Tin tức - Sự kiện Làm hồ dạy bơi cho học sinh bằng… tre, lưới?

Làm hồ dạy bơi cho học sinh bằng… tre, lưới?

16

Để không còn nỗi lo học sinh đuối nước mỗi khi mùa lũ về, các giáo viên trường tiểu học Hưng Thạnh 2 (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) dùng tre, lưới bạt… làm hồ dạy bơi cho học sinh ngay trên sông. Nhờ hồ bơi này, nhà trường đã xóa “mù” bơi cho hàng trăm em học sinh.


Ảnh minh họa
“Xóa mù bơi”

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa lũ, thầy cô và phụ huynh ở trường tiểu học Hưng Thạnh 2 (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) lại phập phồng lo lắng nguy cơ bị đuối nước xảy ra cho các em học sinh. Từ nỗi lo này, năm 2008 được sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo UBND xã Hưng Thạnh, các thầy cô trường tiểu học Hưng Thạnh 2 bắt tay vào việc xóa “mù” bơi cho các em học sinh của trường bằng cách tạo hồ bơi ngay trên dòng sông gần trường rồi dạy bơi cho các em học sinh và các em nhỏ ở địa phương.

Thầy Nguyễn Thành Tâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Thạnh 2 cho biết: “Hưng Thạnh là một xã vùng sâu của huyện Tháp Mười. Bởi thế đến mùa lũ, nước từ thượng nguồn theo sông An Long chảy tràn ra các kênh rạch, cánh đồng trên địa bàn xã Hưng Thạnh, dẫn đến nguy cơ trẻ đuối nước cao. Trong khi đó, nhiều em học sinh nhà xa phải tự bơi xuồng đi học, có nhiều em ba mẹ đi làm ăn xa, để các em ở nhà một mình nễn dễ xảy ra nguy cơ đuối nước… Xuất phát từ nỗi lo này, năm 2008 thầy cô trong trường quyết định dùng tre, lưới, tấm bạt nilon… làm hồ bơi ngay trên con kênh 13 (nằm giữa ấp 1 và 2A của xã Hưng Thạnh) rồi bắt đầu “chiêu sinh” dạy bơi hoàn toàn miễn phí cho tất cả các em học sinh và kể cả các em nhỏ ở địa phương”.

Nói về hồ bơi, thầy Tâm cho biết, hồ bơi được thiết kế rộng 4m, dài 10m và sâu 2m. Xung quanh hồ bơi dùng các cọc tre cấm xuống lòng sông với khoảng cách 2 – 3m một cây, sau đó dùng lưới bao xung quanh tạo thành một cái hồ hình chữ nhật nằm ngay trên sông. Do tận dụng những vật dụng trong nhân dân đóng góp nên tổng chi phí cho cái hồ bơi chỉ khoảng 600.000 đồng.

“Hồ bơi này có nước quanh năm, tuy nhiên từ tháng 12 – tháng 7 là nước hơi cạn. Còn từ tháng 8 đến tháng 11 thì nước mênh mông, nhưng dù thời gian nào thì chất lượng nước cũng là điều thầy cô, phụ huynh trăn trở nhất. Tuy cái hồ bơi mà nhà trường chúng tôi tạo nên không lo chuyện thiếu nước nhưng do làm bằng tre, lưới… nên sau một hai năm học là thầy cô phải làm một cái hồ bơi mới”. Thầy Tâm chia sẻ.

Theo thầy Tâm, việc nhà trưởng tổ chức dạy bơi cho các em học sinh rất được các đồng chí lãnh đạo xã quan tâm, ủng hộ, tuy nhiên ban đầu nhiều phụ huynh vẫn còn ngán ngại khi cho con em tham gia học bơi. Nhưng khi các phụ huynh đến quan sát, thấy lớp dạy bơi được thầy cô tổ chức chặt chẽ, từ khi các học sinh khởi động đến lúc xuống hồ làm quen với nước rồi tập bơi… có 3 giáo viên luôn theo sát. Từ cách làm bày bản này, các phụ huynh yên tâm và hầu hết đều mạnh dạn cho con em học bơi.

