Kiến thức quản trị Nợ xấu, chưa cần hốt hoảng

Nợ xấu, chưa cần hốt hoảng

1
Nhắc lại lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong buổi chất vấn tại Phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia kinh tế tham dự Hội thảo Cơ chế xử lý nợ xấu vừa được Bộ Tài chính (Viện chiến lược và chính sách tài chính cùng Tổng công ty Mua bán nợ) tổ chức đều cho rằng, nợ xấu của các TCTD hiện rất lớn nhưng… “chưa đến mức phải hốt hoảng”.

“Số liệu về nợ xấu đã và đang tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng – chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi, Vietinbank nói – nhưng các chuyên gia kinh tế, giới phân tích không biết đâu mà lần bởi có quá nhiều số liệu khác nhau”.

Theo số liệu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình công bố trong buổi chất vấn kể trên thì hiện nợ xấu của các TCTD vào khoảng 10%, cao hơn so với con số được Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cũng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước công bố là 8,6%, và cao hơn rất nhiều so với số nợ xấu được các TCTD công bố hồi tháng 3 vừa qua là khoảng 4%.
Trong khi đó, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia lại công bố con số nợ xấu của các TCTD là 11,6%, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số 13% được một tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm công bố.
Có quá nhiều số liệu về nợ xấu, song nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định: “Nợ xấu chắc chắn không dưới 10%”.
Với tổng dư nợ của các TCTD cung cấp cho nền kinh tế ước vào khoảng 2,1 triệu tỷ đồng, vì vậy, ông Tuyển cho rằng, dù tỷ lệ nợ xấu ở độ nào thì về số tuyệt đối “nợ xấu của Việt Nam cũng rất lớn”.
Theo bà Nguyễn Thị Mùi, không phải 100% nợ xấu của doanh nghiệp đều là nợ xấu của TCTD và cũng không phải 100% nợ xấu của TCTD đều là dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp. Hơn nữa, TCTD không phải chỉ có ngân hàng thương mại mà còn bao gồm cả nhiều định chế tài chính khác nữa như công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính.
“Nhiều công ty cho thuê tài chính có nợ xấu lên đến 40-50% đã kéo số nợ xấu của hệ thống các TCTD tăng lên, nhưng đây không phải là nợ xấu của các ngân hàng thương mại vì thế không nên quá lo lắng về nợ xấu”, bà Mùi nói.
Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội khoá XII, TS. Dương Thu Hương thẳng thắn: “Trong hoạt động ngân hàng, nợ xấu là tất yếu và không có gì phải sợ, nợ xấu tồn tại cùng với TCTD. Nhưng quan trọng tỷ lệ nợ xấu bao nhiêu là hợp lý”.
“Trước đây tỷ lệ nợ xấu của chúng ta cũng rất cao, thậm chí còn cao hơn bây giờ rất nhiều, nhưng khi đó chúng ta chưa thực sự quan tâm để xử lý. Kể từ năm 2008 trở lại đây, kinh tế liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm nên nợ xấu có chiều hướng gia tăng là tất nhiên. Nếu sợ nợ xấu chỉ còn cách đóng cửa ngân hàng”, bà Hương phân tích.
Bà Hương cho rằng, nhận định “nợ xấu là cục máu đông của nền kinh tế là chưa chính xác”. Theo bà, “cục máu đông chính là lượng hàng tồn kho lớn, vốn của doanh nghiệp, trong đó có cả vốn vay từ TCTD bị chết ở hàng tồn kho. Vì thế, cần phải giải quyết tốt hàng tồn kho thì nợ xấu cũng giảm dần.
