Kiến thức quản trị Tân CEO của Barclays có làm nên chuyện?

Tân CEO của Barclays có làm nên chuyện?

11
CEO duy nhất của một ngân hàng toàn cầu như Barclay lại không có nền tảng về mảng ngân hàng đầu tư, sẽ làm gì sau vụ bê bối lãi suất Libor. Cuối cùng Barclays, ngân hàng lớn thứ hai nước Anh, cũng đã quyết định chọn Antony Jenkins, đứng đầu mảng ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp, làm Tổng Giám đốc (CEO).
Jenkins được xem là sự lựa chọn nội bộ tốt nhất cho vị trí này, sau khi vụ xì căng đan thao túng lãi suất Libor đã buộc nhiều lãnh đạo cấp cao của Barclays phải từ chức, trong đó có nguyên Chủ tịch Marcus Agius và nguyên CEO Bob Diamond.
Thế nhưng, Jenkins cũng là CEO duy nhất của một ngân hàng toàn cầu không có nền tảng về mảng ngân hàng đầu tư, vốn là động cơ lợi nhuận của Barclays.
Liệu một CEO chỉ giỏi về mảng bán lẻ có thể kham nổi mảng ngân hàng đầu tư?
Một phiên bản trái ngược với Bob Diamond
CEO mới của Barclays là một nhà điều hành ngân hàng bán lẻ đúng nghĩa, với phong cách trầm lặng và hòa nhã, khác hẳn với tính cách ồn ào, táo bạo của Diamond.
Trong lĩnh vực bán lẻ, Jenkins là một ngôi sao sáng. Ông có bằng thạc sĩ về triết học, chính trị học và kinh tế học của Đại học Oxford và bằng MBA từ Viện Công nghệ Cranfield. Sau khi tốt nghiệp Oxford, năm 1983, Jenkins gia nhập bộ phận ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp của Barclays. 6 năm sau, ông đã làm việc cho ngân hàng Mỹ Citigroup ở London và New York.
Sau đó, Tổng Giám đốc của Barclays, khi ấy là John Varley, đã chiêu dụ ông quay trở lại. Tại đây, ông đã giúp khôi phục bộ phận thẻ tín dụng Barclaycard và đến năm 2009, được cất nhắc trở thành người đứng đầu mảng ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp của Tập đoàn.
Sau khi phụ trách Barclaycard, Jenkins đã thay thế nhiều lao động có thâm niên và bán đi Monument, chi nhánh cho vay dưới chuẩn, nhằm cải thiện chất lượng các khoản vay. Ông cũng tận dụng cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 để mua lại Goldfish, một công ty thẻ tín dụng có 1,7 triệu khách hàng và 4 tỉ USD trong tổng dư nợ cho vay.
Kết quả của những nỗ lực này là Barclays đã tăng trưởng một cách ngoạn mục khi lợi nhuận trước thuế tăng lên 727 triệu bảng Anh năm 2009 từ mức 522 triệu bảng vào năm 2006. Lợi nhuận trước thuế của chi nhánh ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp tại Anh cũng đã tăng lên mức 1 tỉ bảng từ 710 triệu bảng năm 2009. Hai chi nhánh này là 2 đơn vị duy nhất của Tập đoàn đáp ứng được chỉ tiêu lợi nhuận/vốn (ROE) 13% năm 2011.
“Các bộ phận dưới quyền điều hành của ông đã không ngừng ăn nên làm ra. Những gì ông làm được trong mảng bán lẻ là một nền tảng tốt để giúp Barclays lấy lại uy tín sau vụ bê bối Libor”, Jason Napier và David Lock, 2 chuyên gia phân tích của Deutsche Bank, nhận xét.
Thách thức quá lớn
Barclays đã trả khoản tiền phạt 290 triệu bảng Anh để dàn xếp vụ thao túng lãi suất Libor. Không chỉ thế, Barclays còn đang đối mặt với một cuộc điều tra hối lộ khác từ Văn phòng chống gian lận Anh. Vụ điều tra này liên quan đến các khoản phí mà Barclays đã trả vào năm 2008 cho quỹ đầu tư quốc gia của Qatar.
Tuy nhiên, thách thức mà ông đối mặt không đơn thuần là 2 vụ bê bối và các cuộc điều tra. Công việc đầu tiên phải làm của Jenkins là phải kiểm soát được mảng ngân hàng đầu tư, vốn là động cơ tạo ra lợi nhuận chính.
“Jenkins cần khéo léo ứng xử trước sự xoi mói của giới truyền thông và trả lời trước Quốc hội. Ông phải nắm bắt được diễn biến các cuộc điều tra hiện tại và những thay đổi lớn về luật pháp mà ngành ngân hàng đang đối mặt. Ông cũng phải làm quen với việc xuất hiện nhiều hơn trước công chúng”, Cooper nói.
Còn Chris Wheeler, chuyên gia phân tích thuộc Mediobanca SA (Anh), thì lo ngại: “Jenkins hiểu rõ về mặt chiến lược của Barclays nhưng ông ấy chưa bao giờ làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Điều đó khiến những người làm trong mảng ngân hàng đầu tư cảm thấy lo lắng”.
Theo Wheeler, Jenkins phải vạch ra định hướng mới về chiến lược cho mảng ngân hàng đầu tư. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ khiến các chuyên gia giao dịch hàng đầu của bộ phận này cảm thấy không yên tâm và nếu họ ra đi, sẽ càng khó khăn cho Barclays.
Trước các quy định ngày càng siết chặt từ phía châu Âu và Anh, thị trường M&A biến động và sự chỉ trích của giới chính trị, Jenkins đang đối mặt với áp lực phải bán hoặc giảm quy mô của bộ phận ngân hàng đầu tư.
“Điều nhà đầu tư muốn thấy bây giờ là những cú cắt giảm chi phí mạnh tay hơn. Và câu hỏi đặt ra là Jenkins có gan để làm điều đó hay không. Bởi lẽ, xưa nay đó không phải là phong cách của Barclays”, Simon Maughan, chiến lược gia tại Olivetree Securities, nhận định.

Theo Marketingchienluoc