Kiến thức quản trị Những bài học của doanh nghiệp lớn, nhỏ

Những bài học của doanh nghiệp lớn, nhỏ

1
Doanh nghiệp nhỏ nghĩ rằng doanh nghiệp lớn có nguồn lực vô hạn và hàng đống tiền để làm bất cứ điều gì họ muốn. Còn doanh nghiệp lớn cho rằng doanh nghiệp nhỏ có tính thầu khoán và có thể hoạt động nhanh chóng và đầy ý tưởng sáng tạo. Những niềm tin trên đều sai cả…
Dick Harrington là CEO và Chủ tịch của công ty truyền thông lớn nhất thế giới Thomson Reuters, có công biến một công ty cổ phần đa lĩnh vực thành một công ty đầu tàu trong lĩnh vực dịch vụ thông tin. Ông cũng vừa tham gia ban quản trị của một công ty mới thành lập.
Dưới đây là một vài lưu ý từ cuộc trao đổi giữa ông với Harvard Business Publishing về việc áp dụng một cách khôn ngoan những bài học của doanh nghiệp lớn vào doanh nghiệp nhỏ.
– Sau gần một thập kỉ điều hành một công ty thuộc Fortune 500 – công ty truyền thông lớn nhất thế giới – điều gì thúc đẩy ông làm việc với một công ty nhỏ và mới ở giai đoạn đầu?
Các doanh nghiệp nhỏ sử dụng hơn một nửa nhân công trong lĩnh vực tư nhân ở Mỹ và có vai trò trong sự phát triển của nước Mỹ. Trong thập kỉ qua, họ đã tạo ra khoảng 75% việc làm mới mỗi năm. Điều quan trọng nhất, đó là cái nôi cho các ý tưởng sáng tạo nhất.
Tuy vậy, hầu hết doanh nghiệp nhỏ lại thất bại vì hoạt động kinh doanh cơ bản của họ rất tồi. Vì vậy tôi rất hứng khởi với cơ hội hướng dẫn họ và hy vọng có thể chia sẻ một vài bài học. Hãy nghĩ thế này: sẽ thú vị hơn nhiều khi phát triển một công ty từ con số 0 đến công ty trị giá 100 triệu đôla so với việc tăng thêm 100 triệu đôla cho một công ty trị giá một tỷ đôla.
– Vậy nhận thức sai lầm nhất của mọi người về doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn là gì?
Hầu hết doanh nghiệp nhỏ nghĩ rằng doanh nghiệp lớn có nguồn lực vô hạn và hàng đống tiền để làm bất cứ điều gì họ muốn. Còn doanh nghiệp lớn cho rằng doanh nghiệp nhỏ có tính thầu khoán và có thể hoạt động nhanh chóng và đầy ý tưởng sáng tạo.
Những niềm tin trên đều sai cả. Hầu hết doanh nghiệp lớn không lãng phí nhiều nguồn lực vào các dự án và hầu hết doanh nghiệp nhỏ có xu hướng trì trệ khi họ trong giai đoạn kinh doanh ban đầu.
Cuối cùng thì kinh doanh vẫn là kinh doanh. Quy mô của tổ chức không quan trọng. Tất cả chúng ta đều phải hiểu khách hàng và thị trường của mình, đặt đúng người vào đúng chỗ và chắc chắn rằng tổ chức phải thực hiện được mục tiêu và mục đích của mình.
– Vậy đâu là thế mạnh mà các doanh nghiệp nhỏ nên tập trung vào?
Các doanh nghiệp nhỏ có lợi thế cạnh tranh quan trọng. Người thành lập dẫn dắt công ty với niềm đam mê chân thực để có thể tạo ra một tầm nhìn rộng. Doanh nghiệp chính là cuộc sống của họ. Họ biết rõ việc kinh doanh và khách hàng hơn ai hết và điều đó có thể thúc đẩy những hoạt động đúng đắn.
Một doanh nghiệp lớn có thể có nhiều tiền đầu tư vào nghiên cứu nhưng người lãnh đạo của doanh nghiệp nhỏ cũng luôn có cách tương tác trực tiếp với khách hàng. Tôi rất tin tưởng rằng các chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm sẽ chiến thắng trong thời gian dài.
– Vậy thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ là gì và làm thế nào giải quyết các thách thức đó?
Vấn đề lớn nhất là làm thế nào doanh nghiệp có thể sắp xếp tổ chức. Các doanh nhân cần phải nhận thức được rằng một người không thể quản lý hết được mọi việc, rằng họ không thể làm cùng một lúc vai trò của người marketing, bán hàng, vận hành… Tư tưởng đó sẽ không hiệu quả trong thời gian dài.
Điều quan trọng là phải thoải mái, tin tưởng người bạn đã thuê và phải chấp nhận việc họ có thể phạm sai lầm trong công việc. Thậm chí một nhà quản lý cũng có thể đưa ra một quyết định hoàn toàn sai, điều đó cũng có thể chấp nhận được. Hãy để họ học hỏi từ chính những lỗi lầm của mình.
– Các bài học khác mà ông cho là hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ và những người lãnh đạo theo dõi cuộc đối thoại này?
Nhiều năm trước tôi bắt đầu từ một công ty cung cấp hệ thống ống nước với một số đối tác. Chúng tôi không có nhiều vốn vì vậy đôi khi phải sáng tạo trong việc đáp ứng các đơn hàng. Chúng tôi cố gắng đảm bảo hoàn thành mọi đơn hàng. Đôi khi chúng tôi phải lấy một phần từ đối thủ cạnh tranh hoặc mua lẻ để hoàn thành đơn hàng. Nhưng điều đó hoàn toàn chấp nhận được.
Điều quan trọng là không bao giờ làm mất lòng khách hàng. Chúng tôi đã nói “Phải, chúng ta có thể” nhiều năm trước khi ông Obama phát biểu như vậy.
Ngoài nguyên tắc khách hàng là số một, chúng tôi luôn có một quy tắc là quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Thành công hiếm khi đến với những lịch làm việc hành chính. Cũng luôn cần xét đến các vấn đề quan trọng và luôn “làm việc hoà hợp” với các nhân viên khác. Cách tốt nhất để định hướng hành vi của người khác là làm gương cho họ.
Cuối cùng là làm việc có trọng tâm. Đừng quá tham vọng. Hãy giữ sức và tập trung vào những ưu tiên hàng đầu quan trọng của công ty. Để làm được điều đó hãy làm nhiều nhất năm việc một lúc và đừng đặt mục tiêu thứ 6 khi mà mục tiêu thứ 1 chưa được thực hiện. Bạn chắc chắn sẽ tăng cơ hội thành công cho mình.

Theo Anthony Tjan