Kiến thức quản trị Doanh nghiệp đối phó với hàng xách tay

Doanh nghiệp đối phó với hàng xách tay

54
Trào lưu kinh doanh và mua bán hàng xách tay đang lan rộng ở Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng chính hãng.

Rất dễ thấy sự “bành trướng” của hàng xách tay chỉ bằng một cú click chuột. Tìm kiếm trên Google, chỉ trong vòng 0,13 giây đã có trên 36 triệu kết quả. Quả là một con số gây choáng và điều đó chỉ chứng minh một điều, hàng xách tay đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường Việt Nam. Chỉ từ việc kinh doanh hàng xách tay mà không ít người đã phất lên nhanh chóng chỉ trong vòng 2-3 năm.

Sức hấp dẫn lớn như vậy, nên kinh doanh hàng xách tay giờ nở rộ “như nấm sau mưa”. Ban đầu chỉ là những cửa hàng nhỏ, sau là các siêu thị mini. Thậm chí, ở Hà Nội, còn có “thiên đường hàng xách tay” Nguyễn Sơn (Gia Lâm).
Điều đáng nói là ở chỗ, nếu như trước đây, hàng xách tay chủ yếu tập trung vào các loại hàng công nghệ cao, như máy tính xách tay, điện thoại di động, hàng điện tử, hay mỹ phẩm cao cấp, thì nay, cả quần áo, dầu gội đầu, bánh kẹo, nước mắm, xì dầu… cũng có hàng xách tay. Vốn sính hàng ngoại, cộng thêm tâm lý tin tưởng rằng, “hàng xách tay là hàng xịn”, lại được “tận hưởng sự sung sướng”, với mức giá thấp hơn 15-30% so với hàng nhập khẩu chính hãng, thậm chí chỉ bằng một nửa, nên người tiêu dùng Việt Nam rất vô tư “tiếp tay” cho loại hình kinh doanh đang rất “hot” này.
Trên thực tế, mua hàng xách tay, không ít người tiêu dùng cũng bị lừa, vì nhiều thông tin cho thấy, đơn cử như mặt hàng mỹ phẩm, có một tỷ lệ nhất định sản phẩm này là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng sản phẩm. Thậm chí, không chỉ là mỹ phẩm, mà các sản phẩm, như túi xách, quần áo, kính…, dù được tiếng là “hàng hiệu xách tay”, với những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Lacoste, LV, Versace, D&G, Channel…, nhưng thực tế không ít trong số này là hàng giả và nguồn gốc thì chỉ… chủ cửa hàng mới biết.
Nhiều khách hàng hám rẻ đã bị “ăn quả đắng” từ những sản phẩm kiểu này. Và từ đó, vô tình gây họa cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng chính hãng.
Khi nhu cầu người tiêu dùng không tăng, thậm chí đang có chiều hướng suy giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, thì miếng bánh thị phần của những DN kinh doanh hàng chính hãng, mặc dù có lợi thế nhất định về hệ thống phân phối, chế độ hậu mãi, nhưng lại bị thiệt về giá, sẽ bị san sẻ. Doanh thu, lợi nhuận chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Chưa xong cuộc chiến với hàng giả, DN lại phải đối mặt với việc phải cạnh tranh với hàng xách tay, mà nhiều khi, thực chất cũng là hàng giả. Rất nhiều biện pháp đã được thực hiện. Chẳng hạn, Công ty Viễn thông A đã kết hợp rất chặt chẽ với nhà phân phối ở nước ngoài để khi các nhà sản xuất công bố sản phẩm bán ra thị trường, thì Công ty có thể ngay lập tức nhập hàng chính hãng về để bán ra thị trường bằng hoặc trước khi hàng xách tay vào.
Trong khi đó, nhiều DN lấy dịch vụ hậu mãi làm vũ khí cạnh tranh. Tại FPT, khách hàng được tặng 2 phiếu ưu đãi kỹ thuật khi mua máy tính xách tay. Ngoài ra, còn được tư vấn kỹ thuật miễn phí 24/24h qua đường dây nóng. Chưa thể thắng được hàng xách tay, nhưng đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu ảnh hưởng. Và thực tế, vẫn có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chấp nhận chi nhiều tiền hơn, nhưng được hưởng lợi từ hàng chính hãng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, xu hướng phát triển và cạnh tranh của hàng xách tay thời gian tới sẽ còn mạnh mẽ và quyết liệt hơn nhiều. Bởi thế, để không bị thua cuộc trước các đối thủ này, DN phải không ngừng nghiên cứu và đưa ra những lợi thế, khác biệt, xác định phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu rõ ràng hơn, khẳng định giá trị của sản phẩm bằng tem chính hãng, nâng cao năng lực cạnh tranh… Đồng thời, cũng không loại trừ các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng về những lợi ích khi mua hàng chính hãng.
Ông Phạm Tuấn Đạt, Giám đốc miền Bắc Công ty cổ phần Bách Khoa Computer, sẽ là vị CEO tham gia Chương trình CEO – Chìa khóa thành công phiên bản 2012 tuần này và chia sẻ các kinh nghiệm hữu ích để làm sao tránh được “họa” do hàng xách tay mang đến. Chương trình được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (ngày 2/9) và phát lại vào lúc 8h sáng thứ Hai (3/9) trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Namn
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công – CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Thép Pomina.

Theo Nguyên Đức