Kiến thức quản trị Bản ngã – Yếu tố quyết định trong kinh doanh

Bản ngã – Yếu tố quyết định trong kinh doanh

242
Bản ngã của bạn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức mà bạn tiếp cận hoạt động việc kinh doanh. Từ nhu cầu được khẳng định, đến việc liên tục nói về bản thân; từ thái độ ngạo mạn cho đến việc kể công về những thành quả đạt được… tất cả những điều đó chỉ là một vài trong số những biểu hiện mà cái tôi cá nhân tác động lên cuộc sống của bạn. Nếu bạn quá quan tâm đến bản thân, bạn sẽ không còn mối quan tâm nào dành cho khách hàng, đối tác.

Tuy nhiên, bản ngã cá nhân cũng có mặt tích cực của nó. Lòng tự trọng có thể giúp bạn thiết lập ranh giới và tiêu chuẩn hoạt động, giúp bạn tự tin để khẳng định rằng mình có thể tạo ra sự khác biệt có lợi cho khách hàng. Nếu bạn không tin vào điều mà bạn đang làm thì ai sẽ tin bạn đây?

Hiểu theo nghĩa tích cực thì cái tôi cá nhân là việc thể hiện những điểm mạnh của bản thân thay vì những điểm yếu. Vậy làm thế nào bạn có thể gạt bỏ bản ngã của chúng ta và tiến hành kinh doanh một cách hiệu quả?

Duy trì một tư duy thoáng đãng. Khi bạn xuất phát từ cái tôi cá nhân, dường như phạm vi hiểu biết của bạn đang bị thu hẹp lại. Bạn tin rằng bạn chỉ có một biện pháp duy nhất để thực hiện, rằng bạn có tất cả các câu trả lời. Tuy nhiên, thành công trong kinh doanh đòi hỏi bạn phải nhìn thấy được một bức tranh lớn hơn. Bạn phải sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới, những xu hướng mới, những quan điểm mới, và quan trọng nhất, là những kiểu dạng khách hàng khác nhau mà bạn chắc chắn sẽ phải tiếp xúc. Một tư duy mở sẽ mang lại cho bạn rất nhiều cơ hội.

Lắng nghe nhiều hơn nói. Con người được sinh ra với hai cái tai và một cái miệng là để nghe nhiều hơn nói. Hầu như mỗi khi bạn nói, bạn đều xuất phát từ bản ngã cá nhân. Bạn nói về bản thân, về điều bạn thấy, về việc bạn làm, và về quan điểm của bạn đối với một sự kiện nào đó. Mặc dù những điều này là vô hại, nhưng khi bạn bước vào lĩnh vực kinh doanh bạn cần điều chỉnh một số chi tiết. Kinh doanh là để phục vụ cho nhu cầu của người khác, cụ thể là cho thị trường mục tiêu của bạn. Tất cả phải tập trung cho khách hàng. Vì vậy để thành công, bạn phải lắng nghe những điều khách hàng nói. Vấn đề lớn nhất của họ là gì, nhu cầu và ước muốn của họ là gì? Họ đang trông chờ bạn làm điều gì cho họ? Cách duy nhất để biết được những điều đó là lắng nghe họ một cách chăm chú với trái tim đồng cảm. Hãy đảm bảo rằng mỗi điều bạn nói đều ít nhiều có liên quan đến khách hàng của bạn.

Hãy tỏ ra khiêm tốn. Sự khiêm tốn hay thái độ nhún nhường là một tính cách cần thiết trong kinh doanh. Cho dù bạn là người thông thái đến thế nào thì rồi cũng sẽ có lúc bạn không thể kiểm soát được những sự việc đang diễn ra xung quanh hay sắp xảy đến với bạn. Hãy rèn luyện thái độ khiêm tốn và biết ơn cuộc đời khi mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, để đến khi có điều gì đó xảy ra không như mong đợi, bạn vẫn có thể dễ dàng vượt qua. Rèn luyện tính khiêm tốn cũng có nghĩa là bạn phải đối mặt với sai lầm và sự không hoàn hảo của bản thân. Bên cạnh đó, bạn phải nhận thức được thái độ của mình trong thái độ hành xử với người khác. Bạn hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình. Điều này đòi hỏi bạn phải gạt bản ngã của mình sang một bên và tự ý thức rằng bạn không giỏi hơn, nhưng cũng không kém cỏi hơn bất kỳ người nào khác, rằng bạn đang đi trên con đường của riêng mình và chỉ dành cho mình mà thôi. Không có chỗ dành cho cái tôi cá nhân trong một trái tim biết nhường nhịn.

