và giá trị cốt lõi trong văn hóa làm sản phẩm thì các doanh nghiệp công nghệ khó mà đi được đường dài và có được những sản phẩm mang dấu ấn trên thị trường.
Chủ tịch Lữ Thành Long cho biết, tại MISA, khi xây dựng sản phẩm, việc đầu tiên là tìm hiểu nhu cầu của khách hàng xem khách hàng cần gì, lấy nhu cầu của khách hàng và của xã hội làm trọng tâm, chứ không phải xuất phát từ chuyện doanh nghiệp biết được những công nghệ gì và có thể làm được những sản phẩm gì. Đây cũng là lý do những nhà sáng lập MISA chọn phần mềm kế toán để khởi nghiệp cách đây tròn 30 năm. Bởi đây chính là sản phẩm mà cả xã hội khi đó đang cần, trong khi nguồn cung trên thị trường vẫn còn vô cùng ít.
Thời điểm đó, những người làm kế toán tại các doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước vẫn đang phải làm thủ công, vì vậy việc xây dựng nên một sản phẩm phần mềm về kế toán để hỗ trợ công việc này là vô cùng cần thiết. Từ cách đây 30 năm, hai nhà sáng lập MISA đã có một niềm tin mãnh liệt rằng dù có tin học hóa hay chuyển đổi số ở bất kì đâu thì kế toán vẫn sẽ là một trong lĩnh vực được ưu tiên đầu tiên. Bởi bản chất của kế toán là những con số, phép tính phức tạp nên làm bằng tay là vô cùng vất vả, có thể xảy ra nhiều rủi ro, sai sót nên xu hướng sử dụng phần mềm kế toán là điều tất yếu đối với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Cũng nhờ đi đúng nhu cầu của khách hàng và xã hội mà MISA đã gặt hái nhiều thành công và “trái ngọt” với sản phẩm này, đưa sản phẩm thống lĩnh thị trường trong gần 3 thập kỷ qua.
Nguyên tắc thứ hai trong xây dựng sản phẩm tại MISA là bên cạnh việc đáp ứng những yêu cầu, tính năng cần thiết của một sản phẩm, MISA luôn tìm cách để tạo ra được những sản phẩm vượt mong đợi của khách hàng. Sản phẩm phải tốt nhất, mang lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất, chứ không phải làm cho xong. Người làm sản phẩm tại MISA phải luôn luôn trăn trở để làm ra được một sản phẩm tốt hơn về mặt chất lượng; tối ưu hơn về mặt năng suất; phương thức giải quyết thông minh hơn, nhanh và “mượt” hơn; hình thức, giao diện đẹp và thân thiện với người dùng hơn.
“Có những bậc đàn anh, những người thầy khi gặp lại tôi thường hỏi MISA còn làm phần mềm kế toán không. Tôi bảo vẫn làm. Các anh ngạc nhiên lắm, nói “mày làm 30 năm rồi mà vẫn chưa xong à?”. Tôi bảo không bao giờ xong cả, liên tục cải thiện, đã tốt còn phải tốt hơn nữa. Khi sản phẩm không còn thay đổi, không còn cải tiến, sáng tạo nữa thì đó là sản phẩm chết. Đây là văn hóa cốt lõi trong làm sản phẩm của MISA.
Những người làm sản phẩm tại MISA không bao giờ được hài lòng với những gì mình đã tạo ra, bởi vì công nghệ luôn luôn thay đổi và thay đổi một cách rất nhanh chóng, nên một sản phẩm có thể hôm nay rất tốt nhưng ngày mai chưa chắc đã còn ổn. Vì vậy, sau khi xong một phiên bản sản phẩm rồi, chúng tôi lại bắt tay vào theo dõi, nâng cấp, cải tiến để tạo ra phiên bản tốt hơn nữa. Việc này chưa bao giờ dừng lại trong suốt 30 năm qua”, Chủ tịch Lữ Thành Long nói.
