Kiến thức quản trị 10 bài học ‘quý hơn vàng’ để gặt hái thành công từ...

10 bài học ‘quý hơn vàng’ để gặt hái thành công từ ông chủ Amazon – Jeff Bezos

62
Ông vua của ngành bán lẻ trực tuyến, là một trong những doanh nhân và nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng nhất thời đại chúng ta. Không những thế, nhà sáng lập Amazon còn sở hữu tờ The Washington Post và là một trong những nhà đầu tư chính rót vốn vào Uber.


Ảnh minh họa

Dưới đây là 10 bài học lãnh đạo đã tạo nên thành công của ông chủ Amazon:

1. Dám bước ra khỏi vùng an toàn

Năm 1994, trước khi bước sang tuổi 30, Jeff Bezos đã được xem là một trong những người thành công khi trở thành Phó Chủ tịch trẻ tuổi nhất tại một công ty đầu lớn ở phố Wall lúc bấy giờ. Bezos đạt được mức thu nhập 6 con số, nhưng ông vẫn quyết định bước ra khỏi vùng an toàn và theo đuổi đam mê.

Sau đó, Jeff Bezos thành lập Amazon, hiện nay đã trở thành “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ban đầu, đó là một quyết định đầy rủi ro, nhưng sau đó nó đã nhanh chóng tạo ra doanh thu 610 triệu USD mỗi năm với hơn 13 triệu khách hàng trên khắp thế giới.

2. Nắm bắt cơ hội

Yếu tố cơ bản tạo nên một doanh nhân xuất sắc chính là khả năng xác định được các cơ hội từ thị trường, và sau đó nắm bắt lấy chúng. Trong khi đang làm việc cho DE Shaw & Co. nghiên cứu sự phát triển của Internet, Bezos đã nhận ra một điều rất rõ ràng rằng: Internet sẽ trở thành “cửa ngõ” của tương lai và ông có thể bán hàng thông qua đó với chi phí rẻ hơn rất nhiều.

3. Thử nghiệm nhanh và hành động ngay lập tức

Khi Bezos quyết định bán hàng trên Internet, ông đã đưa ra 20 sản phẩm có tiềm năng bán chạy nhất bao gồm đĩa CDs, sách và phần mềm. Cuối cùng ông lựa chọn sách bởi vì chúng có hàng triệu loại sách khác nhau và sẽ có cơ hội cạnh tranh cao hơn so với các hiệu sách cố định – nơi chỉ lưu giữ được vài trăm quyển.

Năm 1995, ông mở “thư viện lớn nhất thế giới” với tên gọi Cadabra.com (sau này đổi thành Amazon). Đến năm 1998, sau khi thử nghiệm thành công việc bán sách, ông bắt đầu bán nhiều sản phẩm khác, đầu tiên là đồ Giáng sinh. Cứ như thế, Jeff Bezos liên tục mở rộng quy mô và đến nay Amazon đã bán mọi sản phẩm, từ sách vở đến quần áo, từ đồ chơi đến thiết bị điện tử.

4. Khách hàng luôn là ưu tiên số một

Nguyên tắc kinh doanh cốt lõi của Amazon chính là đặt khách hàng lên trên hết. “Viễn cảnh tương lai của chúng ra là sẽ xây dựng một công ty lấy khách hàng làm trung tâm. Amazon là nơi khách hàng có thể tìm thấy bất cứ thứ gì họ muốn thông qua những cú click chuột”. Tư tưởng này thể hiện xuyên suốt trong mọi nỗ lực của Amazon, từ tối ưu hóa website đến chính sách vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả.

5. Luôn luôn đổi mới

Điểm mạnh lớn nhất của Amazon chính là không ngừng đổi mới. Số công ty bán hàng trên Internet không nhiều và những công ty liên tục đổi mới lại càng ít. Đổi mới là một phần trong chiến lược kinh doanh cốt lõi của Jeff Bezoss: từ phát triển trang web, bán tất cả các loại sản phẩm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời. Chính văn hóa này đã giúp Amazon duy trì khả năng cạnh tranh và loại bỏ đối thủ.

6. Kiên nhẫn

Đây là một trong những “khẩu hiệu” kinh doanh của Jeff Bezos. Ông luôn biết rằng thành công đòi hỏi những nỗ lực qua thời gian, chứ không thể đến ngay lập tức. Không có thành công nào chỉ trong một đêm. Trên thực tế, khi mới bắt đầu Amazon, Bezos đã phải vay mượn tiền từ gia đình và bạn bè để chuyển đến Seattle và thành lập công ty ngay tại gara để xe.

7. Hợp tác

Bezos luôn khẳng định thành công của Amazon ngày nay là nhờ làm việc chăm chỉ và sự đóng góp của các nhân viên. Đối với nhà quản lý, không ai là một thiên tài để có thể làm mọi thứ một mình mà luôn cần sự góp sức, nghiên cứu, thảo luận, đưa ra những ý tưởng và giải pháp mới của tất cả đội ngũ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

8. Đa dạng hóa

Trong khi cả thế giới đặt câu hỏi về việc Jeff Bezos mua lại tờ The Washington Post với mức giá 250 triệu USD vào năm 2013, doanh nhân này nói rằng tinh thần chủ đạo của tờ báo vẫn được duy trì, nhưng với triết lý của Amazon: đó là tập trung vào khách hàng (trong trường hợp của The Washington Post chính là độc giả). Ngoài ra, Bezos còn đầu tư vào rất nhiều công ty và startups, chẳng hạn như Uber và tờ Business Insider.

9. Luôn suy nghĩ tích cực

Jeff Bezos luôn sống với phương châm: Mọi thách thức đều là cơ hội. Mặc dù Amazon khởi đầu từ một gara để xe nhỏ bé và chật hẹp, nhưng sau đó đã nhanh chóng trở thành thư viện trực tuyến lớn nhất thế giới. Đến khi bong bóng dotcom bùng nổ và cổ phiếu Amazon tăng từ 6$ lên 100$, Bezos vẫn không thỏa mãn và ông muốn tiếp tục cuộc chiến với sự tự tin và tinh thần lạc quan. “Nếu có lúc nào Jeff cảm thấy không vui, bạn chỉ cần đợi 3 phút”, vợ của nhà sáng lập này chia sẻ.

10. Theo đuổi đam mê

Bất cứ doanh nhân vĩ đại nào cũng cần phải đam mê với công việc của mình. Và Bezos đam mê mọi thứ của Amazon từ những cuốn sách, thương mại điện tử đến khả năng điều hành doanh nghiệp. Ông cũng là một diễn giả tự tin và luôn có những luận điểm mạnh mẽ, thuyết phục.

Theo trí thức trẻ