Kiến thức quản trị Lãnh đạo hiện đại và hợp thời với 13 quy tắc

Lãnh đạo hiện đại và hợp thời với 13 quy tắc

2
Kinh tế khó khăn, làm thế nào lãnh đạo có hiệu quả? Sau đây là 13 lời khuyên từ những doanh nhân vừa và nhỏ hàng đầu Hoa Kỳ.
1. Suy nghĩ nhanh – thực hiện sớm. Từ trước khi thành lập công ty phân tích trực tuyến Omniture, anh Josh James luôn tự nhận mình mắc sai lầm nhiều hơn bất kỳ ai vì thói quen cứ nghĩ là làm, nhanh chóng, tức thì. Anh luôn mang theo mình quyển sổ ý tưởng để lập tức ghi chép những sáng kiến nảy ra hằng ngày, hằng giờ. Tích góp những phát kiến nhỏ, dần dần, anh tự tìm ra cách lập kế hoạch kinh doanh, tiếp thị, phân phối của riêng mình, để xây dựng và phát triển doanh nghiệp thành công nhất.
2. Dũng cảm nói “không”. Chị Kelly Cutrone từng là nhà sáng lập công ty PR People’s Revolution. Chị cho biết: để làm việc với nhân viên và thương thảo với khách hàng một cách chuyên nghiệp thì cần học cách sử dụng sức mạnh của từ “không” một cách có hiệu quả. Khi cần, phải từ chối để vạch rõ giới hạn cần thiết trong công nghiệp dịch vụ. Không ôm đồm để tránh tạo sức ép dư thừa.
3. Giao tiếp có giới hạn. Joel Spolsky, nhà sáng lập kiêm CEO của Fog Creek Software nhận thấy rằng khi doanh nghiệp phát triển, các phòng ban được chuyên môn hóa, công việc của nhân viên dần đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, giao tiếp lại càng mở rộng. Thường xuyên phải hội họp, gặp gỡ, tiếp chuyện điện thoại, gửi e-mail… Tốn nhiều thời gian mà chưa hẳn có hiệu quả tích cực. Vậy nên, cần cân nhắc giới hạn của những hoạt động giao tiếp đối ngoại.
4. Phát triển hoạt động từ thiện. Khi công ty phát triển, kinh doanh phát đạt, để nhân viên đừng ngủ quên trong chiến thắng, chị Amy Simmons, chủ doanh nghiệp Amy’s Ice Cream, đã tổ chức ngày tình nguyện tại bệnh viện và khuyến khích các nhân viên hành động cho cộng đồng. Vừa tạo sinh khí mới cho mọi người hằng say lao động, vừa để tiếng thơm cho công ty.
5. Biến văn phòng thành xưởng sản xuất ý tưởng. Rob Dyrdek là vận động viên trượt ván chuyên nghiệp, nên khi thành lập công ty và trở thành doanh nhân, anh luôn tạo điều kiện để nhân viên có môi trường làm việc tốt nhất mà anh gọi là Fantasy Factory. Không chỉ nhân viên, mà thậm chí khách hang và các ngôi sao cũng tìm đến công ty của anh để tận hưởng cảm giác thoải mái và không khí vui vẻ để nảy sinh nhiều phát kiến mới.

6. Mọi nhân viên đều phải chăm sóc khách hàng. Bất cứ e-mail nào gửi đến công ty Kayak đều được trả lời tận tình. Nhà đồng sáng lập Paul English còn trực tiếp trả lời điện thoại khách hàng. Vậy nên, nhân viên hay kỹ thuật viên bất cứ phòng ban nào cũng phải thực hiện công việc như phòng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Theo lời anh English thì: “Kỹ thuật viên trực tiếp nghe phàn nàn từ khách hàng thì sẽ có thể hiểu và phản hồi đúng đắn, sát hợp, đem lại thay đổi có hiệu quả cho sản phẩm và dịch vụ của công ty”.

7. Đề cao tính sáng tạo. Caterina Fake, nhà đồng sáng lập trang chia sẻ hình ảnh Flickr, là người có lịch làm việc ngẫu hứng. Vấn đề năng suất và số lượng chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp lãnh đạo của chị. Theo chị, cần thiết nhất là tạo mọi điều kiện để nhân viên nảy ra sáng kiến độc đáo.

8. Sắp xếp lịch làm việc mở. Scott Lang, CEO của Silver Spring Network, luôn để lịch làm việc cố định 50% và linh hoạt 50%, để dành cho những cuộc gặp bất ngờ như bữa trưa với CEO khách hàng, bạn bè, tự đọc và học thêm, chiêm nghiệm toàn cảnh doanh nghiệp, cân nhắc kế hoạch tương lai…

9. Không chỉ xã giao mà cần đi sâu sát vào từng nhân viên. Theo chị Cutrone, mỗi nhân viên có những kỹ năng khác nhau với những tính cách khác nhau, nên không thể đối xử ngang bằng với tất cả mọi người. Chị không dừng lại ở mức quan hệ xã giao đều nhau với mọi người mà cố tìm dịp để trò chuyện với từng người về cuộc sống, những gì đang diễn ra, về khách hàng, về những mối lo…

10. Dẹp họp hành và bớt gặp mặt trực tiếp. Mark Cuban, chủ doanh nghiệp Dallas Mavericks và CEL của HDNet thấy rằng họp hành thật mất thời gian. Theo anh, nếu gặp gỡ trực tiếp hay gọi điện thoại cho khách hàng và đối tác thì tiêu tốn từ 5 đến 10 giờ/ngày. Vậy nên, tốt nhất là liên lạc qua e-mail dẫu cho là trao đổi công việc giữa nhân viên với nhau, nhân viên với khách hàng, đối tác…
11. Quản lý vi mô. Hầu hết doanh nghiệp thế hệ mới nghĩ rằng nhà quản lý giỏi không phải là người ôm đồm mà phải biết giao việc cho đúng người tài. Tuy nhiên, theo Joel Spolsky, thỉnh thoảng, để khắc phục vấn đề hay giải quyết nhiều khó khăn tồn đọng trong thời khủng hoảng thì cần một quản lý tài năng, có thể sâu sát và dẫn dắt hoạt động của nhân viên để nhanh chóng tháo gỡ trở ngại.
12. Để nhân viên làm việc linh hoạt. Alden Mills của Perfect Fitness thấy rằng chẳng cần thiết phải ép nhân viên vào khuôn khổ giờ làm việc cố định, cứ để họ tự đến và đi bất cứ lúc nào. Giữ nhân viên ở công ty khi họ không tha thiết chẳng bằng để họ về nhà hoặc đi du lịch mà cứ phải nghĩ đến công việc và trách nhiệm với công ty.
13. Tự thực hiện những cuộc gọi quan trọng. Jordan Zimmerman, nhà sáng lập công ty Zimmerman Adcertising luôn trực tiếp gọi điện đến và trao đổi công việc với những khách hàng quan trọng hằng ngày. Mục đích là duy trì quan hệ thân tình, tạo thành nhóm bạn bè, thường xuyên cập nhật phản hồi từ họ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu thay đổi nhanh và ngày càng cao của khách hàng.

Theo Diendanquantri