8 năm, không có học sinh bị đuối nước

Về cách tổ chức dạy bơi cho các em học sinh, thầy Tâm cho biết, hàng năm cứ bắt đầu tháng 8 nhà trường mở lớp dạy bơi. Trung bình mỗi lớp có từ 50 – 60 em học sinh tham gia, trong đó hơn 98% là số học sinh khối lớp 1, 2% còn lại là số học sinh khối lớp 2 (năm rồi chưa học) hoặc số học sinh trường khác chuyển đến. Do vậy, từ khi có lớp học dạy bơi này, năm nào nhà trường cũng đạt khoảng 99% học sinh trong toàn trường biết bơi. Một niềm vui hơn là trong suốt 8 năm qua, tại trường không có học sinh nào bị đuối nước.

Khi kết thúc khóa học bơi, các em được kiểm tra công nhận biết bơi và được UBND xã Hưng Thạnh trao giấy chứng nhận và tặng kèm 20.000đồng/học sinh. Em Dương Văn Hậu lớp 4/1 chia sẻ: “Ban đầu em cũng như nhiều bạn khác sợ nước lắm nhưng sau khi được các thầy cô hướng dẫn, tụi em thích nước và bắt đầu tập bơi. Hiện nay em và nhiều bạn của em bơi được xa lắm nên bọn em chẳng lo mỗi khi đi tàu, phà qua sông”.

Thầy Nguyễn Bửu Trọng – giáo viên dạy bộ môn Thể dục, Trường Tiểu học Hưng Thạnh 2 cho biết, năm đầu tiên thực hiện và cũng như năm học vừa rồi, dù các em sống ở vùng sông nước nhưng khi được hỏi thì rất nhiều em học sinh cho biết chưa biết bơi. Nguyên nhân là do trước giờ các em ở khu dân cư, cha mẹ bận lo mưu sinh, các em rất ít khi tiếp xúc với sông nước. Thấy thế các giáo viên tổ thể dục sẵn sàng dành thời gian dạy bơi cho các em học sinh mà không đòi hỏi bất cứ một khoản thù lao nào. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho các em ở hồ bơi giả chiến trên sông thì chúng tôi thấy còn nhiều bất cập.

Thầy Nguyễn Thành Tâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Thạnh 2 chia sẻ: “Thú thật khi nhìn các em học sinh học bơi trên sông, chúng tôi thấy còn nhiều bất cập và lo lắm. Chẳng hạn như lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm, vì xung quanh đây bà con trồng lúa, rau màu nhiều lắm. Và học bơi từ cái hồ dã chiến này thầy trò chúng tôi cũng không thể chủ động được việc dạy và học, vì phụ thuộc vào thời gian và triều cường… Vì thế nếu ở xã chúng tôi có được cái hồ bơi di động thì việc dạy bơi cho hai trường tiểu học trên địa bàn xã sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

Bà Lê Thị Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh cho biết, từ khi có mô hình dạy bơi của Trường Tiểu học Hưng Thạnh 2, hơn 7 năm qua trên địa bàn không có trẻ nào bị đuối nước. Từ mô hình này, các trường khác trên địa bàn xã cũng thực hiện khá hiệu quả cho công tác xóa mù bơi cho các em học sinh. Rõ ràng hiệu quả mô hình dạy bơi cho các cháu mang lại là rất lớn, giúp các cháu bảo vệ an toàn cho bản thân, tránh nguy cơ đuối nước trên đường đi học cũng như khi ở nhà.

Theo PV Dân trí tiềm hiểu, trường tiểu học Hưng Thạnh 2 có 180 học sinh, trong đó các em thuộc diện khó khăn chiếm đến 40%. Nguyên nhân nhà trường có nhiều học sinh thuộc diện khó khăn vì điểm trường nằm giữa hai khu dân cư (dành cho hộ nghèo, hộ có nhà sạt lở định cư – PV). Bởi thế, các em nhỏ thường ở nhà một mình, tự chăm sóc nhau vì cha mẹ bận mưu sinh ở những cánh đồng xa… Do vậy, việc thầy cô ở trường tiểu học Hưng Thạnh 2 tự nguyện dạy bơi cho các em nhỏ ở vùng rốn lũ Tháp Mười là vô cùng cần thiết.

Theo Dân Trí