Kiến thức quản trị Nhà lãnh đạo mạnh mẽ và một doanh nghiệp

Nhà lãnh đạo mạnh mẽ và một doanh nghiệp

11
Châm ngôn Nhật có câu “Thất chuyển bát đảo”, ý nói cuộc đời có lúc lên, lúc xuống và kinh doanh cũng vậy. Nhật đã trải qua thời kỳ phát triển kinh tế cao từ thập kỷ 1960 và đến đỉnh điểm vào nửa sau thập kỷ 1980 với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ hai thế giới. Tuy nhiên sau đó, kinh tế Nhật bắt đầu suy thoái kéo dài đến nỗi không ít doanh nghiệp xem đó như là chuyện bình thường, không có động lực để thay đổi.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp đồng hành với những khó khăn đó để thay đổi và đã phát triển. Đó là các doanh nghiệp có những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, dám đương đầu với nghịch cảnh, xây dựng một đội ngũ biết thích nghi để vượt lên và chiến thắng. Phải chăng chính lúc khó khăn là lúc cần bình tĩnh tìm kiếm và bồi dưỡng cho doanh nghiệp một lãnh đạo thật mạnh mẽ.
Khi khó khăn, cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ
Để là một lãnh đạo mạnh mẽ cần có các tố chất khác nhau. Nhưng tố chất nổi bật nhất có lẽ là ý chí đương đầu thử thách. Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ khi gặp khó khăn không chùn bước mà nghĩ đó chính là bước chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai. Nhiều lãnh đạo đã thành công với tinh thần và ý chí đằng sau sự khó khăn lớn là một cơ hội lớn để đưa doanh nghiệp vượt khó. Nếu người lãnh đạo đầu hàng hoàn cảnh khó khăn và cam chịu thì sự phát triển của họ cũng dừng ở đó và doanh nghiệp không lớn thêm được nữa.
Trong giới doanh nhân Nhật, không ai không biết Matsushita Konosuke, người sáng lập ra Công ty Matsushita Electric, tiền thân của Tập đoàn Panasonic. Sau Thế chiến thứ hai, nhà máy sản xuất bóng đèn của Matsushita bị tàn phá. Ngày hội ngộ, mọi người nhìn nhau lắc đầu và bỏ đi tìm việc mới. Riêng Matsushita ngày đêm không nghỉ, thu lượm mảnh vỡ máy móc trong hoang tàn để nhân viên sửa chữa, đi vào sản xuất trở lại. Ông đã thuyết phục được đồng nghiệp ở lại, dấn thân vào một thử thách mới để rồi xây dựng nên một tập đoàn lớn mạnh như hiện nay.
Tổ chức không theo chiến lược mà đi theo con người
Để vượt qua được khó khăn, nghịch cảnh, nhà lãnh đạo cần có những chiến lược tốt cho doanh nghiệp. Nhưng điểm mấu chốt để vượt qua nghịch cảnh là nhà lãnh đạo phải lạc quan nhìn nhận vấn đề, xem đó là thử thách cho sự trưởng thành của bản thân, của tổ chức, chủ động thay đổi suy nghĩ để tìm giải pháp, ý tưởng tích cực để khắc phục. Nếu làm được vậy, nhà lãnh đạo sẽ tạo ra ánh sáng, kéo tổ chức ra khỏi bóng tối của đường hầm.
Trên thực tế, một tổ chức sẽ không đi theo một chiến lược mà là đi theo một con người. Do đó, một lãnh đạo mạnh mẽ biết dùng tài năng của mình kéo cả đoàn tàu từ tối ra ánh sáng chính là phương pháp tốt nhất để vượt qua nghịch cảnh. Bởi vậy, nếu nghĩ được nghịch cảnh chính là thử thách mà ông trời muốn huấn luyện cho ta phát triển thì từ đó sẽ tạo ra được động lực và năng lượng mạnh mẽ để vượt qua khó khăn.
Vào thời Matsushita Electronic còn là công ty bậc trung, có lúc tình hình kinh doanh đi xuống, sản phẩm bán ra chỉ được một nửa. Đúng lúc đó, ông chủ Matsushita Konosuke bị lao phổi phải nằm viện. Các nhân viên cao cấp báo cáo lại cần phải cắt giảm nhân sự cho phù hợp với tình hình bán hàng lúc bấy giờ. Mọi người đều lo lắng, bất an nhưng Matsushita Konosuke đã quyết định không sa thải mà giữ lại tất cả nhân viên, thuyết phục mọi người kể cả nhân viên sản xuất thời gian rảnh thì đi bán hàng. Mọi người cùng nhau gắng sức như vậy và sau hơn một năm, sản xuất không kịp đơn đặt hàng.

Lãnh đạo mạnh tạo ra nhân viên mạnh
Sức mạnh của một đội bóng phụ thuộc rất nhiều vào sức mạnh của người lãnh đạo, dẫn dắt lối chơi. Một đội bóng hay một doanh nghiệp đều như vậy. Chừng nào người lãnh đạo không nâng tầm của mình thì tổ chức và nhân viên trong đó sẽ không thể nào vượt lên được. Vì vậy với một lãnh đạo mạnh mẽ, nhân viên cũng sẽ được học hỏi và trải nghiệm, được kéo đi theo dòng chảy mạnh mẽ và sẽ trở thành những nhân viên mạnh mẽ. Do đó, tìm ra những nhà lãnh đạo mạnh mẽ rồi bồi dưỡng phát triển chính là sứ mệnh tối quan trọng để doanh nghiệp có thể đối đầu với nghịch cảnh như hiện nay.
Do vậy, doanh nghiệp phải xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp, nhưng trên cả là cần đào tạo một lãnh đạo mạnh mẽ. Đây không phải là việc có thể thực hiện được trong ngày một ngày hai. Doanh nghiệp cần làm ngay từ bây giờ, phải tập trung vào con người, tìm kiếm và phát huy điểm mạnh của nhân viên, luôn nhiệt huyết trong việc đào tạo các lãnh đạo giỏi càng nhiều càng tốt. Khi khó khăn mà cắt giảm nhân sự chưa hẳn đã là điều tốt. Thay vào đó cần chuẩn bị tạo ra nhiều nhà lãnh đạo mạnh mẽ, làm nòng cốt cho một tập thể mạnh mẽ. Được như vậy là coi như đã xây dựng được một mô hình quản trị có khả năng chiến thắng nghịch cảnh.

Theo Saga