Kiến thức quản trị Phó chủ tịch Công ty Kinh Đô: “CEO Việt phải say men...

Phó chủ tịch Công ty Kinh Đô: “CEO Việt phải say men như cầu thủ bóng đá”

10
Phó chủ tịch Công ty Kinh Đô ví von về niềm đam mê cần phải có của một CEO hiện nay. Ngoài ra CEO 3.0 cũng phải dám “đổi thay hay là chết”, đồng thời biết cạnh tranh để sánh vai cùng các doanh nghiệp thế giới.
Lấy chủ đề “CEO 3.0 – xuyên thách thức – nắm vận hội”, hàng trăm giám đốc điều hành các doanh nghiệp Việt trong cả nước cùng sự liên kết của 6 hiệp hội đã ngồi lại với nhau ngày 20/9 tại TP HCM để tìm ra bức chân dung, các kỹ năng cần có của thế hệ CEO thứ ba của nền kinh tế nước ta.
Tại Việt Nam, sau khi đất nước giải phóng, thế hệ CEO đầu tiên (CEO 1.0) họ là giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, nắm hầu hết các cơ sở vật chất kỹ thuật và vận hành, sản xuất, thực hiện sứ mệnh đảm bảo cung – cầu nền kinh tế, giúp nhà nước thực hiện việc bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội.
Nền kinh tế Việt Nam mở cửa, chuyển sang cơ chế thị trường, cùng với việc gia nhập WTO, những luồng tri thức kinh doanh toàn cầu với sự tham gia thị trường của những tập đoàn đa quốc gia, những doanh nhân Việt uy tín đã xuất hiện. Đây có thể gọi là thế hệ CEO 2.0. Cuộc khủng hoảng hiện nay cùng bối cảnh hội nhập của Việt Nam với thế giới đã giúp chúng ta nhận ra năng lực của CEO Việt cần được thay đổi, đề đáp ứng nhu cầu của thời cuộc. Thời điểm này là của CEO 3.0.
“Thời kỳ nào cũng có khó khăn và thời điểm nào cũng có cơ hội. Khó khăn mình phải tồn tại, làm CEO phải say men như cầu thủ bóng đá. Say men chiến thắng với niềm đam mê”, ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh Đô phát biểu trong hội nghị.
Theo ông Nguyên, chính nhờ dự say men đó mà Kinh Đô từ công ty chỉ có 70 nhân viên giờ đã trở thành doanh nghiệp 8.000 người, doanh số từ 7.000 đến 10.000 tỷ đồng một năm. Ngoài ra, với nền kinh tế hiện nay, người điều hành doanh nghiệp cần phải giỏi về quản trị và đem lại lợi ích cho công ty.
Đồng tình, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận nêu ví dụ với chính bản thân mình. “Tôi ra trường đi làm từ năm 1982, đến 1988 làm lãnh đạo, tôi không bao giờ đổ lỗi vào khó khăn dù là cơ chế doanh nghiệp nhà nước, tôi nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Làm lãnh đạo phải biết xả thân”, bà Dung nói về phẩm chất CEO cần có
Đứng về góc độ nhà đầu tư, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Vina Capital cho rằng, CEO cần phải biết “đói” thành công và khát khao thành công. Một năm quỹ này nghiên cứu từ 200 đến 300 công ty nhưng chỉ quyết định đổ tiền vào khoảng 5-10% số đó và với Vina Capital thì bản chất, phẩm chất, kỹ năng của người điều hành doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng.
“Tôi nghĩ trong giai đoạn kinh tế hiện nay, các giám đốc điều hành cần phải dám thay đổi. Bên cạnh đó, CEO phải biết nhìn ra điểm yếu của mình như các doanh nghiệp Việt Nam thường là nhỏ, công ty gia đình nên quản trị và về tài chính còn chưa chú trọng”, ông Andy Hồ nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, CEO hiện nay đang phải đối đầu với hàng núi vấn đề: khủng hoàng kinh tế, gia nhập WTO… Họ phải liên tục học hỏi, cập nhật thông tin. “Biết những điều không biết” hay “thay đổi hay là chết”… rất nhiều khẩu hiệu thể hiện bản chất được đưa ra cho vị giám đốc điều hành.
Tuy nhiên, ngoài bức chân dung của từng CEO, vẫn còn câu hỏi muôn thuở dành cho thế hệ doanh nhân Việt: tìm người kế thừa tiếp theo, thuê CEO ngoại hay dùng người nội bộ.
“Nhìn chung rất nan giải trong việc tìm người kế nhiệm. Từ năm 2004, tôi đã bắt đầu nghĩ đến nhưng không hề dễ dàng. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: khi chuyển giao sẽ như thế nào, chuyển giao cho người dưới quyền thì không có cái mới, thuê người ngoài liệu có chấp nhận được cái thay đổi mới mẻ đó”, bà Dung băn khoăn.
Phó chủ tịch Kinh Đô thì hóm hỉnh cho rằng, mình chưa đến tuổi về hưu. “Mời một CEO bên Mỹ về làm với mức 20.000 USD một tháng, họ giỏi quản trị nhưng lại thiếu sắc bén, định hướng. Nếu phải thay thế tôi vẫn chọn người nội bộ”, ông Nguyên giải thích.
Một câu hỏi đặt ra cho ông Lê Hồng Minh, người đứng đầu VNG: nếu phải thay thế mình và buộc trong thời gian 3 tháng có thể tìm ra người thích hợp không, ông khẳng định sẽ tìm được và vẫn là người trong công ty. “Các công ty có bề dày lịch sử, trong 20-30 năm đầu, người sáng lập là người điều hành. Chúng ta đang trong giai đoạn đầu đó nên khó có thể thay đổi ngay”, ông Minh trần tình.
Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Pace – Viện trưởng Viện Ired thì một doanh nghiệp lớn khác với một doanh nghiệp vĩ đại. “Người đứng đầu doanh nghiệp lớn chắc chắn là người giỏi, tài năng, nhưng càng tài năng điểm “mù” càng lớn. Họ không dễ nhìn thấy sự đổi thay để biến doanh nghiệp mình thành lớn hơn”, ông Trung phân tích.
Ông Trung cũng cho rằng Việt Nam chỉ mới có những cá nhân CEO 3.0 chứ chưa có một thế hệ người điều hành 3.0. “Chúng ta đang nỗ lực để có thế hệ mới đó. CEO thời này phải nghĩ rằng không còn là hội nhập mà phải cạnh tranh để đưa doanh nghiệp sánh vai thế giới’, ông Trung đánh giá.

Theo Kiên Cường