Kiến thức quản trị Muốn giàu phải đầu tư vào khoa học công nghệ

Muốn giàu phải đầu tư vào khoa học công nghệ

6
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, việc doanh nghiệp (DN) trích tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN chính là hành động cấp thiết trong thời gian tới, nếu DN đó muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình.
 
Đầu tư cho KH&CN – doanh nghiệp lớn, nhỏ đều có lợi
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính đã ủng hộ quan điểm trích lợi nhuận trước thuế từ 5 -10% để đầu tư cho KHCN trong thời gian tới.
Trước đó, khi Bộ Tài chính xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trình Quốc hội năm 2008, Bộ KH&CN cũng đã đề xuất nên có nội dung yêu cầu các DN phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ để đầu tư phát triển KHCN.
“Lúc đó, quan điểm của Bộ KH&CN là DN phải dành ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho Quỹ phát triển KHCN của DN. Tuy nhiên, khi Luật Thuế thu nhập DN được thông qua thì điều khoản đấy chỉ quy định là DN được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN. Rõ ràng là đề xuất của KHCN và điều khoản của Luật thuế thu nhập DN là rất khác nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
Đánh giá về tính hiệu quả của quy định trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ trưởng Quân cho biết, do không có giới hạn tối thiểu nên 4 năm qua hầu hết các DN của Việt Nam không trích khoản này theo quy định, vì điều khoản này không bắt buộc mà chỉ mang tính khuyến khích, tự nguyện.
Trong khi đó, hầu hết DN Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên lợi nhuận trước thuế của họ là rất ít, vì thế khi chỉ được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế thì lượng kinh phí ấy lại càng ít, ít đến mức kể cả các DN nghiêm chỉnh nhất dành đủ 10% thì cũng không đủ nguồn kinh phí để làm được những công việc mang tính đổi mới công nghệ cho DN hoặc tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh”.
“Các DN vừa không có động lực, vừa thấy điều đó không có ý nghĩa nên hầu hết không thực hiện. Chính vì vậy mà mục tiêu của Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2010 chúng ta phải có 1,5% GDP quốc gia dành cho KHCN, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 0,6% GDP, phần còn lại khoảng từ 0,9 đến 1% GDP quốc gia dành cho KHCN đã không đạt được”, Bộ trưởng Quân chia sẻ.
Theo đề xuất mới đây của Bộ KH&CN tại đề án trình Hội nghị Trung ương 6 và dự thảo Luật KH&CN sửa đổi sắp trình Quốc hội, DN nhà nước bắt buộc phải trích một tỉ lệ tối thiểu (dự kiến sẽ là 10%) lợi nhuận trước thuế, còn các loại hình DN khác cũng phải trích một tỉ lệ tối thiểu nào đó có thể thấp hơn DN nhà nước. “Nếu họ là DN nhỏ, siêu nhỏ trích một tỉ lệ nào đó quá ít, không đủ để đổi mới công nghệ, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của DN thì họ có thể đóng góp vào quỹ phát triển KHCN của địa phương”, Bộ trưởng Quân nói.
Được biết, các quỹ của địa phương hiện nay, theo quy định của Chính phủ, chỉ được ngân sách nhà nước cấp vốn ban đầu một lần và hầu hết địa phương khi lập quỹ đều không bảo toàn được vốn, vì sau khi tài trợ hoặc giải ngân, hỗ trợ các dự án nghiên cứu hoặc đổi mới công nghệ thường bị mất vốn; trong khi đó lại không có nguồn khác để bổ sung nên các quỹ địa phương hiện rất khó duy trì và tồn tại.
Bộ trưởng Quân cho biết, nếu quy định về việc trích lợi nhuận trước thuế đầu tư cho KHCN của các DN được thực hiện thì DN yên tâm hơn khi đóng góp vào quỹ của địa phương.
“Họ cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp như khi họ trích cho chính quỹ của họ. Và như vậy, các DN mới có thể đóng góp cho quỹ của địa phương mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Hơn nữa là khi hàng nghìn DN đóng góp cho quỹ của địa phương, một phần để bảo toàn và phát triển vốn của quỹ, đồng thời địa phương ấy có nguồn lực đủ lớn có thể hỗ trợ một số DN chủ lực của tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ trước, nâng cao chất lượng sản phẩm cạnh tranh trước để những năm sau có thể hỗ trợ các DN tiếp theo. Nếu được xã hội đầu tư đúng mức, KHCN sẽ giúp doanh nghiệp và địa phương bứt phá”, Bộ trưởng khẳng định.
Trích quỹ đầu tư KHCN sẽ được miễn thuế
Hiện Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn về việc lập và sử dụng quỹ phát triển KHCN của DN đồng thời Chính phủ cũng có quy định rất cụ thể về quy chế của các quỹ phát triển KHCN quốc gia, các quỹ phát triển KHCN của các bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì kinh phí mà DN dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ đưa vào quỹ phát triển KHCN của các DN vẫn còn rất nhiều các ràng buộc cứng nhắc.
Đại diện tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho biết, không thể tiêu được nguồn tiền mà họ đã dành ra cho các mục đích nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực KHCN cho DN bởi còn quá nhiều vướng mắc trong quá trình sử dụng nguồn vốn.
Về vấn đề này Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, cơ chế sử dụng quỹ này cần phải thông thoáng hơn nữa, bởi khi DN tự nguyện trích vào quỹ này thì họ được nhà nước cho miễn thuế, tức là họ được 25% của nhà nước còn họ vẫn mất 75% lợi nhuận của họ, mà nếu không trích quỹ thì chắc chắn họ sẽ được toàn quyền sử dụng, kể cả việc để trích vào các quỹ phúc lợi như khen thưởng, nâng cao đời sống của người lao động. Nhưng khi họ trích quỹ thì đã được coi là “hiến tặng” cho KHCN 75% nguồn kinh phí này, họ chỉ được hưởng lợi 25% thuế được miễn. Tuy nhiên trong các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính hiện nay thì vẫn ràng buộc cách chi tiêu cả 100% này như là tiền của ngân sách mà lẽ ra chúng ta chỉ nên coi 25% tiền miễn thuế là tiền của nhà nước còn 75% là tiền của DN.
“Chúng tôi cho rằng, những bất cập đó cho thấy cần phải tiếp tục sửa đổi để làm thế nào tạo điều kiên cho DN khi đã trích cho quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp rồi là họ có thể sử dụng được toàn bộ 100% kinh phí một cách thuận lợi với cơ chế thông thoáng nhất, miễn là họ sử dụng đúng mục đích là phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho DN và không nên hạn chế mức tối đa”, Bộ trưởng nói.

Theo Kinhtetapdoan