Kiến thức quản trị Mô hình 1.10 và 10.10 – Đi tìm phương pháp thành công

Mô hình 1.10 và 10.10 – Đi tìm phương pháp thành công

36
Ngày nay, xu hướng chuyển đổi sang mô hình quản trị 10.10 đã và đang trở thành trào lưu mà hầu như bất kỳ tập đoàn đa quốc gia nào cũng đều phải đi qua. Việc đề cao vai trò của từng cá nhân sẽ tạo ra động lực to lớn giúp Doanh nghiệp có thể giữ chân những nhân viên giỏi cũng như khơi dậy được những năng lực tiềm ẩn trong họ. Thông qua đó, chúng ta sẽ có được sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, luôn trong trạng thái sẵn sàng cho các kế hoạch phát triển về sau, đặc biệt là khi Doanh nghiệp muốn vươn đến những thị trường mới.

Xuất phát từ mô hình tư nhân
Kể từ năm 1986, nền kinh tế Việt Nam chính thức hội nhập với thị trường quốc tế cho đến nay. Bên cạnh sự vươn lên mạnh mẽ cùng với nền kinh tế thế giới, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng hầu hết các Doanh nghiệp trong nước vốn đều xuất phát từ mô hình Doanh nghiệp tư nhân vốn rất thông dụng tại Việt Nam vào thời kỳ đó. 
Và trong suốt hơn hai chục năm vừa qua, các Doanh nghiệp tư nhân này cũng đang tích lũy vốn đầu tư từng ngày, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi công nghệ hiện đại để có thể trở thành những công ty cổ phần, tập đoàn kinh tế hùng mạnh, đứng vững trước sự cạnh tranh quyết liệt trên thương trường khu vực và quốc tế. Trong quá trình thay đổi để thích nghi với sự cạnh tranh, các Doanh nghiệp cũng đã nhận ra cách thức điều hành theo mô hình cũ đang dần trở nên bất cập và tạo ra nhiều trở ngại cho sự phát triển.
Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình quản trị truyền thống sang những mô hình quản trị mới lại không hề đơn giản, đặc biệt là đối với mô hình quản trị 10.10 được xây dựng dựa trên nguyên tắc đề cao vai trò của tất cả cá nhân. Ở nơi đó, từng thành viên đều được coi trọng và được giao những quyền hạn nhất định để có thể chủ động trong xử lý công việc. 
Không thể chuyển đổi trong thời gian ngắn
Với những nét đặc thù trên cũng như khoảng thời gian hội nhập kinh tế thị trường là rất ngắn, các Doanh nghiệp nên xác định rằng việc chuyển đổi chỉ nên được bắt đầu khi đã chúng ta đã thật sự có một nền tảng vững chắc. Và nền tảng ấy là một vấn đề mà chúng cần phải đầu tư xây dựng trong lâu dài chứ không phải chỉ trong thời gian ngắn. Theo nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế, các yếu tố đảm bảo cho Doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi thành công bao gồm một bộ máy hệ thống vững mạnh, bản sắc văn hóa Doanh nghiệp, hệ thống quy trình các phòng ban chặt chẽ … 
Ngoài ra, Doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến hoạt động tuyển dụng và luân chuyển bởi vì mô hình quản trị 10.10 cũng đòi hỏi các cá nhân xuất sắc thật sự. Hoạt động tuyển dụng phải tìm ra những con người có tinh thần trách nhiệm cao và luôn xem công ty như của chính bản thân mình. Các cá nhân phải có tinh thần tự quản tự quyết và luôn tôn trọng các thành viên khác trong công ty khi được giao quyền. Và những con người với những tố chất ấy chỉ có thể được tìm ra khi nền tảng giáo dục thật sự phát triển. 
Tất cả những yếu tố này lại không phải dễ dàng đạt được chỉ trong một sớm một chiều mà cần phải đầu tư xây dựng trong suốt thời gian dài. Do đó, việc chuyển đổi không nên thực hiện vội vã mà cần cân nhắc sự phù hợp với thực trạng hiện tại của công ty hay không.
Vẫn có thể sử dụng 1.10, nếu…

Một thật tế khác cần nhìn nhận là trong thời điểm hiện tại, nhiều Doanh nghiệp tư nhân vẫn đang phát triển từng ngày và có sức cạnh tranh không hề thua kém cũng như có đôi lúc lấn lướt trước cả những Doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta đã có những thương hiệu nội địa thật sự mạnh và đang từng ngày vươn đến các thị trường trong khu vực cũng như quốc tế.
Điều này cho thấy việc áp dụng mô hình quản trị truyền thống chưa hẳn là không tốt nếu các Doanh nghiệp biết vận dụng linh hoạt. Với những nét đặc thù của thị trường Việt Nam hiện tại, các Doanh nghiệp hoàn toàn có thể vận dụng mô hình 1.10 có sự điều chỉnh theo các nguyên tắc của mô hình 10.10 (có nghĩa là bề mặt vẫn là 1.10 nhưng bên trong lại chính là 10.10 ). Để thật sự đạt được điều này, người lãnh đạo cần phải có tư duy thật sự theo mô hình 10.10, nghĩa là cần phải tạo nên một văn hóa dân chủ ngay tại trong nội bộ Doanh nghiệp. Tất cả thành viên trong công ty đều có thể bày tỏ quan điểm, phát triển khả năng đóng góp vào sự phát triển chung của tổ chức. Mọi ý kiến đều được cân nhắc mặt mạnh, mặt yếu và tất cả chính sách được lập ra thật sự hợp lý dựa trên sự đồng thuận chung mọi thành viên
Không những thế, Doanh nghiệp phải thiết lập các quy trình thật sự chuẩn mực bên trong nội bộ Doanh nghiệp bao gồm các quy trình tuyển dụng, quy trình kiểm tra và đánh giá … nhằm mang đến sự vận hành trơn tru của cả bộ máy công ty. Bởi nếu những quy trình này không thật sự chặt chẽ, Doanh nghiệp sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí để có thể kiểm soát khi các thành viên được giao quyền tự quyết.
Tóm lại, trong xu hướng phát triển chung và hội nhập với thế giới, các Doanh nghiệp đang càng quan tâm nhiều hơn đến việc vận dụng linh hoạt các mô hình quản trị nhằm mang đến sự thành công cho tổ chức. Nhưng để thật sự có được những kết quả như mong muốn, các Doanh nghiệp phải thật sự am hiểu về nền tảng thực tại của công ty, cũng như thay đổi tư duy theo hướng hiện đại, có sự chuẩn bị không những về cơ cấu bộ máy hệ thống mà cả các yếu tố con người khác.

Theo Saga