Kiến thức quản trị Khởi nghiệp đừng bao giờ ‘just do it’, thất bại là chắc!

Khởi nghiệp đừng bao giờ ‘just do it’, thất bại là chắc!

20
Nhiều người vội vã khởi nghiệp nhưng quên đi một thứ quan trọng là xây dựng bản kế hoạch kinh doanh – kim chỉ nam cho những ngày đầu.


Ảnh minh họa

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của anh Vũ Minh Tường, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Lãnh đạo Chiến Lược ĐH James Madison. Bài viết là câu chuyện vui về khởi nghiệp, qua đó tác giả khẳng định vai trò quan trọng của bản kế hoạch kinh doanh. Mời độc giả đón đọc.

Hiện nay làn sóng khởi nghiệp đang lan tràn khắp mọi nơi.

Bà Lụa xóm dưới nhờ đứa cháu gái mở tài khoản facebook để bán lúa. Tuy dáng không đẹp như các cô người mẫu bán mỹ phẩm nhưng bà quyết bảo cô cháu gái chụp, chỉnh sửa và lấy ảnh avatar là hình “dáng đứng bến tre” giữa sân phơi gạo, nhằm quảng cáo sản phẩm.

Anh Tư ở xã cũng gia nhập vào mấy trang web thương mại điện tử, quyết tâm xuất khẩu thuốc lào đi thế giới. Anh tự tin rằng thuốc lào Tiên Lãng hút phê có kém gì xì gà Cu Ba. Phen này quyết đưa thuốc lào quê ta lên tầm quốc tế. Ấy vậy mà vừa khởi nghiệp đã… sạt nghiệp.

Đây là lý do đầu tiên mà bà Lụa và anh Tư thất bại. Bà và anh đều không hề viết kế hoạch kinh doanh. Cả hai đều cho rằng kế hoạch có bao giờ đúng đâu, viết cũng chỉ mất công. Cùng lắm thì bà gạch vài cái đầu dòng là đủ. Kinh nghiệm trồng lúa, bán gạo bao nhiêu năm cho bà một cái tự tin chính đáng vào việc… cứ làm, nếu sai thì sửa…từ từ.

Anh Tư thì còn tệ hơn. Anh viết một bản kế hoạch kinh doanh vô thưởng vô phạt, rất chung chung, chẳng cần nghiên cứu khảo sát thị trường. Bản kế hoạch của anh lấy số liệu từ mấy trung tâm nghiên cứu của chính phủ. Tiếc là số liệu ở đây vừa cũ, vừa được xào nấu nên hoàn toàn vô dụng. Chỗ nào thiếu dữ liệu thực tế thì anh viết bằng… trí tưởng tượng của mình.

Việt Nam rộng lớn với 93 triệu dân, anh Tư chỉ nghĩ đơn giản mình cứ khiêm tốn bao thầu được 10% các quán chè tàu vỉa hè để bán thuốc lào là chẳng mấy chốc có xe sang mà đi. Chưa kể lúc sản phẩm xuất khẩu ra thế giới, khả năng cao anh có thể trở thành tỷ phú. Trong đầu anh vẫn luôn quan niệm rằng, mấy bản kế hoạch kinh doanh này chỉ là hình thức để cho mấy nhà đầu tư xem mà thôi. Bản kế hoạch để xin tiền là chính, chứ mình cứ tuân theo quy tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Nhưng đáng tiếc đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, bản kế hoạch kinh doanh là kim chỉ nam cho ngày đầu mò mẫm khởi nghiệp. Nó thể hiện được nguồn lực cá nhân, phân tích được hoàn cảnh thị trường.

Người xưa đã có câu “biết địch biết ta” thì mới “trăm trận, trăm thắng” được. Thế mà các nhà khởi nghiệp cứ coi nhẹ, làm qua quýt. Tệ hơn nữa, đa phần các bác các anh là người giỏi chuyên môn, kĩ thuật nay chuyển qua kinh doanh. Về làm nghề thì chẳng ai hơn các anh, nhưng mà ra thương trường thì còn quá non về kiến thức quản lý, vận hành công ty. Các anh viết ra những bản kế hoạch đầy mơ mộng, góc nhìn thì sai lệch mà cứ tự tin rằng mình chắc chắn sẽ chiến thắng.

Bài học

Lời khuyên ở đây là chớ vội khởi nghiệp, hãy dành 1 tháng nghiên cứu thị trường, phân tích nguồn lực bản thân, viết được cái kế hoạch ra hồn rồi hãy tính.

Sau cú thất bại này, bà Lụa và anh Tư quyết không nản, khởi nghiệp lại. Chu đáo hơn, hai người dẫn nhau lên gặp một người từng đi du học ở Liên Xô về mời làm cố vấn. Chưa biết liệu có thể thành công hay không nhưng rõ ràng chặng đường kinh doanh phía trước của hai người có tỷ lệ thành công cao hơn.

Theo Nhịp sống kinh tế