Kiến thức quản trị Cấu trúc của doanh nghiệp từ nhân sự trong bối cảnh...

Cấu trúc của doanh nghiệp từ nhân sự trong bối cảnh kinh tế khó khăn

6
Đây là cách mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính, thay đổi nhân sự cao cấp diễn ra khá mạnh mẽ.
Được hai tháng ngồi ở chức vụ Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc tế (VIS), ông Tạ Quốc Dũng nửa đùa nửa thật bảo rằng đây là chiếc ghế “nóng” bởi thị trường chứng khoán vẫn đang trong cơn bão suy thoái. Thực tế, hàng loạt công ty chứng khoán đều đã thay đổi tổng giám đốc, nhất là các công ty thua lỗ nặng trong năm vừa qua. Theo ông Dũng, áp lực hiện nay là việc tái cấu trúc công ty để tinh gọn và hiệu quả hơn.
“Trong thời điểm thị trường chứng khoán như hiện nay, áp lực về doanh thu hay lợi nhuận không thể đặt ra. Vì vậy quan trọng nhất là việc xem xét lại công tác quản trị, xây dựng chiến lược kinh doanh mới và đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh”, ông Tạ Quốc Dũng nói.
Việc thay tổng giám đốc của nhà mạng di động Beeline mới đây được công bố khá rầm rộ với khoản đầu tư mới. Tân Tổng giám đốc Michael Sasha Cluzel khẳng định: Nhiệm vụ của Alexey, tổng giám đốc trước đây, là tạo dựng nền tảng bước đầu, còn công việc của chúng tôi hiện nay là xây dựng trên cơ sở đó và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tương tự Microsoft cũng bổ nhiệm các nhân sự chủ chốt tại Việt Nam. Và vai trò của tân Tổng giám đốc Jamie Harper được nhấn mạnh là cố gắng đạt được những mục tiêu mà người điều hành tập đoàn – ông Steve Ballmer – đã thảo luận với Chính phủ Việt Nam.
Một số công ty công nghệ trong nước cũng lần lượt thay đổi như FPT thay từ tổng giám đốc đến phó tổng phụ trách tài chính, nhân sự, thương hiệu. VDC cũng mạnh dạn thay đổi với những gương mặt trẻ hóa trong những vị trí lãnh đạo mới của mình.
Như vậy có thể thấy, việc thay đổi hàng loạt nhân sự điều hành cấp cao đang diễn ra khá mạnh trong các ngành, lĩnh vực từ đầu năm đến nay. Đáng kể nhất vẫn là các ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán hay lĩnh vực viễn thông. Có thể kể ra như các tập đoàn lớn như FPT, ANZ, TienPhongBank, VinaCapital… đều có sự thay đổi về nhân sự cấp cao và luôn được giải thích là cần thiết trong quá trình phát triển của công ty. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay, quá trình này diễn ra khá mạnh mẽ. Thậm chí có công ty đã thay đổi tổng giám đốc chỉ sau 2 tuần.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho biết họ cũng gặp phải sự cạnh tranh khá gay gắt trong việc tìm kiếm nhân sự cấp cao tại Việt Nam. Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn Thái Lan đã hơn 5 tháng nay phải thường xuyên có mặt tại văn phòng công ty ở TP.HCM vì chưa tìm được tổng giám đốc mới. Theo ông, vị trí quản lý cấp cao đòi hỏi nhiều khả năng, lại cần phải có sự hiểu biết đặc thù về ngành vì công ty của ông chuyên thiết kế và lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm cho doanh nghiệp… Người được mặt này thì thiếu mặt kia. Hơn nữa, khả năng hòa nhập với các bộ phận khác trong công ty cũng là một kỹ năng mà không phải bất kỳ một người nào cũng sẵn sàng đáp ứng được.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực có sự cạnh tranh mạnh mẽ ngay giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi mức lương cho các vị trí cấp cao không còn cách biệt. Thậm chí, sự chuyển dịch nhân sự lan rộng ở nhiều ngành khác nhau như người làm ở công ty tiêu dùng có thể quay sang công ty công nghệ hay tài chính và ngược lại.
Sự thay đổi bộ máy nhân sự cấp cao luôn được HĐQT và các cổ đông kỳ vọng sẽ mang lại một luồng sinh khí mới trong hoạt động của công ty. Tuy nhiên, kết quả như thế nào vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường kinh tế nói chung…

Theo Marketingchienluoc