Kiến thức quản trị Đầu tư thành công của Warren Buffett và những điều bí mật

Đầu tư thành công của Warren Buffett và những điều bí mật

7
Nếu như cỗ máy thời gian là có thật và nhà đầu tư có thể quay trở về năm 1976, họ nên mua loại cổ phiếu nào? Đối với người Mỹ, câu trả lời rất rõ ràng: loại cổ phiếu mang lại mức lợi suất sau khi đã điều chỉnh rủi ro ở mức cao nhất không phải là các cổ phiếu công nghệ.
Đó là cổ phiếu của Berkshire Hathaway – tập đoàn đang được điều hành bởi Warren Buffett. Berkshire cũng là tập đoàn có mức lợi suất cao hơn so với các quỹ tương hỗ đã sống sót từ thời kỳ đó đến nay.
Một số học giả coi nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett là 1 trường hợp ngoại lệ của các con số thống kê. Một số người khác lại đơn giản coi kỹ thuật lựa chọn của Buffett là điều không thể lặp lại lần thứ 2.
Tuy nhiên, 1 nghiên cứu mới được công bố bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học New York và công ty quản lý vốn AQR đã chỉ ra những yếu tố chủ chốt tạo nên thành công xuất sắc của nhà tiên tri vùng Omaha.
Để hiểu được thành công của Buffett, cần có 1 chút hiểu biết cơ bản về lý thuyết đầu tư. Theo lý thuyết, nhà đầu tư cần phải xem xét độ nhạy cảm của cổ phiếu so với các diễn biến của thị trường và chỉ số này được gọi là hệ số beta.
Ví dụ, 1 cổ phiếu tăng 10% trong khi thị trường chỉ tăng 5% sẽ là cổ phiếu có diễn biến mạnh hơn so với mức trung bình của thị trường và có hệ số beta ở mức cao.
Ngược lại, cổ phiếu biến động thấp hơn so với biến động của thị trường sẽ có hệ số beta ở mức thấp. Theo mô hình beta, nhà đầu tư sẽ yêu cầu mức lợi suất cao hơn khi sở hữu cổ phiếu có độ biến động cũng như rủi ro cao hơn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng gặp phải vấn đề với mô hình này: trong dài hạn, sự thực có thể khác xa. Các cổ phiếu có hệ số beta thấp lại có diễn biến giá tốt hơn những cổ phiếu có hệ số beta cao, sau khi đã được điều chỉnh theo rủi ro.
Do đó, trong lý thuyết, nhà đầu tư vẫn có thể khai thác sự bất thường này bằng cách mua vào các cổ phiếu có hệ số beta thấp và tăng lợi suất bằng cách đi vay tiền hay còn gọi là dùng đòn bẩy cho danh mục.
Dẫu vậy, điều đó chỉ tồn tại khi hầu hết các nhà đầu tư không thể hoặc chắc chắn sẽ không thực hiện chiến lược này. Các quỹ lương hưu và quỹ tương hỗ bắt buộc phải đi vay tiền và do đó họ sử dụng con đường thay thế nhằm đẩy tăng danh mục đầu tư bằng cách mua vào các cổ phiếu có hệ số beta cao.
Kết quả là, xét về trung bình, danh mục đầu tư của các quỹ tương hỗ thường biến động mạnh hơn so với thị trường. Cuối cùng, các cổ phiếu có hệ số beta thấp bị bỏ qua và bị định giá thấp hơn giá trị thực.
Buffett đã tận dụng triệt để sự bất thường này. Ông được biết đến rộng rãi với chiến thuật mua vào các cổ phiếu từ các công ty có chất lượng cao khi chúng giảm điểm trong 1 thời gian ngắn.
Vào thời kỳ những năm 1980, cổ phiếu Coca Cola lao dốc sau khi hãng cho ra mắt sản phẩm “New Coke”. Một trường hợp khác chính là cổ phiếu General Electric trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Đúng như Buffett đã từng nhận định, mua vào 1 cổ phiếu tuyệt vời với giá tốt còn phù hợp sẽ tốt hơn nhiều so với mua 1 cổ phiếu bình thường với giá tuyệt vời.
Bên cạnh đó, Buffett cũng đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực có cổ phiếu biến động mạnh, điển hình là cổ phiếu công nghệ – loại cổ phiếu mà ông không thể đảm bảo chắc chắn sẽ có được lợi thế lâu bền trong dài hạn.
Tuy nhiên, nếu như không có đòn bẩy tài chính, lợi nhuận mà Buffett thu được sẽ không ở mức ngoạn mục đến vậy. Theo nghiên cứu này, tỷ lệ đòn bẩy trung bình ở mức 60% đã làm lợi suất của công ty tăng lên đáng kể.
Thêm vào đó, Berkshire cũng có khả năng đi vay với chi phí thấp: nợ của tập đoàn này được xếp ở mức AAA- trong suốt thời kỳ 1989 – 2009.
Yếu tố làm giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính của Berkshire chính là hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm vốn chiếm tới hơn 1/3 lợi nhuận. Một công ty bảo hiểm sẽ thu phí trước và trả tiền bảo hiểm vào 1 thời gian sau đó. Do đó, Berkshire đi vay từ chính các khách hàng đã mua bảo hiểm.
Đây có thể là 1 chiến dịch đắt đỏ nếu như Berkshire đánh giá quá thấp những rủi ro sẽ gặp phải trong tương lai. Tuy nhiên, nhờ vào lợi nhuận cao thu được từ hoạt động bảo hiểm, chi phí đi vay từ nguồn này của Berkshire chỉ ở mức trung bình là 2,2%, thấp hơn gần 3% so với chi phí đi vay trung bình trong ngắn hạn của chính phủ Mỹ trong cùng thời kỳ.
Sự ổn định của nguồn vốn cũng là 1 lợi thế của Berkshire. Giống như rất nhiều nhà đầu cơ bất động sản đã phát hiện ra trong quá khứ, phụ thuộc quá nhiều vào tiền vay mượn để kích thích sự tăng trưởng của lợi nhuận có thể trở thành mối nguy hiểm chết người nếu như người cho vay mất niềm tin.
Tuy nhiên, triển vọng dài hạn vốn có của hoạt động bảo hiểm đã bảo vệ Buffett trong suốt thời kỳ này, kể cả khi cổ phiếu Berkshire thấp hơn cả mức trung bình của thị trường.
Như vậy, theo các tác giả, chính 2 yếu tố hệ số beta thấp và đòn bẩy đã giúp lý giải tại sao Buffett lại thu về được siêu lợi nhuận. Tất nhiên, không thể khẳng định chắc chắn mức độ tăng trưởng tốt như vậy trong 1 thời gian dài có thể dễ dàng được sao chép.
Đúng như kết luận các tác giả đã rút ra, Buffett đã sáng suốt nhận ra các quy luật này và bắt đầu áp dụng chúng từ 50 năm trước.

Theo Marketingchienluoc