Một sản phẩm khác của MISA cũng mang tới những thành công bất ngờ sau quá trình liên tục được cải tiến, nâng cấp, đó là nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP. Hồi đó, sản phẩm ra phiên bản đầu tiên và nhận được các ý kiến phản hồi chưa được như mong đợi từ phía các đơn vị kế toán dịch vụ đang sử dụng. Ban lãnh đạo MISA và đội ngũ làm dự án đã họp bàn với nhau, đưa ra quyết định cải tiến phần mềm này. Đội ngũ làm dự án đã được phân thành các nhóm để đi gặp khách hàng nhằm khảo sát và thấu hiểu những khó khăn, bất cập mà họ đang gặp phải trong quá trình sử dụng phần mềm. Ban ngày gặp gỡ, phỏng vấn khách, quan sát cách họ dùng phần mềm, tối về lại làm giải pháp để hôm sau mang đến cho khách hàng trải nghiệm, đồng thời lấy ý kiến phản hồi tiếp để cải tiến cho tới khi ra được phiên bản tốt nhất. Có thời điểm, đích thân Chủ tịch Lữ Thành Long và Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy cũng trực tiếp cùng team đi khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp. Nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP sau đó đã được nâng cấp và mang lại kết quả thành công ngoài mong đợi của khách hàng, khác biệt hoàn toàn so với phiên bản đầu tiên.
Tại MISA có câu nói đã trở thành khẩu hiệu: “Chúng tôi không bán sản phẩm, chúng tôi bán sự hài lòng”. Bất cứ khi nào khách hàng không hài lòng về sản phẩm, dịch vụ vì bất kì lý do gì thì người MISA đều quan niệm lỗi hoàn toàn thuộc về mình. Khi đó, đội ngũ MISA sẽ xem xét và soi xét lại sản phẩm, dịch vụ, con người để có những điều chỉnh, thay đổi nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.
Bắt nguồn từ triết lý liên tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm, MISA đã xây dựng quy trình phát triển phần mềm có thể nói là được đánh giá cao trong giới công nghệ hiện nay. Phải có quy trình làm sản phẩm tốt là một trong những triết lý quan trọng trong văn hóa làm sản phẩm của MISA.
Khoảng năm 2010, đội ngũ làm sản phẩm MISA nhận thấy một vấn đề là các sản phẩm của doanh nghiệp đang không đảm bảo được tiến độ phát hành vì phải quay lại sửa lỗi, nâng cấp. Thời điểm đó cũng là lúc số lượng nhân sự của Trung tâm Phát triển phần mềm tăng mạnh lên hàng trăm người với hàng chục dự án. Cách quản lý cũ dựa trên các “Hero man” (người hùng) đã không còn phù hợp trong việc đảm bảo thành công của dự án này được lặp lại với dự án mới cũng như sai lầm của dự án này không tái diễn ở dự án khác. Đây cũng là lúc ban lãnh đạo MISA nhận thấy muốn nâng tầm làm sản phẩm thì bắt buộc phải chuyên nghiệp hóa, phải có Quy trình để mang những kinh nghiệm làm sản phẩm hay tái áp dụng cho các sản phẩm khác. Khi đó, thông qua những buổi đào tạo chia sẻ về Kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như qua tham khảo các công ty phần mềm lớn trên thế giới và trong nước, MISA đã quyết tâm phải xây dựng hệ thống quy trình quản lý chất lượng sản phẩm.
Và quy trình phát triển phần mềm của MISA từ đó đã được xây dựng theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng CMMi dành riêng cho Phát triển phần mềm – tiêu chuẩn phổ biến nhất thế giới hiện nay, có tham khảo thêm Quy trình phát triển phần mềm RUP (Rational Unified Process) của IBM. Chất lượng các dự án, sản phẩm được cải thiện dần từng bước, nhiều sản phẩm mới phát hành đúng hoặc trước hạn. Năm 2012, MISA đã nhận được chứng chỉ CMMi Level 3 – kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể Trung tâm Phát triển phần mềm.
