Kiến thức quản trị Tồn kho và vấn đề gỡ “nút thắt”

Tồn kho và vấn đề gỡ “nút thắt”

5
Lạm phát không phải là vấn đề lớn đáng lo ngại cho nền kinh tế. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, lãi suất cho vay trên thị trường cho thấy xu hướng giảm, lãi suất cho các khu vực ưu tiên chỉ còn 10-13%/năm. 
Đây có phải là thời điểm thích hợp để tiến hành tự do hóa lãi suất? Theo ý kiến của một số chuyên gia, dù có những tín hiệu tích cực, nhưng “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng chưa thực sự tạo được tâm lý ổn định cho thị trường. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, “sức khỏe” doanh nghiệp chưa được cải thiện, cầu tiêu dùng chưa khỏe lên.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh, để giảm lãi suất cho vay và khơi thông dòng vốn ra nền kinh tế, điều quan trọng hiện nay là cần giải quyết lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp, ổn định hệ thống ngân hàng và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. Không thể nôn nóng, có thể sang năm 2013 mới là thời điểm “đẹp” để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tự do hóa lãi suất. Chính sách tự do hóa lãi suất chỉ được triển khai khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện rốt ráo quá trình tái cơ cấu và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại diễn ra bình đẳng bằng chất lượng dịch vụ chứ không phải bằng giá như hiện nay. Một chuyên gia khác thì cho rằng “nút thắt” của nền kinh tế hiện nay là hàng tồn kho. 
Câu hỏi được đặt ra là, tại sao hầu hết các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lại tồn kho “kỷ lục”? Tồn kho chỉ là một hiện tượng, còn nguyên nhân sâu xa được “mổ xẻ” cho thấy là do cung nhiều, trong khi nhu cầu về tiêu dùng trong dân cư, tích lũy tài sản và xuất khẩu ít. Nhìn lại trong suốt 10 năm (2000-2010), tồn kho luôn chiếm từ 3-5% trong GDP. Riêng năm 2011, số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, tồn kho cũng chỉ chiếm khoảng 3,2% trong GDP, đây là mức thấp nhất từ năm 2007 đến nay. Thế nhưng bước sang năm 2012, hầu như các doanh nghiệp đều có xu hướng không mở rộng, thậm chí thu hẹp sản xuất, vậy tại sao tồn kho lại đột ngột tăng vọt tới 21% so với cùng kỳ? Có lẽ cần “truy cập” lại nguồn của các số liệu để xem xét có thật nền kinh tế ứ đọng, tồn kho nhiều đến vậy hay không. 
Theo phân tích của một số nhà nghiên cứu, trong GDP “gói gọn” tiêu dùng của hộ gia đình, tiêu dùng của Chính phủ, tích lũy tài sản cố định, thay đổi tồn kho và xuất khẩu, nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2012, GDP tăng trưởng được 4,38% chính là nhờ lượng tồn kho và tăng trưởng nhập khẩu giảm khá sâu. Nguy cơ nằm ở chỗ, vì bản chất tăng trưởng GDP của thời kỳ trước dựa vào tồn kho nên thời kỳ sau doanh nghiệp không còn “mặn mà” để mở rộng sản xuất. Hơn thế, sản xuất trong nước lại “ăn theo” nhập khẩu, vì thế khi nhập khẩu giảm sút sẽ kéo sản xuất xuống “đáy” đình đốn. Rõ ràng, lượng tồn kho lớn của nền kinh tế xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu tiêu dùng cuối cùng. Khi nhu cầu giảm sút sẽ không kích thích được phía cung.
Có thể kết luận rằng, sự suy giảm từ phía cung dẫn đến thu nhập người dân giảm sút, tất yếu tiêu dùng cũng thắt chặt, cộng thêm giá xăng dầu, viện phí, học phí… tăng lên càng khiến cầu giảm mạnh. Vòng xoáy trôn ốc cứ tiếp diễn, vòng sau nhỏ hơn và xoáy hơn vòng trước. “Nút thắt” tồn kho thực chất là “nút thắt” cơ cấu kinh tế cần sớm tháo gỡ.

Theo Kinhtetapdoan