Tin tức - Sự kiện Cho trẻ học bơi: Sao mãi chần chừ?

Cho trẻ học bơi: Sao mãi chần chừ?

12

Mỗi ngày trung bình có hơn 9 trẻ em Việt Nam chết đuối. Bộ GD-ĐT đã đặt mục tiêu dạy đại trà bơi lội cho học sinh tiểu học nhưng hơn 5 năm qua, đề án mới dừng ở việc thí điểm

Một ngày sau sự việc 9 nam sinh Trường THCS Nghĩa Hà (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) chết đuối khi tắm sông hôm 15-4 ở thôn Thanh Khiết, lại thêm 3 học sinh (HS) chết đuối, cũng ở Quảng Ngãi. Các vụ đuối nước xảy ra liên tục một lần nữa đặt ra vấn đề bức thiết dạy kỹ năng và kiến thức về bơi lội cho trẻ em.


Ảnh minh họa

Trường nghèo, lấy đâu ra hồ bơi?

Đến thăm nơi 9 HS cùng chết đuối thương tâm, thầy giáo Bùi Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà, vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót. Đến bây giờ, thầy vẫn không biết vì sao 9 HS lại chết ở vũng nước nhỏ như thế. Hàng loạt câu hỏi thầy tự đặt ra cho mình để rồi lại thấy thêm day dứt khi các em ra đi có một phần lỗi của người lớn.

“Các em có lẽ đều không biết bơi nên mới xảy ra chuyện này. Nếu các em biết bơi, có lẽ sự việc không đau lòng như thế. Việc không trang bị kỹ năng sống, kỹ năng bơi lội cho các em thuộc về trách nhiệm của nhà trường, của mỗi phụ huynh. Lâu nay, chúng ta quên trang bị kỹ năng sống tối thiểu cho các em. Chúng tôi cũng ý thức được điều này nhưng vì không có điều kiện nên đành chịu” – thầy Phước trăn trở.

Hiện nay, tại tỉnh Quảng Ngãi, chỉ duy nhất Trường THCS xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ mở lớp dạy bơi cho HS 1 buổi/tuần. Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đức Phổ, cho biết trước đây, trường này thường xuyên có HS chết đuối. Xét thấy trường đủ cơ sở vật chất cũng như nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh HS, Phòng GD-ĐT quyết định để trường tổ chức dạy bơi. Từ khi đưa môn học bơi vào nhà trường, không có thêm HS nào phải tử vong vì đuối nước nữa.

Trong buổi thăm hỏi 9 gia đình có HS bị chết đuối ở tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, đề xuất ngành giáo dục tỉnh cần nhanh chóng đưa môn bơi lội vào các trường để trang bị kỹ năng sống cho các em. “Việc này cần phải làm càng sớm càng tốt, từ đó mới có thể hạn chế những vụ việc thương tâm tương tự xảy ra” – ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị.

Thế nhưng, dù biết dạy bơi cho trẻ là cần thiết và nên triển khai càng sớm càng tốt nhưng ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi dự định phải đến năm 2018 mới xây được thêm nhiều hồ bơi ở các trường khác. Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Bộ GD-ĐT từng triển khai đề án dạy bơi học đường cho HS nhưng chỉ có một số nơi như TP HCM và Hà Nội đủ cơ sở vật chất thực hiện. Còn ở Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác không làm được vì trường học chật hẹp, xây dựng bể bơi lại quá tốn kém.

“Qua vụ việc 9 HS chết đuối, chúng tôi sẽ đề xuất quyết liệt với Bộ GD-ĐT cần triển khai nhanh chóng đề án này vào thực tế càng nhanh càng tốt để trang bị kỹ năng sống cần thiết cho HS. Việc này cần phải có sự chung tay của ngành giáo dục và phụ huynh HS mới xây dựng được cơ sở vật chất” – ông Dụng bày tỏ.

Chủ yếu tuyên truyền là chính

Việt Nam có đến 3.260 km bờ biển, mật độ sông ngòi dày đặc với 2.360 con sông lớn nhỏ lại thường xuyên chịu thiên tai, mưa lũ. Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới công bố vào cuối năm 2014, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ từ 5-14 tuổi tại Việt Nam. Việt Nam cũng là nước có số trẻ chết đuối nhiều gấp 10 lần so với các quốc gia phát triển với trung bình 9 trẻ tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, có một nghịch lý là bơi lội chưa bao giờ được đưa vào dạy học như một môn học chính thức.

Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo các sở GD-ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước cho HS tiểu học. Theo đó, các tỉnh, TP sẽ triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Chậm nhất vào năm học 2014-2015, cả nước phải xong mô hình thí điểm trước khi tổ chức dạy bơi đại trà. Vậy mà đã bước qua năm 2016, việc dạy bơi trong nhà trường vẫn chỉ dừng lại… trên giấy.

Trong hướng dẫn công tác HS, sinh viên hoạt động ngoài giờ lên lớp và y tế trường học năm học 2015-2016, Bộ GD-ĐT cũng chỉ yêu cầu các trường tăng cường công tác tuyên truyền, tham gia các lớp tập huấn phương pháp dạy bơi, cứu đuối, công tác phòng tránh tai nạn đuối nước cho HS. Sở GD-ĐT có nhiệm vụ chủ động triển khai, tích cực xã hội hóa việc tổ chức dạy bơi, cứu đuối, phòng tránh tai nạn đuối nước cho HS…

Đánh giá việc thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, một lãnh đạo của bộ cho hay một số địa phương đã có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất lớn cho công tác này. Đà Nẵng đã có nhiều bể bơi mini được trang bị cho các trường tiểu học và một số bể bơi tự tạo đặt trên bãi biển. Hải Dương đã triển khai đề án giáo dục bơi. Nhiều cơ sở giáo dục tại TP HCM đã phối hợp với ngành văn hóa và phụ huynh để HS được thực hành bơi ở các bể bơi công cộng, bể bơi tư nhân. Một số địa phương đã sáng tạo tổ chức dạy bơi theo mô hình dựng lồng bơi tại ao, hồ, sông, suối…

Dù vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận việc triển khai dạy bơi cho HS trong nhà trường hiện còn nhiều hạn chế, chủ yếu do các trường không có địa điểm tổ chức. Công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở đa số địa phương mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền về nhận thức cho HS, phụ huynh.

Triển khai càng sớm càng tốt

Không chỉ ở các tỉnh còn khó khăn, 2 TP lớn như TP HCM và Đà Nẵng cũng đang loay hoay với mục tiêu phổ cập bơi lội cho HS. Từ năm 2009, Tổ chức Liên minh Vì sự an toàn của trẻ em Mỹ (Chương trình TASC) đã tài trợ 11 bể bơi di động cho các trường tiểu học tại TP Đà Nẵng trong chương trình bơi an toàn. Đến nay, tổ chức này kết thúc tài trợ thì các bể bơi cũng rơi vào cảnh đìu hiu hoặc hoạt động cầm chừng. Nhiều trường gặp khó khăn do thiếu tiền vận hành, bảo dưỡng bể bơi, tiền trả lương cho giáo viên…

Còn tại TP HCM, hiện trong số khoảng 1.800 trường học với hơn 1,5 triệu HS của TP thì cũng chỉ có xấp xỉ 100 hồ bơi. Ngành giáo dục TP HCM cũng đang kêu gọi nguồn xã hội hóa đầu tư vào bể bơi từ các doanh nghiệp. Do đó, giấc mơ phổ cập bơi lội cho HS còn ở rất xa.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng nhiều trường chưa chú trọng dạy kỹ năng sống cần thiết cho HS nhưng ngay cả nhiều phụ huynh cũng không mấy mặn mà vì chỉ muốn con học kiến thức trong sách vở. Đó là lý do tại sao nhiều HS không hề biết bơi lội, trong khi nhiều nước trên thế giới coi đây là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Tại buổi thăm hỏi, chia buồn với 9 gia đình các HS chết đuối ở Quảng Ngãi chiều 16-4, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cam kết sẽ bảo vệ đến cùng “Đề án giáo dục thể chất cho bậc học phổ thông” của bộ, trong đó có môn bơi lội.

Theo Bộ GD-ĐT, để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống đuối nước, bộ sẽ yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh về phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ. Đồng thời, có biện pháp cảnh báo, nhắc nhở các em không tự mình đi tắm ở những nơi nguy hiểm và không có sự giám sát của người lớn. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi trong nhà trường; tăng cường công tác xã hội hóa, đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo mọi điều kiện để trẻ em, HS được tham gia học bơi.

Theo Người Lao Động