Đừng đòi hỏi sự hoàn mỹ. Một cái tôi quá lớn thường đi kèm với một tham vọng về sự hoàn hảo. Sự hoàn hảo là một điều không thể – nó ngăn cản con người tiến về phía trước để hoàn thành những công việc nằm trong khả năng, khiến bạn không thể diễn thuyết vì bạn nghĩ rằng bài nói của bạn chưa đủ hay, cản trở bạn viết một cuốn sách, không cho bạn thực hiện một cuộc gọi cho khách hàng tiềm năng hay một bài thuyết trình về một đề tài bạn yêu thích… Đừng để cho tư tưởng này xâm chiếm cuộc sống của bạn. Người ta nhận ra bạn vì bạn là một con người thực, một người mà họ có thể đồng cảm. Đừng để cho sự cầu toàn chắn ngang con đường bạn đang đi.

Sẵn sàng chấp nhận sai lầm. Sai lầm là một phần trong cuộc sống. Nếu không có sai lầm, sẽ không có kinh nghiệm. Kinh nghiệm mang lại những bài học cho phép bạn đưa ra những quyết định đúng đắn khác để đi đến gần hơn mục tiêu đã đặt ra. Nếu bạn không sẵn sàng tiếp nhận kinh nghiệm, bạn sẽ không có chút kiến thức thực tế nào về cuộc sống và công việc kinh doanh. Lòng tự trọng quá cao sẽ ngăn cản bạn tiếp thu kinh nghiệm, vì lòng tự trọng đó xem sai lầm là một điều tệ hại và là dấu hiệu của thất bại. Có một điều khá buồn cười là, có thể bạn là người duy nhất chú ý đến sai lầm của mình, bởi vì những khác còn quá bận rộn lo lắng cho cuộc sống riêng của họ. Vậy thì bạn hãy thoát khỏi ám ảnh về bản thân, ném đi cái tôi cá nhân và bắt đầu cuộc sống.

Đừng bảo thủ. Có một sự khác biệt lớn giữa việc chứng minh mình là đúng và khăng khăng mình là đúng. Bảo thủ là biểu hiện của chữ Tôi. Bạn nghĩ rằng bạn là người duy nhất đúng, rằng người nào không nghĩ như bạn thì người ấy sai. Người bảo thủ thực ra là những người sợ hãi. Họ tự nhốt mình trong thế giới riêng, không màng đến những người xung quanh. Họ không biết cách thể hiện sự tôn trọng quan điểm của người khác, vì bản thân họ không hề có khái niệm về sự tôn trọng. Sau cùng, thật là lố bịch khi tin rằng một ai đó là người duy nhất biết sự thật hoặc biết cái gì là đúng. Bạn sẽ thấy rõ điều này khi bạn dần tiến vào con đường kinh doanh. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn thể hiện sự bảo thủ, hãy nhớ rằng đó là cái tôi của bạn đang nổi loạn trong đầu bạn đó thôi.

Hãy để người khác nói về bạn. Tại sao không tự đẩy bạn và bản ngã của bạn ra ngoài để cho người khác lên tiếng về bạn. Nhận xét của họ là công cụ mạnh mẽ mà bạn có thể sử dụng để xây dựng sự nghiệp. Con người thường liên hệ với những câu chuyện mà người khác kể với họ. Họ sẽ mang trong mình mối nghi ngờ, nếu như chính bạn lại nói về bản thân mình. Hãy chủ động lưu lại đánh giá của những đối tác, khách hàng. Sau đó hãy sử dụng một trong số đó trong những chiến dịch tiếp thị khác nhau, đưa lên website để mọi người cùng xem. Nếu như có ai đó nói những điều tốt đẹp về bạn, nhưng lại ngại viết ra giấy để chứng thực, bạn hãy ghi chép lại những điều họ nói với bạn và gửi đến cho họ để xin xác nhận cuối cùng.

Theo Bwportal/Bizpro Group/Dịch từ Advisortoday)