TS. Nguyễn Thị Mùi cũng thừa nhận, nợ xấu nằm ở hàng tồn kho rất lớn. Nhưng ngoài nguyên nhân này, bà Mùi cho rằng, còn có nguyên nhân khác nữa là việc nhiều TCTD cố tình che dấu nợ xấu bằng nhiều cách như giảm tuổi nợ, biến vốn vay thành vốn cổ phần, bán nợ cho công ty xử lý nợ trực thuộc ngân hàng thương mại… Chuyển vốn vay thành vốn góp về mặt cân đối kế toán thì khoản nợ xấu đã được xử lý, nhưng thực tế đây chỉ là tiền đầu tư ảo, nợ xấu vẫn còn nguyên. Thậm chí có thể coi đây là “khoản nợ xấu nhất trong nợ xấu”.
“Nợ xấu gia tăng còn có một phần “đóng góp” không nhỏ của chính cán bộ tín dụng nhưng không thể có con số thống kê chính thức số nợ xấu này chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số nợ xấu. Điều đáng nói là lãnh đạo TCTD nào cũng biết chính xác số nợ xấu này cụ thể là bao nhiêu nhưng không bao giờ tiết lộ vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, dư luận xã hội chỉ biết các TCTD đã mất mấy chục tỷ đồng, mấy trăm tỷ đồng, hàng triệu USD, hàng chục triệu USD do cán bộ tín dụng cố tình làm sai các quy định của ngân hàng để chiếm đoạt tài sản hoặc tiếp tay cho tổ chức, cá nhân chiếm đoạt tài sản của ngân hàng khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải những vụ tạm giam, truy tố, khởi tố cán bộ tín dụng thuộc TCTD nào đó”, bà Mùi phát biểu.
Phát biểu tại cuộc Hội thảo Cơ chế xử lý nợ xấu kể trên, ông Nguyễn Đình Lưu, Phó tổng giám đốc Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và sự an toàn của hệ thống tín dụng – cũng như rơi vào “ma hồn trận” trước các số liệu về nợ xấu được công bố công khai và thực tế nợ xấu hiện nay tại từng TCTD.
Theo ông Lưu, các TCTD dụng hiện vẫn chưa minh bạch về số liệu nợ xấu, thậm chí còn có tình trạng cố tình giấu diếm nợ xấu để làm đẹp bảng cân đối kế toán, “qua mặt” cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng, giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, “làm đẹp” bảng thành tích của ban lãnh đạo, hội đồng quản trị của TCTD trong nhiệm kỳ “cầm quyền”.
Một mặt ông Lưu nhận định, nợ xấu của các TCTD chắc chắn không dưới 10%, nhưng mặt khác, vị đại diện cho Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng không chắc con số mình dự đoán có chính xác không. “Vì có rất nhiều khoản nợ xấu, thậm chí là rất xấu nhưng chỉ bằng nghiệp vụ đảo nợ, gia hạn nợ thì khoản nợ xấu này đã “biến mất” trong báo cáo tài chính”, ông Lưu phân vân.
Cũng trong buổi buổi chất vấn tại Phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ, nhiều TCTD báo cáo nợ xấu chỉ có 4-5% nhưng khi cơ quan Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng vào thanh tra thì nợ xấu thực tế gấp nhiều lần con số báo cáo, thậm chí có ngân hàng đứng trước nguy cơ phá sản, thanh khoản đang ở mức nguy hiểm nhưng báo cáo tình hình kinh doanh vẫn rất lạc quan.
Xác nhận thông tin do Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra, ông Lưu cho biết, nhiều TCTD báo cáo tỷ lệ nợ xấu rất đẹp, nhưng khi tiến hành thanh tra thì nợ xấu lên tới 50-60%. Nếu theo thông lệ quốc tế thì những TCTD này đáng bị phá sản, giải thể từ lâu rồi.
“Nhưng chúng ta hiện vẫn có tư tưởng đã là ngân hàng của xã hội chủ nghĩa thì không thể đổ vỡ. Đây là quan niệm lỗi thời, cần phải cho một số ngân hàng nhỏ hoạt động kinh doanh khó khăn, tỷ lệ nợ xấu cao… phá sản thí điểm”, đại diện Cơ quan Bảo hiểm Việt Nam đề nghị.

Theo Mạnh Bôn