Tiêu chuẩn quản lý chất lượng CMMi hướng đến việc cải tiến liên tục. Sau 4 năm áp dụng, nhận thấy rằng quy trình dựa theo RUP còn khá nhiều điểm cồng kềnh và không phù hợp với triết lý phát triển phần mềm linh hoạt Agile, MISA lại tổ chức nghiên cứu và tìm ra nhiều điểm hay phù hợp với thực tế khi áp dụng của Quy trình Scrum. Kể từ đó, triết lý Agile mà cụ thể là Scrum được tinh chỉnh theo các đặc thù làm sản phẩm đóng gói của MISA đã được lựa chọn cho đến ngày nay.
“Nếu muốn làm các sản phẩm phục vụ hàng trăm nghìn người sử dụng thì phải có một đội ngũ hàng ngàn nhân sự liên tục làm sản phẩm qua nhiều năm tháng. Vì vậy, nếu không có quy trình làm sản phẩm thì không thể đảm bảo được tiến độ ra mắt sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm cũ. Mặt khác, không có quy trình sẽ không đảm bảo giữ được chất lượng sản phẩm. Nếu không có quy trình thì có khi càng nhiều người làm thì chất lượng sản phẩm lại càng kém đi và tốc độ càng chậm lại”, ông Lữ Thành Long khẳng định.
Triết lý thứ 4 trong làm sản phẩm tại MISA là luôn đặt ra bài toán làm thế nào để sản phẩm có giá mềm nhất có thể, trong tầm đầu tư của khách hàng, để có thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội được sử dụng các sản phẩm công nghệ hỗ trợ cho họ trong công tác vận hành, quản trị.
Tiếp đó là phải có đội ngũ làm sản phẩm tốt. Theo Chủ tịch Lữ Thành Long, đối với ngành công nghệ, con người là quan trọng hàng đầu. Nếu không có một đội ngũ nhân sự có chuyên môn, trình độ cao và đam mê mãnh liệt thì không thể tạo ra sản phẩm tốt được. Cổ nhân có câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Ở MISA, triết lý đó được hiểu là người có thể không cần nhiều nhưng phải là những người giỏi. Họ phải có tố chất, có sự thông minh, cần mẫn và trên hết là niềm đam mê, tự hào khi phát triển được sản phẩm có ích cho toàn xã hội.
Triết lý thứ 6 trong văn hóa làm sản phẩm tại MISA là kỷ luật nghiêm ngặt trong việc làm sản phẩm. Ông Long cho biết, kỷ luật đầu tiên trong việc làm sản phẩm của MISA là không cho phép phát hành sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Khi làm ra một sản phẩm cho hàng triệu người dùng thì sản phẩm phải đảm bảo thỏa mãn được nhu cầu của 95-97% tập khách hàng. Nếu phát hành ra một sản phẩm chỉ thỏa mãn 50% tập khách hàng thì sẽ phải đối mặt với những hậu quả cho cả công ty và cả khách hàng. Bởi lẽ, khi triển khai trên diện rộng, sẽ có lượng lớn khách hàng không thỏa mãn, lúc đó mới bắt tay vào thay đổi thì quá tốn kém. Khi đó lợi nhuận thu được thậm chí không đủ để chi cho việc cải tiến sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm phải đảm bảo thỏa mãn các nhu cầu nhất định của khách hàng thì mới được phép phát hành.
“Công ty có thể đầu tư hàng triệu đô la để làm sản phẩm nhưng nếu sản phẩm đó không đạt chất lượng thì sẵn sàng đập đi làm lại. Quyết không vì tiếc tiền đầu tư mà đem bán để ảnh hưởng đến thương hiệu và khách hàng”, Chủ tịch Lữ Thành Long nói.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp khi đưa một sản phẩm mới ra thị trường thì phải khơi gợi nhu cầu của khách hàng, thậm chí phải chấp nhận thua lỗ trong thời gian khá dài để thị trường chấp nhận và tin tưởng giá trị đích thực của sản phẩm. Sau đó khách hàng sẽ từ từ quen dần và bắt đầu sử dụng sản phẩm. Vì thế, MISA đặt ra nguyên tắc thứ hai trong kỷ luật làm sản phẩm đó là liên tục theo đuổi, đưa công nghệ mới, sản phẩm mới hữu ích phục vụ cho xã hội, chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu để “educate” thị trường.